NGHI LỄ THỜ CÚNG TỔ TIÊN CỦA MỘT SỐ DÂN TỘC KHÁC
- Sán Dìu
Người Sán Dìu ở Việt Nam có số dân 146.821 người (theo Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009), cư trú chủ yếu ở các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang. Do có lịch sử truyền thống từ lâu đời, người Sán Dìu có một di sản văn hóa độc đáo mang đậm bản sắc tộc người, cho đến nay vẫn được duy trì và bảo tồn, trong đó có phong tục thờ cúng tổ tiên.
Trong tín ngưỡng cổ truyền, việc thờ cúng tổ tiên được người Sán Dìu coi trọng hơn cả. Trong các gia đình của người Sán Dìu, nhà nào cũng có ban thờ tổ tiên đặt ở nơi trang nghiêm nhất, đó là vị trí sát tường chính gian giữa – gian trung tâm của ngôi nhà. Trên ban thờ đặt một bát hương. Đồng bào thực hiện nghi lễ thờ cúng tổ tiên vào các ngày lễ tết, tuần tiết trong năm. Lễ vật dâng cúng có thể là chay hoặc mặn, nhưng có một điều khác biệt là người Sán Dìu không cúng bằng nước trắng mà cúng bằng nước chè. Tùy theo từng dòng họ, người Sán Dìu thờ tổ tiên từ 6 hoặc 7 đến 10 hoặc 12 đời. Đồng bào không có tục làm giỗ mà chỉ làm lễ mừng sinh nhật và mừng thọ cho cha mẹ, ông bà. Cùng với việc thờ cúng tổ tiên, người Sán Dìu còn thờ Mụ, thờ Táo quân, Thổ công.
Ngày nay, cuộc sống của đồng bào đã có nhiều thay đổi và cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng của phong tục, văn hóa người Kinh như trang phục, cưới xin… nhưng việc duy trì và lưu giữ các tín ngưỡng dân gian vẫn không bị mai một. - Dao Đỏ
Người Dao ở nước ta có các ngành, nhóm địa phương: Dao Đỏ, Dao Lô Gang, Dao Quần Chẹt, Dao Tiền, Dao Quần Trắng, Dao Thanh Y… Đồng bào cư trú chủ yếu ở các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hòa Bình.
Thờ cúng tổ tiên được người Dao Đỏ đặc biệt quan tâm, chú ý. Trong nhà bất cứ người Dao Đỏ nào dù nghèo khổ đến đâu cũng phải có bàn thờ tổ tiên. Đồng bào coi tổ tiên trong nhà như thần Bản mệnh. Vì vậy, trong gia đình có công việc gì như cưới xin, làm nhà, ốm đau… họ đều cúng khấn tổ tiên, báo cáo với tổ tiên, xin tổ tiên phù hộ. Ngoài những lúc có công việc ra, họ thường cúng tổ tiên vào dịp từ 25 tháng Chạp đến Rằm tháng Giêng với ý nghĩa mời tổ tiên về cùng con cháu ăn tết, và tỏ lòng tạ ơn tổ tiên một năm qua đã giúp đỡ con cháu làm ăn thuận lợi, chăn nuôi phát triển, cầu xin bước sang năm mới tổ tiên phù hộ cho mọi người trong gia tộc, dòng họ được khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia súc gia cầm phát triển không bị dịch bệnh… Lễ vật dâng cúng là thịt lợn, gà, bánh chưng đen, bánh dày, giấy vàng, tiền âm… Nhà nào không biết cúng phải mời thầy về cúng giúp tại bàn thờ tổ tiên ở gia đình.
Ngày nay, nghi lễ này của người Dao Đỏ vẫn được duy trì và là một nét đẹp thể hiện truyền thống và tấm lòng hiếu kính đối với tổ tiên. - Arem
Arem là một nhóm địa phương của tộc người Chứt. Địa bàn cư trú chủ yếu của đồng bào ở tỉnh Quảng Bình. Người Arem có tục thờ cúng tổ tiên và cúng ma rừng. Việc cúng tổ tiên (ma nhà) của người Arem rất đơn giản. Đơn giản cả về lý do, lễ cúng và lời cúng. Ví dụ, khi có người ở xa đến, có gạo để nấu cơm ăn và rượu ngon để uống, người Arem dùng ngay những thứ đó để cúng tổ tiên. Họ rót rượu ra bát, để giữa nhà, lấy một ít lửa cũng để vào bát và làm sao để cái bát lửa này vẫn cháy lên một ít khói là được. Lời cúng đại ý là nhân có người đến nhà, có gạo ngon nấu cơm, có rượu ngon để uống, xin mời tổ tiên ma nhà cùng ăn cùng uống cho vui và ăn uống xong mong tổ tiên phù hộ cho mọi người khỏe mạnh. Đây là nét đẹp văn hóa cần bảo tồn và phát huy. - Bru – Vân Kiều
Người Bru – Vân Kiều, hay còn gọi là Thượng, cư trú chủ yếu ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế. Ở người Bru – Vân Kiều, thờ cúng tổ tiên (thờ cúng ông bà, cha mẹ và những người đồng tộc chết ở tuổi 16 trở lên) là một hình thức thờ cúng phổ biến và có vị trí quan trọng nhất trong tín ngưỡng. Sau khi chết được vài ba năm, người ta làm cha^ (tơ ra pứt ta may) để đưa linh hồn người chết vào trong một nhà thờ nh(^ (^đôngsokku mui, còn gọi \ỉ^ ra bo ku mui). Đó là một nhà sàn nhỏ từ chân cột đến nóc cao khoảng 1,5m, sàn cách mặt đất từ 0,6 đến 0,8m. Nhà có hai mái, một ngắn một dài, xung quanh không có vách liếp. Người ta còn đặt vào đó hai đoạn gỗ con, đẽo thành từng khấc, giả làm cái thang để cho ma lên xuống. Trên sàn, mỗi người chế^ (dàng ku mui) được tượng trưng bằng một bộ đồ thờ gồm một mảnh bát, một mảnh nồi vỡ, một ống gạo, một ống nước và một gói cơm. Những người đã chết, được xếp theo thứ tự từ trên xuống dưới, từ phải sang trái. Đây có thể được coi như một tộc phả^ f)ông sok ku mui thường được đặt ở những nơi cao ráo, hẻo lánh, ít người và thú rừng qua lại. Những người thuộc bậc cha ông, sau khi chết vài chục năm, họ hàng, con cháu làm một lễ (ta tư pứp tía), chuyển từ dàng ku mí/ýlên dàngka ne. Thường là hai, ba đời người ta mới làm ta tư pứp tia một lần. Trong những ngày lễ đó có mở hội đâm trâu, uống rượu cần…
Ngoài đôngsokku mui, mỗi gia đình người Bru còn có một bàn thờ riêng (Vnông cheỉ), thờ cúng những người trong gia đình. - Chu Ru
Ở nước ta, người Chu Ru cư trú chủ yếu ở các tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận. Đồng bào Chu Ru còn bảo lưu nhiều phong tục tập quán như việc thờ cúng tổ tiên và tín ngưỡng đa thần. Lễ cúng tổ tiên (pơkhimôcay) của người Chu Ru không giống như của người Kinh. Việc hành lễ không có ngày tháng nào nhất định. Có thể hai, ba năm hoặc hai, ba mươi năm mới cúng một lần.
Tùy theo hoàn cảnh kinh tế của mỗi gia đình, mỗi dòng họ. Trong nhà người Chu Ru cũng không có bàn thờ hay bài vị. Họ chỉ lập bàn thờ và tiến hành nghi lễ vào một dịp nào đó ngoài nghĩa địa (kôtatâu). Khi có người chết, họ thường giết trâu, bò làm lễ cúng. Đến nay, phong tục đó còn tồn tại trong đời sống của người Chu Ru. - Cơ Lao
Người Cơ Lao sinh sống chủ yếu ở Hà Giang. Người Cơ Lao có các nhóm địa phương: Cơ Lao Trắng, Cơ Lao Xanh, Cơ Lao Đỏ. Để tưởng nhớ công lao của các đời xưa và luôn cầu mong được họ phù trợ cho sự may mắn trong cuộc sống, người Cơ Lao thờ cúng tổ tiên trong phạm vi ba hoặc bốn đời tùy theo từng dòng họ, từng địa phương. Nơi thờ cũng như cách cúng tổ tiên của người Cơ Lao có sự khác nhau ít nhiều giữa các nhóm địa phương do việc ảnh hưởng từ các dân tộc láng giềng. Điểm chung nhất giữa các nhóm là đều chọn một cây cột trong nhà để làm nơi thờ cúng, nơi mời gọi tổ tiên và các thần linh khác về chứng giám lòng thành kính của con cháu. Nhóm Cơ Lao Trắng gọi tổ tiên là Ubú pu trí. Nơi thờ tổ tiên của họ ở cột góc trong cùng phía bên trái ngôi nhà (nếu đứng ở trong nhà nhìn ra phía trước), cạnh cửa phụ phía đầu hồi nhà đối diện với nơi ngủ của gia chủ. Bàn thờ đơn giản, chỉ là một xâu xương hàm lợn gài trên vách, cạnh cột thờ (gần đây có thêm giá gỗ nhỏ). Gia đình thờ tổ tiên bao nhiêu đời thì có bấy nhiêu chiếc xương hàm lợn, cũng có khi do trường hợp đặc biệt nhà giết 2 lợn Tết thì cũng gài vào đó cả 2 xương hàm lợn. Theo phong tục, mỗi khi ăn Tết cúng tổ tiên lại bỏ đi một xương hàm cũ nhất và xâu xương mới của con lợn giết năm đó vào. Khi bố chết, sau khi chôn xong bỏ một xương hàm trên bàn thờ đi, nhưng đến Tết lại xâu thêm xương mới vào. Ở cạnh chân cột thờ, có một ống cắm hương. Mỗi khi cúng tổ tiên, phải dùng một cục than hồng đặt trước cột thờ rồi mới rưới ít nước lên, giết gà cúng phải vặt ít lông ở trên đầu gà, quệt vào tiết và dán lên cột – phía trên ống hương, lại lấy vài ba lông cánh gà cắm vào ống hương. Đồng bào cho rằng làm như vậy tổ tiên mới nhận lễ vật của con cháu mình.
Nơi thờ tổ tiên của người Cơ Lao Xanh ở cột giữa cạnh liếp chỗ tiếp khách. Dấu hiệu để nhận ra nơi thờ là ở chân cột có cắm vài ba que hương, phía gần đỉnh cột – khoảng từ sàn gác trở lên – có buộc một bắp ngô, một que gỗ và ít lông gà. Khi cúng bao giờ cũng phải lấy một cành lá rừng gọi ỉ^ loọc cừ để làm bi phai (vật kỵ ma – một cành có hai chạc, dài khoảng 0,5m, đầu mỗi chạc được chẻ ra và gài hai que bắt chéo nhau) gài vào cột. Sau khi cúng xong bi phai được giắt lên mái nhà. Bi phai được quan niệm là vật để bảo vệ tổ tiên và hồn lúa.
Nhóm Cơ Lao Đỏ gọi tổ tiên là uLao sư củng. Bàn thờ tổ tiên của người Cơ Lao Đỏ là một giá gỗ treo trên tường ở gian giữa. Trên giá đặt ba ống hương. Ống giữa thờ tổ tiên, hai ống còn lại thờ thần Trồng trọt (Táy chuống chá) và thần Chăn nuôi (Dò xưân khâư). Dưới gầm bàn thờ có ống hương cắm dưới đất để thờ thần Đất (Thổ Địa). Mỗi khi cúng tổ tiên, lễ vật phải có cơm, thịt và rượu.
Thần Đất tùy từng nơi gọi là Thu Lỉ và Mí Xẫy. Đây là một vị thần quan trọng, không những mỗi gia đình mà toàn bản cũng phải cúng vị thần này. Ở nương của mỗi gia đình còn phải cúng o Mơ. Người ta tìm một hòn đá có hình thù kỳ dị đặt vào hốc đá ở nơi cao nhất trong nương, coi đó là nơi ở của vị thần nương o vMơ.
Tết Nguyên đán là tết to nhất. Khác với vùng Hoàng Su Phì, người Cơ Lao ở Đồng Văn không có tục gói bánh chưng ngày Tết (vì vùng đó họ không trồng được lúa). Đồng bào còn ăn các Tết Thanh minh (mồng 3 tháng Ba tảo mộ), Tết Đoan ngọ (mồng 5 tháng Năm, cúng Eo Mèo), Tết rằm tháng Bảy cúng tổ sư nghề mộc và Tết mồng 9 tháng Chín… - Cống
Người Cống ở nước ta cư trú chủ yếu ở tỉnh Lai Châu. Người Cống quan niệm, mọi người đều có linh hồn (lính hồ) khi qua đời, linh hồn ấy biến thành “ma”. Và ma tổ tiên luôn được người Cống coi trọng. Theo phong tục, người Cống thường cúng tổ tiên hai, ba đời. Trong gia đình người Cống, người gia trưởng (bố hoặc chồng) bao giờ cũng làm chủ lễ. Nếu người gia trưởng qua đời, công việc chủ lễ sẽ do người vợ đảm nhiệm (vì lúc về nhà chồng, nàng dâu đã thay đổi họ theo nhà chồng), con trai cả dù đã lớn nhưng cũng không được giữ việc cúng lễ. Nhiều khi mẹ không biết cúng nhưng vẫn là người đại diện cúng chung với các con. Chỉ khi cả cha lẫn mẹ qua đời thì người trưởng nam mới được đứng ra lo việc chủ lễ. Nếu anh em chia nhà ra ở riêng thì mỗi người sẽ lập bàn thờ riêng và tự cúng. Người Cống không cúng tổ tiên vào các ngày giỗ, mà thường chỉ cúng vào ngày tết đầu năm, ngày tết cơm mới hay trong nhà có việc hiếu hỷ như cưới hỏi, khi sinh con hay khi bố mẹ chết hoặc trong nhà có trẻ con ốm đau… Trong ngôi nhà của người Cống, vị trí nơi thờ có khác nhau tùy theo từng dòng họ. Các họ Lò, Chang, Chảo, bàn thờ tổ tiên thường để trong buồng của bố mẹ, ở phên vách phía trước, giữa hai hàng cột trong buồng. Bàn thờ của họ Ly lại để gần cột cạnh bếp, phía ngoài phên vách ngăn buồng bố mẹ. Bàn thờ của người Cống rất đơn giản, chỉ là một miếng phên nhỏ rộng 0,4m, chiều cao như vách ngăn được buộc áp vào vách cùng với một cọc gỗ dài (nếu vách đan phên kép thì không cần miếng phên nhỏ mà chỉ cần một cọc gỗ như trên là đủ).
Lễ vật cúng tổ tiên của người Cống cũng rất đơn giản, chỉ có bát gạo, ống nước và một con gà nhỏ (sản phẩm từ chăn nuôi và trồng trọt). Người cúng ôm gà, ngồi trước bàn thờ và khấn tổ tiên. Cúng xong giết gà, lấy tiết bôi vào lá dong và gài gói lá đó cùng vài chiếc lông gà vào vách thờ. Riêng họ Ly khi cúng tổ tiên không cắt tiết gà mà lấy một thanh gỗ đập vào đầu gà cho chết rồi lấy hai lông cánh gà gói vào lá dong và gài lên nơi thờ như các họ khác. Sau khi gà được luộc chín thì cúng lần thứ hai và lại gói ít thịt vào lá dong rồi gài lên vách thờ.
Ngoài cúng tổ tiên, các gia đình còn có tục cúng ma bố mẹ vợ (mì no tư nghé) nhưng mỗi năm chỉ cúng một lần vào dịp Tết, và cúng sau khi cúng tổ tiên. Đôi khi người ta cũng cúng ma này lúc ốm vì họ cho rằng ốm là do ma bố mẹ vợ đòi. - Khơ Mú
Người Khơ Mú ở nước ta sinh sống chủ yếu ở các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái. Khác với nhiều dân tộc anh em, khái niệm về tổ tiên của người Khơ Mú rất đơn giản. Tổ tiên được hiểu như là “ma nhà” của họ. Người Khơ Mú cho rằng con cháu sống yên ổn, mùa màng bội thu là nhờ tổ tiên phù hộ. Nơi thờ tổ tiên của người Khơ Mú được dựng cạnh bếp lửa. Bàn thờ là một cái mâm đan bằng phên nứa treo sát vách. Người Khơ Mú không thờ ma tổ tiên từ thế hệ ông bà, cụ kỵ. Tổ tiên (ta dạ) được hiểu là người đầu tiên sinh ra người cùng một dòng máu với chủ gia đình mình, thường trú ngụ ở một trong ba ông đầu rau ở bếp lửa. Mỗi dòng họ có một nghi thức riêng thờ ta dạ và thường giấu không cho người ngoài biết. - La Chí
Người La Chí ở nước ta có số dân 13.158 người (theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009), đồng bào cư trú chủ yếu ở tỉnh Hà Giang. Theo phong tục, người La Chí thờ cúng tổ tiên ba đời. Họ không có ngày giỗ như người Việt mà chỉ cúng tổ tiên nói chung vào các dịp tết, ngày lễ. Nét đặc biệt trong mỗi gia đình là có nhiều bàn thờ trong nhà xếp dọc phần vách phía trước theo thứ tự: bàn thờ của bố, của các con út, của các con thứ, trong cùng là bàn thờ của con cả. Trong dãy bàn thờ đó, bàn thờ của con thấp hơn bàn thờ của bố một chút. Mỗi bàn thờ tổ tiên hoàn chỉnh cần phải qua ba lần hay ba cấp cúng.
Sau khi bố đã làm đủ ba cấp thì con trai cả mới bắt đầu được dựng bàn thờ. Anh cả làm xong cả ba cấp, các em mới lần lượt được dựng bàn thờ của mình. Em út làm sau cùng. Cũng cần lưu ý rằng chỉ những đàn ông đã có vợ mới được dựng bàn thờ như vậy. Người góa vợ không có quyền lập bàn thờ.
Đồng bào tin rằng chỉ những người đã cúng đủ ba cấp thì sau khi chết, vợ chồng mới tiếp tục sống với nhau ở “bên kia thế giới” và họ mới được coi là “người già”, được kính trọng trong làng xóm. Có thể đây là tàn dư của lễ thành đinh xưa kia giống như tục cấp sắc của người Dao. - Si La
Ở Việt Nam, dân tộc Si La là một trong những dân tộc có số dân ít. Đồng bào cư trú chủ yếu ở tỉnh Lai Châu và Điện Biên. Khái niệm thờ cúng tổ tiên được người Si La xác định cụ thể là thờ cúng ông bà và cha mẹ đã chết để cầu mong sự che chở. Tổ tiên của họ ở đây chỉ gồm hai lớp. Lớp bố mẹ là đối tượng thờ cúng trong nhà con cái và lớp những người ở thế hệ trên là đối tượng thờ cúng của trưởng họ. Trong mỗi gia đình người Si La đều có bàn thờ bố mẹ (xỉ chi) được làm bằng tấm phên tre hình chữ nhật treo trên vách phía đầu buồng ngủ của chủ nhà, trên đặt hai chiếc chén và một quả bầu khô.
Hằng năm, lễ cúng tổ tiên được tổ chức vào hai dịp là tết cơm mới tháng Tám và tết tháng Mười âm lịch, tương ứng với Tết Nguyên đán (ồ xịgià). Vào dịp này, người Si La tổ chức cúng cho cả họ tại nhà trưởng tộc. Theo tục lệ của người Si La, lễ vật cúng tổ tiên phải có thịt sóc, cua, cá bống và một ống rượu cần tượng trưng, cùng vài bông lúa, khoai sọ, bó lá, hạt cườm và sáp ong làm nến đốt. Riêng trong ngày tết cơm mới, trên mâm cỗ cúng có thêm bánh tày. Lễ vật chuẩn bị xong được dọn thành hai mâm, một mâm dâng cúng ma bố mẹ, một mâm dâng cúng các thế hệ bề trên nữa. Người trưởng họ có nhiệm vụ chủ trì lễ cúng. Nội dung bài khấn là việc dâng lễ vật lên tổ tiên cầu xin tổ tiên phù hộ cho con cháu luôn khỏe mạnh, dòng họ sinh sôi, mùa màng bội thu, gia súc đầy đàn. Sau bữa cơm, trưởng họ có nhiệm vụ giải quyết các công việc liên quan đến dòng họ như hòa giải xích mích (nếu có), và bàn bạc những công việc khác liên quan đến mùa vụ, sản xuất…
Tóm lại, phong tục thờ cúng tổ tiên có vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống tinh thần của các dân tộc Việt Nam, là một trong các thành tố tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam, góp phần xây dựng nên những giá trị đạo đức truyền thống như lòng hiếu thảo, tình nhân ái, tinh thần đoàn kết cộng đồng… Vì vậy, phong tục tốt đẹp này luôn cần phải được bảo tồn và phát huy.