Chùa Mía Đường Lâm: Dấu Ấn Lịch Sử và Nghệ Thuật Phật Giáo Việt Nam

CHÙA MÍA

Đến nay không ai rõ chùa Mía được dựng từ bao giờ, nhưng nhiều nhà khoa học đã ngờ rằng mảnh đất Đường Lâm này là tâm điểm trong mối giao thoa giữa vùng cao và vùng thấp, một nơi tụ hội của các dòng văn hóa giữa bản địa với Phật giáo, Bà La Môn giáo, văn hóa Trung Hoa, mà dệt nên những cung bậc của tư duy đời thường — một tư duy hướng đến miền thiện tâm. Và, một điểm nhấn là chùa Mía.

Theo dòng chảy của sự thâm nhập Phật giáo vào nước ta, nhiều nhà nghiên cứu Phật học ngờ rằng vào thế kỷ thứ III trước Công nguyên, vị đại Phật tử, đại anh hùng của Ấn Độ là vua Asôka đã cho dựng ở núi Nê Lê một cây tháp Phật. Gần đây, nhiều nhà nghiên cứu tìm ra được nơi dựng cây tháp này là vùng Tam Đảo, thuộc giai đoạn đầu khi người Việt tiến xuống khai phá mạnh mẽ hơn ở vùng châu thổ thấp. Từ Tam Đảo có thể có hai con đường đi xuống phía dưới: một là đi qua vùng Phúc Yên – Bắc Ninh, hai là đi qua vùng Trung Hà – Sơn Tây. Con đường thứ hai đã xác nhận núi Ba Vì là núi chủ của cả dân tộc, là một trục vũ trụ đảm bảo mọi nguồn hạnh phúc muôn mặt thuộc lĩnh vực nông nghiệp của cư dân ta thời cổ. Cũng có thể Đường Lâm là một trong những làng cổ truyền đầu tiên đánh dấu bước phát triển này, để từ đó, chúng ta thấy chùa Mía như một mốc son trên dặm dài lịch sử.

Hiện nay, người ta không thể biết được dấu tích cổ truyền từ thời “xa lắc xa lơ” ấy nữa.
Nhưng, chỉ một thượng điện được xây trên nền khá cao đã cho chúng ta thấy được dấu tích một ngôi chùa khá cổ, một loại kết cấu bắt nguồn từ thời khởi đầu cho tới tận thế kỷ XVI. Chùa Mía chắc chắn nằm trong một trung tâm quần tụ của người xưa, nên luôn được quan tâm, để tới thế kỷ thứ XVII, trong xu hướng quay trở lại với Phật giáo nhằm ổn định xã hội, thì nhiều ngôi chùa cũng như các di tích trung tâm khác đã được triều đình, qua những phi tần và các vị chức sắc nào đó, đứng ra hưng công. Có thể thấy được trong tinh thần ấy rất nhiều chùa như chùa Thầy, chùa Bút Tháp, chùa Phật Tích,… rồi đền vua Đinh, vua Lê đều đã được chuyển hóa thành dạng kết cấu kiểu trăm gian. Song, tất cả kiến trúc đó đều có niên đại vào những năm 40 – 50 của thế kỷ XVII và gần như chỉ riêng chùa Mía là có niên đại vào cuối những năm 20 – đầu những năm 30 của thế kỷ XVII (khoảng niên đại và nghệ thuật của đình Tường Phiêu, Tích Giang, Phúc Thọ, Hà Nội — một ngôi đình gần như duy nhất của những năm đầu thế kỷ này). Như thế, có thể nghĩ rằng chùa Mía được tạo dựng lại qua sự hưng công của bà Ngọc Dao (một số tài liệu khác chép là Ngọc Dung, Ngọc Diêu, Ngọc Dong,…) như một khởi đầu của dạng chùa theo kiểu thức mới, với dòng Phật giáo Lâm Tế và Tào Động du nhập mạnh hơn từ Trung Hoa. Tuy nhiên, bởi mang tính khởi đầu nên tạm có thể nghĩ rằng, đương thời kiến trúc này chưa to lớn lắm. Dấu tích để lại cho chúng ta hiện nay chỉ xác nhận được cụ thể gồm tòa tiền đường, thượng điện và tòa nhà hậu. Hiện nay, những bộ vì và cột gỗ mít với những đường gân đặc quánh vẫn còn được gìn giữ ở đây. Vào đương thời, chùa đã có tam quan kiêm nhà bia (nay vẫn để hai tấm bia). Ngoài ra, tất cả những hành lang, tiền bái, tả hữu vu và các kiến trúc khác đều chỉ là sản phẩm được bổ sung vào thời kỳ sau.

Như đã trình bày, chùa Mía có thể là một ngôi chùa khá cổ, một nơi sinh hoạt tâm linh còn mang nhiều dấu ấn chung của các cư dân Đông Nam Á. Nếu như ở Thái Lan, Lào và một số nước quanh vùng, bố cục ngôi chùa thường có kèm chợ, thì ở nước ta hiện tượng này cũng khá phổ biến trên diện rộng, như chùa Dâu có chợ Âm, chùa Nành cũng có chợ cạnh chùa, ngay cả đến chùa Hương Tích trên núi Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) trước chùa cũng có chợ Âm… Vì thế, ngôi chợ trước cửa chùa Mía phải được coi là một phạm trù trong hệ thống của kiến trúc này. Người xưa nghĩ rằng, chùa và chợ là một cặp phạm trù thống nhất, hai không gian có vẻ như đối lập nhưng thực sự lại cần phải nương dựa vào nhau để tồn tại. Con người sống trong sự ồn ào của dục vọng, của sự bon chen nhiều khi tàn bạo (chợ), nhưng khi bước qua cửa chùa thì họ như được chìm đắm vào miền thánh thiện thanh tao, khiến cho họ trở nên tĩnh tâm, và, thực chất đã tạo cho con người sự cân bằng tâm hồn, thoát khỏi sự giày vò của tục lụy để vững tâm bước về phía trước.

Ở lĩnh vực phong thủy, chùa Mía nằm trên một mảnh đất cao, xa xa có sông Tích chảy từ bên hữu sang bên tả, mang ý nghĩa đem dòng sinh lực từ dương về âm để muôn loài muôn vật trong không gian này phát sinh, phát triển. Chùa quay hướng tây nam, vừa hướng đến trí tuệ để hành thiện (nam), vừa có ý thức cầu mong thần linh yên vị (tây).

Trong khuôn viên chùa, công trình mở đầu là tam quan, trước đây có treo chuông và khánh. Lên tam quan phải qua năm bậc mà nhà chùa cho biết đó là hình tượng chúng sinh của năm phương thế gian hội tụ về mảnh đất trí tuệ này. Tam quan có hai tầng mái tượng cho âm – dương đối đãi, để mỗi khi tiếng thu không rung lên như nhắc nhở trời – đất, âm – dương hòa hợp, và để cho con người mỗi sáng mỗi chiều tự dọn lòng mình, hòa vào thiên nhiên vũ trụ nhằm đi tìm chính mình, chính tâm. Ngôi tam quan tuy không cao, không lớn nhưng làm theo hình thức cổ truyền nên mang nét ấm cúng, trữ tình để cho người Phật tử khi bước tới đây dẹp bỏ được lòng trần, khởi lòng tĩnh mà hướng tới cõi thiêng liêng. Tầng trên của tam quan đặt tượng một vị hộ pháp nhỏ đứng thẳng, hai tay chắp trước ngực, đầu đội mũ kim khôi, mặc áo giáp nhẵn nhụi với các hoa văn nổi khối. Các nhà nghiên cứu nghệ thuật tạo hình Phật giáo thường cho rằng đây là bóng dáng của thái tử Kỳ Đà, đôi khi còn gọi là đức Tam Châu.

Tầng dưới của tam quan hiện nay còn để hai tấm bia đá cổ to vừa phải. Tấm bia bên phải “Thập phương công đức bi ký” được làm năm Cảnh Hưng thứ 11 (1750) và tấm bia bên trái làm năm Vĩnh Tộ thứ 2 (1620). Đáng quan tâm ở tấm bia Vĩnh Tộ là diềm bia còn giữ được vân leo tay mướp theo phong cách thời Mạc; mặt trước trán bia thể hiện đôi rồng chầu mặt trời, và mặt sau, thay cho đôi rồng chầu, là hai hoa cúc tượng trưng cho mặt trời – mặt trăng hay tượng cho âm – dương đối đãi. Trên bia đề “Sùng Nghiêm tự thị bi” ghi chép về việc lập chợ Mía, càng cho thấy ngôi chợ trước mặt chùa là một bộ phận không thể tách rời.

Tiếp sau cửa tam quan là nhất chính đạo dẫn vào sân chùa. Từ đây để vào đến tiền bái phải bước qua bảy bậc, mà theo nhà chùa là tượng trưng cho bảy bước đi của đức Phật vào toàn cõi vũ trụ để cứu vớt muôn loài về miền hạnh phúc.

Tòa nhà này có bảy gian theo lối tường hồi bít đốc tay ngai. Bộ vì nóc làm theo kiểu giá chiêng. Phần cốn gian chỉ gồm một kèo ngồi và xà nách. Tất cả các gian ở tòa này đều có xà lòng nối với xà nách (những kiến trúc có xà lòng ở thế kỷ XIX chủ yếu chỉ đặt tại hai gian đầu hồi trong kết cấu tường hồi bít đốc).

Ở gian đầu hồi bên phải tiền bái được để một tấm bia lớn có niên đại Đức Long thứ 6 (1634). Đây là một tấm bia khá đặc biệt về nghệ thuật với các nét chạm nổi trau chuốt, xen kẽ giữa rồng và hoa lá, tương tự như bia chùa Bút Tháp, chùa Thầy, chùa Keo và nhiều nơi khác (niên đại khoảng giữa thế kỷ XVII). Bia có đường diềm trang trí theo bố cục hoa và chim xen kẽ. Đó là một đặc điểm hầu như riêng của giai đoạn nghệ thuật tạo hình từ cuối những năm 20 đến những năm 70 của thế kỷ XVII.

Tòa tiền đường nằm song song với tiền bái, có kết cấu năm gian hai chái lớn với độ dài tương đương. Đáng quan tâm là ở kiến trúc này còn giữ được khá nhiều kết cấu bằng gỗ mít. Các bộ vì được làm theo kiểu giá chiêng, hai bên có rường cụt, đã bỏ ván bưng. Phần trang trí chủ yếu được làm từ đầu dư trở xuống. Các đầu dư của năm gian ở giữa đều được làm kiểu đầu rồng tương đối nhỏ, vẫn còn giữ được nét đao mảnh dài bay ra sau. Đáng chú ý là dưới bụng rồng có một đôi tay nắm lấy râu, đó là hiện tượng hiếm thấy ở những đầu dư.

Cốn của các vì này được làm kiểu chồng rường, ở đầu các con rường được chạm vân xoắn còn mang nhiều nét kế thừa gần gũi phong cách thời Mạc. Đồng thời, mặt bên của các xà nách vẫn còn sử dụng hình thức trang trí vân xoắn lớn và những hoa cúc nhìn chính diện được cách điệu. Một điểm đáng quan tâm là đã xuất hiện những đao mác trên vân xoắn ở đầu bẩy. Bằng vào những mảng trang trí và hoa văn, có thể xếp tòa tiền đường của chùa Mía vào niên đại nửa đầu thế kỷ XVII, sớm hơn chùa Bút Tháp và chùa Thầy vài chục năm.

Thượng điện có nền khá cao. Ở đây còn giữ được nhiều chân tảng lớn, với mỗi cạnh hơn 0,7m, và như vậy đường kính cột cũng gần với con số này. Chắc chắn nơi đây đã có một ngôi chùa cổ (tương tự như chùa Nả, Ba Vì, Hà Nội). Chân tảng bằng chất liệu đá vôi cho biết niên đại của tòa thượng điện có lẽ chỉ từ thời Mạc về sau.

Tòa nhà hậu cũng theo kết cấu kiểu giá chiêng cổ truyền, với rường con khá lớn. Ở đây có những cột gỗ mít to lớn, những câu đầu cốn mập mạp và vẫn giữ được nguyên vẹn những đầu dư hình rồng, vừa thoáng có nét của phong cách Mạc nhưng đồng thời những đao cũng mang dấu ấn của thế kỷ XVII. Những cốn ở gian này đều theo kiểu chồng rường, với rường thứ nhất là đuôi của đầu dư, rường thứ hai ăn mộng vào đầu cột cái rồi chạy ra, và rường thứ ba là xà nách. Ngăn cách giữa các con rường là ván bưng và các đấu, làm khá cao để tương ứng. Những đầu bẩy cũng khá dài và hầu như đã được thay lại toàn bộ. Trong gian này, một số xà nách còn được chạm trổ khá kỹ với những vân xoắn, hoa cúc cách điệu cùng những đao mảnh nhẹ bay ra.

Tượng của chùa Mía khá nhiều, chủ yếu được làm bằng chất liệu gỗ và đất luyện, hiện bày không theo quy tắc phổ biến nào. Ở góc trong cùng hai bên hành lang là nơi đặt các ban thờ Đức Ông và Thánh Tăng, còn ở sườn là nơi đặt tượng Tổ truyền đăng. Từ bên trái qua bên phải nhà hậu, lần lượt tại các gian bày các tượng Nam Tào – Bắc Đẩu, Quan Âm tọa sơn ngồi trong động, phía trên có tượng Phật nhập Niết Bàn, tượng của các vị Bồ Tát, động Quan Âm với trung tâm là Đức Từ Phụ, rồi đến động Tuyết Sơn, ban thờ Thánh Quan và cuối cùng là ban thờ Mẫu Liễu Hạnh.

Trên thượng điện, ở vị trí cao nhất, có hai hàng tượng Tam Thế Phật, bao gồm một hàng tượng Tam Thế Phật lớn ngồi ở bên trên, có niên đại vào khoảng thế kỷ XVIII – XIX. Hàng tượng Tam Thế thứ hai có lẽ vốn không phải của chùa mà được đưa từ nơi khác đến. Bộ tượng này được làm rất đẹp, có niên đại vào cuối thế kỷ XVII – đầu thế kỷ XVIII, với hình thức tay tượng kết ấn “tam muội”, ấn “mật phùng” và ấn “thuyết pháp”. Các tượng mặc áo cà sa bó tương đối sát người, ngực để hở, khá nở, khiến tính dân gian của tượng khá rõ.

Hàng thứ ba là bộ tượng Di Đà Tam Tôn, với Phật A Di Đà ngồi giữa, là sản phẩm của thế kỷ XVII. Tượng Quan Thế Âm và Đại Thế Chí ở hai bên đều trong thế ngồi, nhưng hai pho đó không cùng một bộ với tượng A Di Đà bởi tỷ lệ không cân xứng.

Tiếp đó là tượng Phật Di Lặc mang phong cách thế kỷ XIX, rồi đến tượng Thích Ca. Hai bên pho tượng này là hai vị Bồ Tát được làm khá lớn so với tượng đức Phật ngồi giữa, kèm theo là hai tượng Quan Thế Âm và Đại Thế Chí rất nhỏ đứng bên cạnh (chỉ cao khoảng 0,5m).

Hai bên tường hồi của thượng điện hiện có hai tượng chính là Văn Thù dạng nữ cưỡi sư tử xanh, đối xứng là tượng Phổ Hiền cưỡi voi trắng. Hai pho tượng được làm vừa phải, với chiều cao toàn thân khoảng hơn 1m. Phía bên trái còn đặt tượng Quan Âm tọa sơn và có lẽ thêm một vị tổ của nhà Phật.

Pho tượng ở góc bên trái của tòa thượng điện là Quan Âm Nam Hải kết ấn Chuẩn Đề. Đây là một pho tượng khá đẹp, bởi những nét chạm khắc có tính chất chuẩn mực, các cánh tay nuột nà, ngón tay thuôn dài dạng búp măng. Tượng có 11 đôi tay lớn, đầu đội mũ, xung quanh có hào quang, điểm hai bên thành mũ là những đám mây và một hàng hoa cúc cách điệu ở phía dưới. Tượng vẫn giữ được phong cách thời Mạc ở chỗ ngực nở, bụng tương đối thon; tuy các cánh sen đã úp hẳn lại, nhưng lòng cánh sen vẫn còn giữ hình thức vân xoắn với hạt nổi. Nhìn chung, đây là pho tượng rất đẹp trong tạo hình của chùa Mía.

Hai bên tượng Quan Âm Nam Hải là tượng Kim Đồng, Ngọc Nữ cao khoảng 1,2m; tuy nhiên, chỉ có pho Ngọc Nữ được làm tương đối sớm, là sản phẩm của nghệ thuật cuối thế kỷ XVII, còn pho Kim Đồng có niên đại vào cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX.

Gian ống muống, từ trong ra, đầu tiên là hai tượng của hai vị Ngọc Hoàng Thượng Đế, có thể hiểu được đây là tượng của đức Brahma (Đại Phạm Thiên Vương) và đức Indra (Đế Thích) ngồi trên ngai; ở hai đầu ngai được kết hình đầu rồng quay vào giữa để chầu Ngọc Hoàng. Cách thức trang trí trên ngai tuy được làm rất muộn sau này, nhưng rất có thể đã phỏng theo hình thức một chiếc ngai cổ của đầu thế kỷ XVII.

Chính giữa tòa ống muống, trên một ban thờ tiếp theo, có đặt một pho tượng Phật khá đẹp. Dù đài sen và tượng không cùng một phong cách, nhưng niên đại tương đối gần gũi nhau, đều là sản phẩm của cuối thế kỷ XVI – đầu thế kỷ XVII. Những cánh sen như được làm từng cánh và lắp ghép vào, lòng cánh sen chạm vân xoắn và hoa cúc cách điệu — đó là một đặc điểm thường gặp ở niên đại này. Hai bên tượng lại được đặt tượng Phạm Vương và Đế Thích (?), phía ngoài của tượng này đặt pho A Di Đà đứng, còn gọi là Di Đà phát/phóng quang, cao khoảng 1,2m — một sản phẩm của thế kỷ XVIII.

Ôm sát ở trên, thuộc hai bên ban thờ chính, là Thập Điện Diêm Vương; đồng thời, ngay phía ngoài là những tượng khác bao gồm: Thích Ca sơ sinh, Kim Đồng, Ngọc Nữ, kể cả tượng Ngọc Hoàng và Lão Tử… cho thấy những tượng này không hẳn nguyên bản là của chùa Mía.

Trên hệ thống ban thờ chính ở phía ngoài cùng lại là một ban thờ Thích Ca sơ sinh nữa, song tượng hai bên thực chất là Nam Tào – Bắc Đẩu (dù mới cho đội mũ bình thiên) với động tác như cầm bút và cầm sách chứ không phải cầm hốt; đồng thời, thắt lưng ở ngực cũng như hoa văn trên áo tượng cho thấy đây không phải là sản phẩm gắn với các vị vua trời.

Hai đầu hồi tòa tiền đường đặt tượng Bát bộ Kim Cương bằng đất, to vừa phải, được làm khá đẹp, về cơ bản mang phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX. Gian sát hồi đặt hai pho tượng rất lớn của hai vị Hộ Pháp Khuyến Thiện và Trừng Ác.
Gian bên phải, sát gian giữa tiền đường, là một động đắp thờ Quan Âm Tọa Sơn cùng các chư thần; đối xứng gian bên trái là nơi đặt ban thờ Bà Chúa Mía. Tuy nhiên, mỗi bên của các gian này đều có hai tượng Bồ Tát ngồi trên tòa sen, mà thực chất đó là Ái Bồ Tát, Ngữ Bồ Tát, Sách Bồ Tát và Quyền Bồ Tát, thị giả của Thích Ca.
Về khám thờ Bà Chúa Mía, rõ ràng các hoa văn trang trí như những con phượng, rồng chầu mặt trời, lân và đao mác đã cho thấy đây là sản phẩm của thế kỷ XVIII. Theo nhà chùa, mỗi năm chỉ mở khám thờ một lần trước Tết Nguyên đán để bao sái tượng. Tượng Bà cao gần bằng người thường, khuôn mặt trái xoan đầy đặn, khăn phủ qua đầu trùm kín tai rồi phủ sang hai vai, mặc áo thụng ít nếp chảy, để hở ngực, hầu bao thắt nút con dò. Hai tay buông, tay trái để ngửa trên đùi, các ngón tay cong lại trong thế ngồi lần tràng hạt, chân khoanh lộ bàn chân trái trên đùi phải theo dạng kiết già cát tường. Đây là tượng một phụ nữ với khuôn mặt phúc hậu, chỉ khoảng hơn ba mươi tuổi. Tuy rằng niên đại của tượng tương đối muộn nhưng khá đẹp.
Truyền rằng, bà Nguyễn Thị Ngọc Dao – vợ yêu của chúa Thanh Đô Vương Trịnh Tráng – có công lao tu bổ chùa Mía vào đầu thế kỷ XVII, nên sau khi mất, bà được tạc tượng đưa vào chùa thờ, tục gọi là Bà Chúa Mía. Ở đây, dân còn lập đền thờ cách chùa không xa, gọi là đền Bà Chúa Mía, hay còn gọi là đền Phủ, đền thờ Vương Mẫu, hoặc đền Giải Sơn Thánh Mẫu.
Truyền thuyết dân gian vùng xứ Đoài còn kể rằng: Có một người con của vua Hùng tên là Mị Ê, đã có công lớn với làng, và dần dần tên nàng thành tên của Kẻ Mía, bởi trong kiểu đọc chệch âm và hội âm thì tên chữ Mị Ê chuyển sang thành chữ Mía và tên làng. Cũng có một câu chuyện khác kể rằng, vua nhà Lý đi đánh Chiêm Thành, bắt được nàng Mị Ê đem về, sau đó nàng tự tử ở Châu Giang (một nhánh của sông Đáy). Những gợi ý trong các câu chuyện kể trên cho chúng ta ngờ rằng cái tên Mị Ê vốn có gốc thuộc ngữ hệ Malayo. Và, với Kẻ Mía, ở một chừng mực nào đó, dòng văn hóa với Mã Lai Đa Đảo đã thâm nhập ngược vào các dòng sông lớn để hòa nhập với văn hóa bản địa, góp phần tạo nên một hệ văn hóa Việt – Mường ở vùng địa đầu của xứ Đoài.
Theo cố GS. Từ Chi, chính sản phẩm mía được trồng ở ven sông ít nhiều đã gắn với văn hóa Mã Lai.
Nàng Mị Ê (tức nàng Mía) ở vùng Đường Lâm đã gợi cho chúng ta nhớ lại một câu chuyện cổ của những cư dân ngoài biển, tóm tắt như sau: Có hai anh chài lưới, một hôm đi quăng chài mãi mà không bắt được con cá nào, cuối cùng chỉ vớt được duy nhất một đoạn gậy ngắn có đốt. Hai anh không biết làm cách nào, đem về vứt ở góc vườn trước cửa, từ đấy mọc lên một bụi cây rậm rạp, ở giữa bụi có một cây cao hơn, trên đỉnh nảy một cặp sừng, giữa hai sừng là một chiếc vảy. Từ khi có cây thiêng này, hai anh em ngày nào cũng đánh được rất nhiều cá, về nhà thấy được dọn dẹp gọn gàng, cơm nước đầy đủ. Một hôm, như lệ thường, hai anh em lại ra đi, nhưng người em bỏ về rình xem ai đã giúp đỡ mình. Anh ta thấy từ cái vảy ở giữa hai cặp sừng, một cô gái nhỏ chui ra, theo đốt cây đi xuống, tới đất đã lớn như người bình thường, vào nhà dọn dẹp. Người em chạy tới ôm lấy cô gái, từ đó họ trở thành vợ chồng và được coi như thủy tổ của loài người…
Qua đây, chúng ta có thể tạm hiểu, cây mía được coi như một trục vũ trụ – con đường nối giữa tầng trên với tầng dưới, và các đốt của nó như bậc thang đi về của thần linh… Suy cho cùng, cây mía đã trở thành một cây thiêng, mang tính cội nguồn, chở hạnh phúc đến cho muôn loài, muôn vật, đảm bảo cho các vụ mùa (cả ở trên cạn lẫn dưới nước) bội thu. Làng Mía như trở thành một mảnh thiên quốc, nữ thần của làng như hóa thân của bà mẹ thủy tổ xa xôi, rồi theo thời gian, ở một chừng mực nào đó, Bà như hội vào Bà Chúa Mía. Lòng sùng kính của con người nhớ về cội nguồn, với những huyền thoại, đã dệt nên một miền quê êm đềm, như những ngọn đèn thôi thúc người con quê hương tiến về phía trước.