Cúng Giỗ Và Việc Lập Tự

Qua các đoạn trên, ta thấy việc cúng giỗ rất quan trọng đối với dân ta. Dân ta lại tin rằng khi cúng lễ, phải do người đồng khí huyết với người khuất khấn vái, hương hồn người khuất mới có thể được thỏa mãn.

Trong việc lập tự phải theo thứ tự “chiêu mục,” nghĩa là người dưới được thừa tự cho người trên. Ví dụ, cháu thừa tự cho chú bác, em thừa tự cho anh; chú bác không thừa tự cho cháu, anh không được thừa tự cho em.

Tuy người thừa tự đã lập rồi, nhưng nếu vì lý do nào đó, vẫn có thể bỏ đi để lập người khác, gọi là lập hiền hay lập ái.

Người được lập thừa tự, tức là con nuôi của người lập, nên phải ăn ở với cha mẹ nuôi như với cha mẹ đẻ, phải chịu mọi bổn phận của người con đẻ, không được tự ý bỏ cha mẹ nuôi để về nhà mình.

Trong trường hợp cha mẹ nuôi sau khi đã lập tự mới sinh được con (ruột), người con thừa tự có thể về ở với cha mẹ đẻ, hay có thể cư trú lại với cha mẹ nuôi, sẽ được hưởng mọi quyền lợi như con đẻ.

Trong khi lập tự không được dùng con độc đinh hoặc con trưởng, vì những người con này còn phải giữ việc khói hương của chính cha mẹ đẻ.

Người đàn ông không con, không lập tự lúc sống, khi chết rồi, vợ có bổn phận thỏa hiệp với tộc trưởng để lập tự, nhằm có người cúng giỗ cho chồng và gia tiên nhà chồng.

Những người đã hỏi vợ nhưng chưa cưới hoặc mới cưới vợ nhưng chưa có con, chẳng may chết sớm, cha mẹ sẽ lập tự cho con, nhưng với điều kiện con đã đến tuổi trưởng thành.

Những người chết yểu chưa trưởng thành không được lập tự. Những người này được thờ phụng tại bàn thờ chung của gia đình, cũng có khi linh thiêng được thờ riêng làm ông mãnh, và việc cúng giỗ do con trưởng nhớ mà cúng cho.

Những người con nuôi lập tự phải đồng khí huyết với cha mẹ nuôi. Tục không cho lập tự những con nuôi khác họ; những người này chỉ là những người thừa tự, xưa không được hưởng đủ quyền lợi như con đẻ.

Con rể không được thừa tự cha mẹ vợ. Nếu con rể ở lại khi cha mẹ vợ chết, phải chọn người đồng tông lập tự.

Việc lập tự ngày nay chỉ còn tồn tại ở một số địa phương và quan niệm lập tự cũng ít nhiều thay đổi. Ta có câu “nam vô dụng nữ, vô lữ dụng lỡn,” nghĩa là không có con trai dùng con gái, không có thì dùng cháu.

Hiện nay, tại nhiều gia đình không có con trai, con gái thường cúng giỗ cha mẹ, hoặc cũng có khi cháu ngoại cúng giỗ ông bà.

Trải qua mọi biến chuyển từ xưa đến nay, việc cúng giỗ đã thay đổi, việc lập tự cũng chịu ảnh hưởng nhiều.