ĐÌNH, ĐỀN ĐỊNH CÔNG THƯỢNG
Đình Định Công Thượng ở Định Công Thượng, phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Từ trung tâm Hà Nội đến di tích phải đi về phía Ngã Tư Sở rồi tiếp theo con đường Nguyễn Trãi, tới khoảng chợ Xanh rẽ vào đường 70B khoảng 2km, đến cầu Lủ (Định Công). Qua cầu đi tiếp 500 mét là tới di tích.
Di tích thờ Hoàng Công (còn gọi là chàng Sơ) là con Vua Hùng thứ 17 (Hùng Nghị Vương và bà Xuyên Nương). Ông sinh ra ở Định Công nên được đổi tên thành Định Công, có tài, thông minh. Dưới triều Hùng Duệ Vương (Hùng Vương 18), ông được giao đánh dẹp ở vùng châu Hoan, châu Hàn, châu Đông Hỷ, bắt sống được nhiều tướng giặc. Lúc về ông đã qua Định Công và khao quân. Thời Thục Dương Vương, ông làm thống lĩnh thủy quân cùng Cao Sơn, Quý Minh làm tả hữu. Ông được giao trấn giữ Quảng Đông 5 năm, sau được triệu hồi về nước, trên đường về ông mất ở cửa bể Bích Hải. Nhà vua lệnh cho dân Bích Hải lập đền thờ, riêng dân Định Công cho trùng tu cung miếu, hàng năm xuân thu nhị kỳ, các quan đến làm lễ và phong thượng đẳng phúc thần.
Người thứ 2 được thờ là Đoàn Thượng, người đất Hồng Châu, giương ngọn cờ phản Trần, phục Lý. Ông có công chữa khỏi bệnh dịch cho dân Định Công.
Đình gồm có tam quan và tòa đại đình, tam quan xây kiểu 4 trụ. Tòa đại đình bố cục mặt bằng kiểu chuôi vồ; đại bái 5 gian và hậu cung 3 gian. Đại bái xây kiểu “tường hồi bít đốc” gồm 6 bộ vì, gian giữa vì làm kiểu phía trước “chồng giường bẩy hiên”, phía sau kèo kẻ suốt. Bộ vì còn lại làm kiểu vì kèo suốt, trụ trốn. Các vì ở hậu cung làm kiểu “chồng giường giá chiêng”. Kiến trúc đã được tu bổ nhiều lần, có trang trí hoa dây, tích phật, cánh sen, vân mây, tứ quý, v.v… Đình có những mảng chạm thế kỷ 17 (tích phật, tiên ông ngồi trên tòa sen).
Đền Định Công Thượng thờ 3 vị tổ nghề kim hoàn là Trần Triều, Trần Điệu và Trần Hoàn là tổ nghề kim hoàn, chuyên đồ nhỏ: hoa tai, xuyến, hột vòng.
Đền kiến trúc kiểu chuôi vồ: tòa tiền tế 5 gian, hậu cung 3 gian, mái làm kiểu chồng diêm có 3 gian giữa tiền tế. Hậu cung có 2 bộ vì kiểu chồng giường, các vì không có cột, dựa vào tường. Kiến trúc được chạm trổ hoa lá. Chân tảng đá khá độc đáo, hình vuông, chạm sừng tê bảo ngọc. Đền có cửa võng, đại tự, hoành phi, câu đối, long ngai, bài vị, sắc phong thần, kiệu, khánh, bia đá…
Đình và đền được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc, nghệ thuật ngày 20.7.1994.