ĐÌNH ĐÔNG NGẠC
Đình Đông Ngạc, có tên Nôm là đình Vẽ, thuộc xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Đình được dựng lên để thờ 3 vị phúc thần, mỗi vị đại diện cho một thế lực trong xã hội:
- Hỏa Quang Tiên Sơn hiệu Đại Thánh (thần Độc Cước). Thần linh thiêng ở quận Nam nước Bắc, đền của thần vốn dựng ở cửa Roi (Nghệ An) rất linh thiêng, thời đại nào cũng có sắc phong.
- Con thứ hai của vua Lê Thái Tổ, tước công, húy Khôi, làm nhập nội tư mã bình chưởng quân quốc trọng sự, có công phò vua Lê trong việc chống Minh.
- Thổ thần, trong sắc phong còn giữ được ghi là Bảo vệ Chương Hòa đồn ngưng thổ địa hiển chương chi thần – thần trừ tai nạn, cầu cúng linh ứng.
Tương truyền đình từ một ngôi miếu cổ được xây dựng từ thời Đường. Theo tấm bia trong đình, niên đại Dương Hòa nguyên niên (1635) cho biết đình được xây dựng lại, sau đó năm Mậu Tuất (1718) cũng có tu sửa. Đến thời kỳ Lê Cảnh Hưng cũng có trùng tu. Tiếp đến thời Minh Mạng 1836 lại trùng tu.
Đình xây dựng trên khu đất rộng thoáng, ven đê sông Hồng. Phía trước là tam quan ngoại với 1 gian, 2 cửa lớn mở vào, vì kèo kiểu giá chiêng, chạm trổ hoa lá cách điệu. Tiếp đó là tam quan nội với 3 hàng chân và có cấu trúc tương tự tam quan ngoại.
Tòa đại đình có bố cục 2 nếp nhà hình chữ nhị. Phần mái tiếp giáp với nhau là máng nước chảy dọc suốt chiều dài đình. Tòa ngoài có vì kèo làm kiểu chồng giường – kết hợp giá chiêng, và phía dưới cách đầu cột khoảng 1m có chiếc quá giang (giống như Văn Miếu, Hà Nội), côn nách liên kết bằng kẻ chuyển. Tòa này phần vách vẫn giữ được ván nong đổ lụa, chưa bị xây tường. Trang trí ở đây chủ yếu là hoa lá cách điệu và rồng.
Tòa nội: Kết cấu và kiểu dáng tương tự tòa ngoại, song trang trí chạm khắc đơn giản hơn.
Hậu cung: Đáng chú ý ở đây là bộ vì gian giữa và côn nách cùng các đầu dư được chạm dày đặc đề tài rồng. Phong cách nghệ thuật mang đậm dấu ấn thời Lê Trung Hưng.
Đình còn giữ được nhiều di vật giá trị như tấm bia thời Lê, một bộ tranh sơn mài thế kỷ 18, nhang án thế kỷ 18, đôi phỗng và một số đồ thờ khác.
Đình đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật ngày 23.7.1993.