Hội đền Hét (Thái Bình)

Đền Hét nằm trên địa bàn làng Bích Du, xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình; thờ tướng quân Phạm Ngũ Lão (1255-1320). Ông là người tài cao, tinh thông võ nghệ, giỏi phép dụng binh. Trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông, Phạm Ngũ Lão cầm quân đi đánh giặc, lập được nhiều chiến công lớn và được vua Trần tin yêu. Khi được vua Trần giao cho thống lĩnh ba quân trấn thủ, bảo vệ vùng biên giới Đông Bắc, tướng quân Phạm Ngũ Lão đã chọn cửa biển Đại Toàn (nay là cửa biển Diêm Điền) – mảnh đất địa linh nhân kiệt có thế long giáng, hổ vờn làm nơi đóng đồn, dựng trại huấn luyện binh sĩ. Nơi ông đóng quân, sau này nhân dân địa phương xây đền thờ phụng. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đền Hét là địa điểm tập kết liên lạc và họp bàn kháng chiến, cất giữ vũ khí của nhiều tổ chức cách mạng, dân quân du kích và bộ đội chủ lực. Với những giá trị lịch sử to lớn, năm 1993, Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã cấp bằng công nhận đền Hét là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Lễ hội đền Hét được tổ chức từ mùng 7 đến 9 tháng Giêng âm lịch hằng năm, chính hội vào mùng 8 (mùng 8 tháng Giêng năm Mậu Tý (1288), tướng quân và quân nhà Trần đã xuất quân đi đánh quân Nguyên tại cửa biển Đại Bàng – cửa biển Thái Bình ngày nay).

Trong Lễ hội, ngoài phần tế lễ, rước, dâng hương, còn có nhiều hoạt động văn hóa – thể thao như: thi đấu bóng chuyền, vật cầu, vật đô, kéo co, đua thuyền,… mang sắc thái riêng của cư dân đi biển, vừa để tưởng nhớ vị tướng giỏi một thời, vừa gìn giữ những nét văn hóa truyền thống địa phương.

Nét đặc sắc nhất trong lễ hội đền Hét mà hiếm có vùng quê nào trong tỉnh có được là thi vật cầu. Đây là trò chơi do tướng quân Phạm Ngũ Lão sáng tạo ra để rèn luyện sức khỏe cho binh sĩ. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, trò chơi vật cầu vẫn được nhân dân địa phương lưu truyền nguyên bản đến ngày nay. Để tham dự trò chơi này, ba thôn trong làng Bích Du sẽ cử ra 18 người chơi là những trai tráng khỏe mạnh, chia thành hai bên tả và hữu, mỗi bên có một tướng và 8 quân. Người được chọn làm tướng là người không những khỏe mạnh mà còn phải có đức hạnh, gia đình văn hóa. Trước khi bắt đầu trò chơi, 18 người chơi vào đền thắp hương tế thánh, sau đó mới ra sân thi đấu. Sân cầu là bãi cát, quả cầu là củ chuối hột lâu năm, nặng khoảng 8kg, được gọt tròn, nhẵn, đặt ở giữa sân. Khoảng cách từ vị trí quả cầu đến môi chiếu bô (miệng rộng 0,8m) ở cuối môi sân là 8m. Khi cuộc vật cầu bắt đầu, người chơi bằng sức khỏe, sự nhanh nhẹn, khéo léo giành lấy quả cầu đem về bô của đội mình. Sau một tiếng, đội nào đưa được cầu vào bô của bên mình nhiều hơn sẽ là đội thắng cuộc. Nếu hòa nhau sẽ phân thắng bại bằng việc ném cầu vào bô từ một khoảng cách nhất định. Người dân nơi đây tin tưởng rằng, ai đưa được quả cầu vào bô năm đó gia đình sẽ đầm ấm, vui vẻ, mọi việc suôn sẻ, thuận lợi. Vật cầu đã trở thành môn thể thao độc đáo, thể hiện tính cộng đồng, tái hiện tinh thần thượng võ có một không hai ở vùng quê ven biên này.

Bên cạnh trò thi vật cầu, vật đô cũng là một nội dung quan trọng trong phần Hội của Lễ hội đền Hét. Trước đây chỉ có trai làng tham gia nhưng những năm gần đây nhờ công tác tuyên truyền rộng rãi, nhiều đô vật từ khắp các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương cũng về tham dự. Sau khi cân trọng lượng cơ thể để phân loại hạng cân thi đấu, các đô vật sẽ thi đấu vòng loại rồi vào thi chung kết. Các trận đấu đều diễn ra trong không khí tưng bừng và sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả là những người dự hội.