ĐÌNH ĐÔNG BA
Đình Đông Ba thuộc xã Thượng Cát, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Đình, chùa dựng sát đê sông Hồng, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km về phía tây bắc.
Đình Đông Ba thờ ba vị phúc thần là Quách Lãng với hai người vợ là Đinh Bạch Nương và Đinh Tĩnh Nương, đều là tướng của Hai Bà Trưng. Theo sự tích, gốc gác hai nhà họ Đinh, Quách ở động Hoa Lư thuộc Châu Ái. Khi Trưng Nữ Vương phất cờ khởi nghĩa, Quách Lãng cùng Đinh Bạch Nương và Đinh Tĩnh Nương bèn sắm sửa hành lý lên cửa sông Hát để yết kiến Hai Bà, trên đường đi có qua trang Thượng Cát. Thấy ba người có tài trí hơn người, Hai Bà giao cho họ nhiệm vụ chiêu mộ quân rồi cùng tham gia đánh thành Luy Lâu bắt Tô Định. Sau khi thu hồi bờ cõi, Hai Bà phong cho Quách Lãng, Đinh Bạch Nương và Đinh Tĩnh Nương về hưởng lộc ở làng Thượng Cát. Các vị tướng đã đem bổng lộc chia cho dân làng, lấy nhân nghĩa để đoàn kết mọi người, xây dựng phong tục tốt đẹp, làm cho xóm làng thịnh vượng. Đến khi hai người vợ mất, Quách Lãng hy sinh trong trận chiến đấu với Mã Viện, nhân dân lập đền thờ, sau được phong làm thành hoàng làng Thượng Cát.
Đình Đông Ba là một công trình gồm: cổng, tả hữu mạc, phương đình, đại bái, hậu cung. Thời gian khởi dựng chưa được rõ nhưng được biết đã có hai lần trùng tu lớn dưới thời Tự Đức (1871) và Thành Thái (1902). Kiến trúc hiện nay là sản phẩm của hai lần trùng tu này. Kiến trúc và điêu khắc của đình vẫn là kết cấu vì gỗ cổ truyền và các mảng chạm tứ linh trên cốn mê và hoa lá cách điệu. Đình còn một cỗ kiệu bát cống. Đồ tế khí còn khá nhiều và đều có niên đại cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.