Khu di tích chiến trường Điện Biên Phủ thuộc tỉnh Điện Biên

Khu di tích Chiến trường Điện Biên Phủ thuộc tỉnh Điện Biên, là một quần thể các di tích lịch sử ghi lại chiến công của quân và dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến anh dũng chống thực dân Pháp xâm lược. Các di tích nổi bật của khu di tích là đồi A1, đồi C1, đồi C2, đồi D1, phân khu Hồng Cúm, Him Lam, hầm chỉ huy của tướng Đờ Catri,… thuộc Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và Sở chỉ huy chiến dịch Mường Phăng.

  • Đồi A1: Đồi A1 nằm ở phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, là cứ điểm quan trọng bậc nhất trong tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ. A1 là ký hiệu mà quân đội Việt Nam đặt cho quả đồi. Đây là điểm cao cuối cùng trong hệ thống phòng ngự dãy đồi phía đông, cao gần 32m so với mặt đường, diện tích gần 82.000m², cách Sở Chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ 500m về phía đông. Tại đây, quân Pháp đã cho xây dựng ba tuyến phòng thủ vô cùng kiên cố, phía ngoài cùng lại có năm lớp rào dây thép gai, dày hơn 100m, gài nhiều mìn. Pháo binh ở Mường Thanh, Hồng Cúm, hỏa lực bắn thẳng ở cứ điểm A3, C2, không quân, xe tăng sẵn sàng chi viện cho cứ điểm A1.
    Về phía ta, cứ điểm A1 là một trong các mục tiêu chủ yếu của đợt tấn công thứ hai của chiến dịch. Sáng 7-5-1954, quân đội Việt Nam đã chiếm được đồi A1.
  • Đồi C1: nằm trong dãy đồi liên hoàn phía đông. C1 cùng với các đồi A1, C2, E1, D tạo thành tấm lá chắn che chở cho phân khu trung tâm. Xét về địa thế, đồi C1 tuy không có độ cao như đồi E và đồi D, nhưng lại có vai trò quan trọng hơn rất nhiều bởi sự bố phòng liên hoàn cùng với đồi A1. Nếu quân ta chiếm được hai quả đồi này, sẽ có thể kiểm soát toàn bộ các vị trí tả ngạn sông Nậm Rốm. Ngược lại, nếu để mất những cứ điểm này, lực lượng quân Pháp ở hữu ngạn và tả ngạn sông Nậm Rốm sẽ bị chia cắt.
    Lực lượng của ta tham gia đánh đồi C1 gồm: Tiểu đoàn 215 thuộc Trung đoàn 98, Đại đoàn 316 do Trung đoàn trưởng Vũ Lăng trực tiếp chỉ huy, ngoài ra, còn có một số đơn vị kết hợp của Đại đoàn 312.
  • Đồi C2: nối với đồi C1 bằng một “yên ngựa.” Sườn đồi phía trong thoai thoải, đổ xuống đường 41 (nay là đường 279), rất tiện cho quân Pháp cơ động lên phản kích. Trên đồi có hệ thống chiến hào liên hoàn với nhiều lô cốt, ụ súng khá kiên cố. Phía ngoài, quân Pháp bố trí nhiều lớp rào dây thép gai và bãi mìn dày đặc. Đồi C2 do Tiểu đoàn Dù thuộc địa và Trung đoàn Ma Rốc số 4 chiếm giữ.
    Về phía ta, chịu trách nhiệm đánh cứ điểm này là Trung đoàn Ba Đồn (98), thuộc Đại đoàn Biên Hòa (316). Trung đoàn trưởng chỉ huy trận đánh trong thời gian ấy là đồng chí Vũ Lăng.
  • Đồi D: nằm trong cụm Đôminích (Dominique), bao gồm ba ngọn đồi D1, D2, D3. Thực dân Pháp đã xây dựng và biến cứ điểm này thành vị trí tiền tiêu của dãy đồi phía đông. Nhiệm vụ của đồi D là trực tiếp khống chế khu trung tâm và sân bay Mường Thanh. Thực dân Pháp lợi dụng địa thế tự nhiên của ba mỏm đồi có lợi cho chúng về mặt quân sự để xây dựng thành vị trí phòng thủ vững chắc.
    Về phía ta, đơn vị đảm nhiệm tiêu diệt đồi D là các tiểu đoàn 130, 166, 134 thuộc Trung đoàn 209, Đại đoàn 312.
  • Phân khu Hồng Cúm – Phân khu Nam: còn gọi là phân khu Hồng Cúm hay Idaben (Isabelle), được xây dựng về phía nam của Điện Biên, cách trung tâm thành phố 6km. Về mặt chiến thuật, Hồng Cúm giữ vai trò khá quan trọng, nó vừa bảo vệ phía nam của Tập đoàn cứ điểm, vừa chi viện cho phân khu trung tâm khi bị tấn công bằng pháo binh, bộ binh, lực lượng cơ giới và còn có nhiệm vụ ngăn chặn quân ta tiến công từ phía nam lên, đồng thời giữ đường liên lạc với Thượng Lào. Khi Tập đoàn cứ điểm có nguy cơ bị tiêu diệt thì nó trở thành “cửa sau” mở đường rút chạy sang Thượng Lào cũng như đón quân từ Lào sang ứng cứu và chi viện.
  • Đồi Him Lam: Trung tâm đề kháng Him Lam là một trung tâm phòng ngự kiên cố nhất của địch. Him Lam thuộc phân khu trung tâm, cách trung tâm Mường Thanh 2,5km, có nhiệm vụ che chở cho phân khu trung tâm và làm nhiệm vụ án ngữ con đường từ Tuần Giáo vào Điện Biên, ngăn chặn hướng tấn công chính của bộ đội ta vào khu trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
  • Đồi Độc Lập: Đồi này được người Pháp gọi là Gabrielle, thuộc xã Thanh Nưa, thành phố Điện Biên, có chiều dài 700m, rộng 200m, nằm đơn độc ngang đường 12 (Điện Biên – Lai Châu), phía bắc Mường Thanh; là trung tâm đề kháng, có nhiệm vụ ngăn chặn đối phương. Tại đây đã diễn ra trận chiến đấu quyết liệt để mở “cánh cửa thép” nhằm mở đường cho quân ta thọc sâu vào trung tâm chỉ huy sở vào hồi 17 giờ ngày 17-3-1954.
  • Hầm chỉ huy của tướng Đờ Catri (Christian de Castries): thuộc xã Thanh Luông, thành phố Điện Biên, cách đồi A1 khoảng 700m về phía đông. Đây là trung tâm của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, nên được bảo vệ chắc chắn, gồm nhiều đơn vị như: hầm chỉ huy, trận địa pháo, khu quân y, khu hậu cần và một số kho tàng quân trang, quân dụng, hệ thống thông tin liên lạc tới các trung tâm đề kháng. Từ chỉ huy sở có đường giao thông hào tới các đơn vị, xung quanh được bảo vệ bằng hàng rào dây thép gai.
  • Sở chỉ huy chiến dịch tại Mường Phăng: được thành lập ngày 1-1-1954, ở phía đông cánh đồng Mường Thanh. Sở chỉ huy đóng tại đây cho đến lúc kết thúc chiến dịch. Tại đây đã diễn ra những cuộc họp mang tính chất quyết định trong quá trình tấn công Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Để đảm bảo bí mật, Sở chỉ huy quyết định đào một đường hầm xuyên núi, từ lán làm việc của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp thông với lán làm việc của Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, dài 97m, cao 1,70m, rộng 1,20m. Ngoài lán làm việc còn có rất nhiều lán nhỏ, là nơi làm việc của các ban: Tác chiến, Chính trị, Hậu cần, Thông tin, khu hầm và lán làm việc của đồng chí Chủ nhiệm Chính trị Lê Liêm, hầm và lán làm việc của cố vấn Trung Quốc.

Khu di tích Chiến trường Điện Biên Phủ là bằng chứng lịch sử về chiến thắng lẫy lừng của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, thể hiện ý chí quyết tâm của cả dân tộc trước một lực lượng quân sự có đủ cả phương tiện chiến tranh hiện đại; cho thấy sự lãnh đạo sáng suốt với nghệ thuật quân sự tài tình của Đảng ta và Hồ Chủ tịch.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của di tích, ngày 12-8-2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1272/QĐ-TTg, xếp hạng di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ là di tích quốc gia đặc biệt.