Nhiều người không có con trai để cúng giỗ, cũng không lập tự vì không phải ngành trưởng và cũng nghĩ rằng kẻ ăn thừa tự sau này vẫn có thể cúng giỗ mình được, hay nếu không thì con cháu của kẻ ấy sẽ cúng giỗ mình. Họ cũng không muốn sau khi chết phải chịu cảnh cướp cháo lá đa! Vì thế, họ dùng tiền của để mua ruộng nương cúng vào chùa, vào đền hoặc đình để sau khi trăm tuổi, chùa, đền hoặc đình sẽ cúng giỗ.
Những giỗ như vậy gọi là giỗ hậu. Tại nhiều làng, trong hương ước có ghi cả khoản mua hậu, nghĩa là người nào muốn sau này làng cúng giỗ phải bỏ tiền ra mua sự cúng giỗ đó với làng. Tiền mua hậu nộp vào quỹ làng để sử dụng cho các công việc công ích khác.
Mua hậu có thể là mua bằng tiền mặt hoặc ruộng nương. Những người mua hậu có thể phòng sẵn cả việc cúng giỗ của mình, nhờ làng nước, chùa chiền hoặc họ làm ma. Họ sẽ cúng một số tiền hay một số ruộng cho việc này.
Trong những ngày giỗ hậu tại nhà thờ họ, trưởng tộc cúng giỗ và mời một số con cháu trong họ đến dự giỗ. Tại đình, các hương chức quan viên cúng giỗ, rồi cùng nhau chia phần hưởng lộc hậu, ăn uống ngay tại đình hoặc mang về.
Giỗ hậu cúng ở nơi nhà hậu, một căn nhà riêng tại các đình, chùa dùng để làm giỗ hậu. Người khấn giỗ tại đình thường là ông thụ từ hoặc ông tiên chỉ. Trong ngày giỗ hậu, ngoài việc cúng giỗ, dân làng cũng phải sắp lễ để cúng Thành Hoàng.
Tại chùa, việc khấn vái do một vị sư đảm nhiệm. Ở đây trong ngày giỗ hậu có tụng kinh để cầu an cho vong hồn người khuất.