ĐÌNH ĐẠI YÊN

ĐÌNH ĐẠI YÊN

Đình Đại Yên thuộc phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội.
Đình Đại Yên xây dựng đã lâu đời, gắn liền với việc lập làng Đại Yên ở phía tây kinh thành Thăng Long từ thời Lý, Trần.
Đình Đại Yên thờ thành hoàng làng là Ngọc Hoa công chúa, một cô bé 9 tuổi đã có công trong trận đánh chúa Chàm là Chế Ma Na vào năm 1104. Cha của Ngọc Hoa là người Yên Định, Thanh Hóa ra Thăng Long dạy học, lấy vợ ở làng Đại Yên (xưa là Đại Bi) và sinh ra Ngọc Hoa. Thời Lý, Chế Ma Na dẫn quân Chàm đến xâm chiếm nước ta. Nàng Hoa khi ấy mới 9 tuổi nhưng đã lớn như một thiếu nữ. Nàng đã mặc giả trai cùng cha tuyển binh đi dẹp giặc. Tới nơi, quân ta cùng giặc giao chiến mấy lần nhưng không phân thắng bại. Nàng Hoa lập kế vờ làm cô gái bán trầu cau, thuốc lào đem vào bán trong hàng ngũ giặc. Nàng đã thu được nhiều tin của địch, báo về cho quân ta. Nàng lựa thời cơ làm ám hiệu cho quân ta xông vào diệt giặc. Quân giặc thua phải rút về. Đất nước thanh bình, nàng xin về quê mẹ ở làng Đại Yên và mất ở đó. Vua phong cho nàng là Ngọc Hoa công chúa, được dân làng thờ làm thành hoàng làng.

Ngoài việc thờ thành hoàng Ngọc Hoa, trong thời kỳ 1935 – 1936 đình còn là nơi truyền bá chữ quốc ngữ và là nơi học võ cho thanh niên bảo vệ xóm làng.
Theo thuật phong thủy ngày xưa thì làng Đại Yên nằm trên lưng rùa và đình làng ở vị trí đầu rùa. Căn cứ vào hàng chữ ghi trên nóc mái đình thì đình được sửa chữa lớn vào năm 1886.

Đình quay mặt về hướng tây, trước đình có một giếng nước, đình gồm cổng, sân gạch, hai bên có tả vu, hữu vu; nhà tiền tế, đại bái, hậu cung. Phía sau có mộ công chúa Ngọc Hoa được xây thành hình vuông. Nhà tiền tế được kết cấu theo kiểu vì kèo trụ trốn, 4 góc ở chân cột vẩy ra 4 chiếc bẩy, ở 4 gian bên, mái được lót kín theo kiểu vòm cuốn (vỏ cua); đây là một hình thức kiến trúc hiếm thấy ở đình, chùa miền Bắc, giống như kiểu kiến trúc đình chùa ở Huế. Trang trí trên các bức cốn của nhà tiền tế là vân xoắn, lá cúc cách điệu. Nhà đại bái nhỏ hơn nhà tiền tế, gồm 3 gian với 4 hàng chân cột, có tường hồi bít đốc, kết cấu bộ vì kèo theo kiểu giá chiêng chồng giường, con nhị, nhưng thay cột trốn bằng hai giường cụt. Trang trí đơn giản, nhiều vân xoắn tạo thành khối lớn ở đầu giường và đầu quá giang. Ngoài ra có các hình vẽ rồng cuốn thủy, rồng cuốn cột ở các cột sơn son thếp vàng.
Đình còn giữ được nhiều hiện vật có giá trị: 3 câu đối gỗ, 3 bức hoành phi, 1 lọ lục bình, 1 choé, 4 hương án, 2 bộ cửa võng…
Đình Đại Yên có giá trị lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc, nghệ thuật ngày 27.12.1990.