Lễ hội đua Voi là một trong những lễ hội quan trọng trong hệ thống các lễ hội cổ truyền của người vùng cao Tây Nguyên, Việt Nam. Lễ hội được tổ chức vào hai ngày 24 và 25 tháng Chín âm lịch tại Buôn Đôn hoặc cánh rừng ven sông Sêrêpốk, tỉnh Đắk Lắk, nhằm phản ánh tinh thần thượng võ của người M’Nông, một dân tộc giàu đức tính dũng cảm, có kinh nghiệm trong những cuộc săn bắt voi rừng.
Bãi đua được chọn thường là dải đất bằng phẳng đủ để 5-10 con voi dàn hàng ngang đi cùng một lúc, có chiều dài khoảng 1-2 km. Sau hiệu lệnh là một hồi tù và, đàn voi phóng nhanh về phía trước trong tiếng reo hò, cổ vũ nhiệt tình của đông đảo du khách và người dân trong khu vực cùng tiếng chiêng, trống thúc giục. Sau hội đua, cả buôn làng tập trung về nhà cộng đồng để ăn tiệc, uống rượu cần và nhảy múa trong không khí của lễ hội với âm vang cồng chiêng rộn rã.
Ngày nay, do yêu cầu của du lịch và để bảo tồn, phát triển một bản sắc văn hóa, Lễ hội đua Voi được chính quyền địa phương đứng ra tổ chức. Ngoài chạy đua, các chú voi nhà còn tham gia nhiều môn thi như: bơi vượt sông, đá bóng,… Vì vậy, lễ hội này thường được giới thiệu trong các chương trình du lịch của tỉnh Đắk Lắk.