CHÙA DIÊN HỰU
Đêm thu chùa thoảng tiếng chuông tàn,
Phong đỏ, trăng ngời, sóng nguyệt lan.
In ngược hình chim, gương nước lạnh,
Sẫm đôi bóng tháp, ngón tiên hàn.
Muôn duyên chẳng vướng: xa trần tục,
Một mảy nào lo: rộng nhãn quan.
Thấu hiểu thị phi đều thế cả,
Dầu ma dầu Phật, chốn nào hơn?
(Bản dịch của Huệ Chi)
Ngày 14-3-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã đưa Tổng thống Ấn Độ R. Praxát đến thăm chùa Một Cột, sự kiện đó càng khẳng định rõ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với chùa Một Cột nói riêng và Phật giáo nói chung, qua đó giới thiệu với đất nước Ấn Độ nói riêng, với thế giới nói chung về nền văn hóa Việt Nam, về lịch sử Việt Nam, về tinh thần Việt Nam, dân tộc anh hùng luôn tự đứng vững và vươn lên bằng trí tuệ của mình. Cũng thật trùng hợp, chùa Một Cột hiện nay nằm trong khu quần thể Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (thông thường du khách sẽ được đưa đến thăm Lăng Bác trước, rồi nhà sàn nơi Bác ở và làm việc, chùa Một Cột, cuối cùng là Bảo tàng Hồ Chí Minh)…
Chùa Một Cột ngày xưa được coi là chốn “linh thiêng”, được các vua chúa, quan lại, nhân dân thời Lý cũng như các triều đại phong kiến Việt Nam thường đến đây cầu nguyện cho quốc thái dân an, cho gia đình được hạnh phúc. Chùa Một Cột là một điểm “du lịch tâm linh” của Thủ đô Hà Nội nói riêng, của Việt Nam nói chung, không chỉ người Việt Nam mà cả du khách nước ngoài đều biết đến. Ngôi chùa là biểu hiện cho cội nguồn, sự trường tồn của Việt Nam nói chung và của Thủ đô Hà Nội nói riêng… Xét ở một khía cạnh nào đó, chùa Một Cột còn là chỗ dựa tinh thần cho nhân dân miền Nam trước ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975), khi được tái hiện tại Sài Gòn vào năm 1958 qua ngôi chùa với cái tên là “Nam Thiên Nhất Trụ” do Hòa thượng Thích Trí Dũng chủ trương xây dựng, nhằm giúp mọi người dân miền Nam được chiêm ngưỡng một danh lam của đất Bắc, hướng về cội nguồn, nêu cao tinh thần độc lập dân tộc, hun đúc hy vọng xây dựng một đất nước hòa bình, độc lập, ấm no, hạnh phúc.
Sự nổi tiếng của chùa Một Cột còn ở giá trị kiến trúc độc đáo có một không hai trên thế giới… Ở Ba Lan (trong vườn hoa của Viện Bảo tàng Á Châu và Thái Bình Dương tại thành phố Xôlét Vácxava) có dự định sẽ xây dựng mô hình chùa Một Cột bằng nửa ngôi chùa ở Hà Nội. Và tại Trung Quốc trong công trình xây dựng các cảnh quan nổi tiếng trên thế giới theo mô hình thu nhỏ như: Tháp Épphen (Pháp), tháp nghiêng Pisa (Italia), tượng Nữ thần Tự do (Mỹ), Kim Tự Tháp (Ai Cập), Vạn Lý Trường Thành (Trung Quốc), vườn treo Babilon,… có cả mô hình chùa Một Cột của Việt Nam.
Di tích chùa Một Cột là một kiến trúc – điêu khắc nghệ thuật độc đáo, vừa mang giá trị nhân văn, mang tính tôn giáo với ý nghĩa lịch sử, vừa là niềm tự hào, biểu tượng văn hóa – cội nguồn đã đi vào tâm thức của người Việt Nam gần chục thế kỷ nay… Do vậy, phải tuyên truyền, giáo dục cho quần chúng hiểu được giá trị mọi mặt của di tích lịch sử văn hóa này, để hình thành ý thức bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, để cho người trong nước và khách thập phương, không những đời nay mà cả đời sau, được chiêm ngưỡng và cảm thụ.