Hướng Dẫn Phong Thủy Cho Nhà Mặt Tiền Vừa Ở Vừa Kinh Doanh Hiệu Quả

Nhà mặt tiền kết hợp kinh doanh

Nhà ở tại đô thị hiện nay, đặc biệt là nhà có mặt tiền tiếp xúc với đường giao thông, thường được tận dụng để kinh doanh hoặc cho thuê để sinh lợi. Điều này làm trường khí dương trạch biến đổi; nếu không có những điều chỉnh phong thủy thích hợp thì môi trường nhà ở sẽ bị xáo trộn, ảnh hưởng không nhỏ đến người cư ngụ.

Khi làm nhà có kết hợp kinh doanh, gia chủ cần phân định rõ từ đầu giữa hai mục đích ở và kinh doanh, mục đích nào là chính để phân bố không gian thích hợp. Ngôi nhà có cho thuê hoặc trực tiếp kinh doanh thì phần kinh doanh luôn là phần hướng ngoại, còn phần ở là phần hướng nội. Phần nào là chính thì cũng phải đáp ứng tốt cho nhu cầu của phần kia để tránh làm mất cân bằng của trường khí. Ví dụ: phần trước cho thuê dù nhỏ vẫn nên sắp xếp có khu phụ (phòng vệ sinh, nhà kho), vì dùng chung sẽ bất tiện.

Việc phân khu nên đi từ bình đồ đến thiết đồ. Trên bình đồ (mặt bằng), cần xác định luồng giao thông: người ở phía trong có đi qua phần kinh doanh không hay làm lối đi riêng? Chỗ để xe của phần ở và phần cho thuê như thế nào? Trường hợp nhà hẹp (dưới 4m) thì luôn phải sắp xếp phần trước cơ động để dễ dàng cho người ở hoặc khách muốn đi ra phía sau. Nếu nhà rộng (5m trở lên), thì nên tổ chức lối đi riêng, nhằm tách bạch nội khí và ngoại khí trên thiết đồ. Khi đó, nên đưa cầu thang ra phía sau hoặc thậm chí làm thành hai cầu thang riêng biệt (nếu nhà dài) để chủ động trong sinh hoạt. Trường hợp nhà có cửa sau hoặc cửa hông thì nên làm lối đi cho gia chủ tách hẳn với phần trước. Cầu thang khi đó nằm hẳn phía sau nhà. Phần trước có thể cho thuê cả trệt và lửng. Gác lửng có thể làm chỗ ở và quan sát phần kinh doanh ở dưới.

Dù theo cách nào thì nguyên tắc bố trí “tọa hung hướng cát” của bếp và khu phụ vẫn cần được tuân thủ chặt chẽ.

Các không gian thương mại, giao tiếp nhiều luôn mang tính dương và động. Ngược lại, không gian để ở luôn mang tính âm và tĩnh hơn. Do vậy, nếu bố trí không hợp lý sẽ làm mất cân bằng âm dương. Các khu chứa đồ, kho luôn cần đèn sáng để tăng dương tính, dễ tìm kiếm, lựa chọn. Chỗ nghỉ ngơi, phòng làm việc (trong khu kinh doanh) thì lại cần âm và tĩnh hơn; nếu để chung sẽ bị nhiễu loạn, người làm việc sẽ căng thẳng và mệt mỏi. Do vậy, ngay trong khu kinh doanh cũng cần ngăn chia theo âm dương, có thể dùng vách nhôm kính nhẹ vừa tách biệt, vừa dễ quan sát.

Đối với nhà ống hẹp và dài, có thể mở thiên tỉnh ở giữa để đưa dương quang xuống các phần giữa nhà vốn bị âm khí tối tăm và cần thông thoáng cho vệ sinh, nhà kho, bếp… Dùng thiên tỉnh còn có tác dụng tách biệt ảnh hưởng của hai khu ở và kinh doanh ra. Khu buôn bán ồn ào không ảnh hưởng đến khu ở, ngược lại khu ở sẽ kín đáo hơn và ít bị tán khí. Tránh để kho hàng hóa của chỗ buôn bán lẫn lộn trong khu ở, vừa khó tìm kiếm, vừa dễ gây hỏa hoạn. Phần cho thuê hay tạo ra các xung sát do người ra vào, vận chuyển hàng hóa… do đó vật liệu dùng cho phần này nên thuộc hành Thổ (Thổ sinh Kim – tức lợi nhuận), như gạch, đá mang tính bền chắc, dễ chịu mài mòn va chạm; hoặc hành Kim như sắt, inox – chứ không nên dùng đồ gỗ hoặc vật liệu nhẹ, dễ cháy (vì Kim khắc Mộc, Mộc sinh Hỏa).

Có thể dùng gương, kính (hành Thủy) để phản chiếu các xung sát, thu hút các ngoại khí bên ngoài, gia tăng cảm giác mở rộng không gian – vừa lợi cho buôn bán, vừa tránh xung sát cho nhà ở.

Không nên quan niệm nhà ở có kết hợp buôn bán chỉ là tạm thời, hoặc chỉ có siêu thị hay trung tâm thương mại mới cần sắp xếp hợp lý. Điều tiên quyết khi bố trí nơi kinh doanh trong nhà là phải xác định tính chất kinh doanh, bao gồm loại hình hoạt động và khối lượng người.

Sắp xếp khu buôn bán phù hợp

Chúng tôi xin dẫn giải kỹ hơn về khu buôn bán trong các nhà mặt tiền kết hợp kinh doanh và hàng hóa cần giao dịch. Về loại hình, có nhiều hình thức buôn bán mang tính chất trường khí khác nhau. Tùy theo Ngũ hành sinh khắc mà tổ chức cho phù hợp.

Ví dụ:

  • Bán quần áo, văn phòng phẩm, photocopy… là trường khí mang tính Mộc. Mộc sinh Hỏa nên cần chú ý phòng cháy.
  • Bán đồ điện tử, máy móc… là trường khí mang tính Kim, cần sử dụng các mặt bằng vuông vức và nằm ngang (hành Thổ, vì Thổ sinh Kim), hạn chế đưa đồ lên cao (hành Mộc) và các hình zic zắc hoặc nhọn (hành Hỏa – khắc Kim), rất khó bố trí.

Về khối lượng người và hàng hóa: tùy theo nhu cầu và thực tế mà bài trí hợp phong thủy. Nơi nhiều người và lượng hàng trao đổi thường xuyên, hàng hóa cồng kềnh (vật liệu xây dựng, vải vóc, xe cộ) cần mở rộng cửa và sắp xếp linh động. Nơi có ít người làm việc, hàng hóa nhẹ (đồng hồ, kim hoàn) thì cần làm cố định các tủ kệ, trang trí thu hút nhưng bảo vệ kín đáo, tránh tán khí và đề cao tính an ninh.

Tính chất buôn bán mang lại đặc trưng không gian khác nhau.
Ví dụ: Kinh doanh vật liệu xây dựng (tính Thổ) thì nền nhà phải thật chắc và thô (hành Thổ) vì dễ có va chạm trầy xước. Không thể làm nhiều tủ kính hay gương (Thổ khắc Thủy) vì rất dễ vỡ và bám bụi.

Các chỗ buôn bán, giao tiếp nhiều luôn mang tính dương và động, hay có các ngoại khí tác động, nên cần bài trí sao cho vừa lợi cho buôn bán, vừa tránh xung sát cho nhà ở.

Không nên sắp xếp theo kiểu để trống và thẳng hàng từ ngoài vào trong, vì sẽ gây ra luồng khí thổi thẳng (trực xung). Nơi quản lý cần kiểm soát được người lạ khi bước vào cửa hàng, các sản phẩm đặc trưng cần được nổi bật từ đầu, tránh tình trạng dẫn khách hàng đi vào rất sâu để tìm hàng. Nếu trước nhà là đường lớn hay ngã ba đâm thẳng vào, cần đặt thêm chậu cây cảnh hoặc tủ trang trí, treo các vật linh động để ngăn xung sát, thậm chí có thể làm một hàng rào di động thoáng để gây ấn tượng cho lối vào mà vẫn ngăn cản các luồng di chuyển mạnh và trực tiếp.

Dù nhà có nhiều mặt tiền hoặc mặt tiền rộng cũng không nên làm nhiều cửa, vì “đa môn tắc đa khẩu” – nội bộ dễ gây xáo trộn. Mở nhiều cửa sẽ gây ra nhiều luồng đi lại, vừa giảm diện tích buôn bán, vừa gây tán khí, lại khó bảo vệ an ninh. Có thể mở các khung cửa sổ lớn để thu hút sự chú ý bên ngoài, còn cửa đi lại chỉ cần một cửa chính và một cửa phụ cho nhân viên.

Nếu nhà có tầng lửng thì nên mở cửa sổ lớn ở trên cao để thu hút dương quang vào sâu trong nội thất, tránh để cửa hàng tối tăm (âm tính). Tính chất bài trí phải luôn điều chỉnh cho phù hợp với tính chất kinh doanh buôn bán.