Chùa Một Cột: Biểu Tượng Văn Hóa và Lịch Sử Của Thủ Đô Hà Nội

CHÙA MỘT CỘT

Người dân Việt Nam ở trong nước hay những người xa quê hương, những du khách nước ngoài, dù đã đi nhiều nơi, được thưởng ngoạn nhiều danh thắng nổi tiếng trên thế giới, dù người đó là người không mộ đạo Phật, nhưng khi đến Việt Nam, đến Thủ đô Hà Nội đều có một ước vọng là được viếng thăm Lăng Bác Hồ, thăm chùa Một Cột — một di tích danh thắng của người Việt, của một dân tộc anh hùng. Chùa Một Cột đã trở thành một biểu tượng của dân tộc, được cả thế giới biết đến. Nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về ngôi chùa cổ kính này, cho dù người đó đã đến đây nhiều lần, cho dù chùa Một Cột đã được nhiều nhà nghiên cứu, nhiều sách vở, báo chí hay qua những hướng dẫn viên du lịch giới thiệu. Có chăng họ chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc chùa độc đáo có một không hai trên thế giới này.

Theo sử sách chép lại thì chùa Một Cột được xây dựng vào tháng Mười năm Kỷ Sửu (1049), dưới triều vua Lý Thái Tông (ở ngôi: 1028 – 1054), là một trong những vị vua anh minh, nhân hậu của triều đại nhà Lý — một triều đại mà Phật giáo phát triển rực rỡ, lấy giáo lý, tư tưởng đạo đức Phật giáo để cai trị đất nước, với nhiều danh tăng có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và kiến thiết đất nước như Thiền sư Vạn Hạnh là người khuyên Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ, 974 – 1028) dời đô ra Thăng Long để tính kế lâu dài cho đời sau. Và nhờ có Phật giáo, triều Lý đã thực thi hàng loạt chính sách tiến bộ như khoan sức dân, coi trọng sự học… đem lại sự thịnh trị cho vương triều suốt 217 năm. Tương truyền: Năm 1049, Lý Thái Tông nằm mộng thấy Quan Âm ngồi trên đài sen, vua cũng được dắt lên đó. Khi tỉnh giấc, vua đem việc ấy hỏi các quan. Có người sợ là điềm không lành. Sư Thiền Tuệ khuyên vua làm chùa, dựng cột đá giữa hồ, làm tòa sen của Phật đặt trên cột như đã thấy trong mộng; cho các sư chạy đàn, tụng kinh cầu cho vua sống lâu, vì thế gọi là chùa Diên Hựu (kéo dài cõi phúc).

Chùa Một Cột thời Lý nay không còn, nhưng qua sử sách ghi chép lại, chúng ta có thể hình dung một phần nào đó ngôi chùa thời Lý với không gian rộng, to lớn hơn nhiều so với hiện nay; kể cả những bộ phận hợp thành và hình dạng cũng phong phú hơn: Chùa là một tổng thể kiến trúc gồm ngôi chùa và tòa đài xây ở giữa hồ hình vuông. Chùa tên là Diên Hựu và tòa đài có tên là Liên Hoa. Đài này lâu nay gọi là chùa Một Cột. Liên Hoa đài được làm giữa hồ hình vuông Linh Chiểu có lan can (hồ này trong lần trùng tu năm 1105 mới được đào). Có ao Bích Trì vây tròn và bốn cây cầu vồng bắc qua, hai bên tả hữu có hai ngọn tháp được gọi là tháp lưu ly. Ngoài ra, còn có chuông Quy Điền, được coi là một trong “An Nam tứ đại khí” nằm giữa vườn Tây Cấm hoa lệ.

Trên tấm bia tháp Diên Linh ở chùa Đọi (Duy Tiên, Hà Nam) soạn năm 1121 đã mô tả chùa Một Cột, qua đó có thể hình dung được tổng thể ngôi chùa, trước hết là môi trường, ngoại cảnh gắn với việc chọn đất theo thuyết phong thủy và quy mô Liên Hoa đài (chùa Một Cột) thời Lý to hơn ngày nay nhiều: “Đào hồ Linh Chiểu, giữa hồ vọt lên một cột đá, đỉnh cột đá nở đóa hoa sen nghìn cánh, trên dựng tòa điện màu xanh. Trong điện đặt pho tượng Quan Âm. Vòng quanh hồ là dãy hành lang. Lại đào ao Bích Trì, mỗi bên đều bắc cầu vồng để đi qua. Phía sân trước cầu, hai bên tả hữu xây tháp lưu ly”.

Tuy vậy, cũng có nhiều ý kiến khác nhau về lịch sử chùa Một Cột, như tại tấm bia ở chùa do Hòa thượng Lê Tất Đạt ghi năm Cảnh Trị thứ 3 (1665) lại khắc là: “Năm đầu niên hiệu Hàm Thông đời Đường, Cao Biền đến nước ta, dựng một cột đá ở giữa hồ. Trên cột xây một tòa lầu ngọc, trong đó đặt tượng Phật Quan Âm để thờ cúng.”

Khi đất chung đúc anh linh, cầu gì được nấy. Đến khi triều Lý xây dựng kinh thành ở đây, cũng noi theo dấu cũ, ngày càng sùng kính nên càng linh thiêng.
Khi Lý Thánh Tông chưa có hoàng tử, thường đến đó cầu nguyện. Một đêm, vua nằm mộng thấy Phật Quan Âm mời lên trên lầu, ôm một đứa trẻ đặt vào lòng vua. Tháng đó, hoàng hậu có mang hoàng tử. Vua bèn sửa thêm ngôi chùa Diên Hựu ở bên phải chùa Một Cột để mở rộng việc thờ cúng, làm sáng rõ sự tôn sùng.
Các điều ghi trong tấm bia này có chỗ khác với thuyết ghi trong chính sử, như việc Cao Biền cho xây chùa Một Cột, trong khi đó chính sử chép rằng việc vua Lý Thái Tông nằm mộng thấy Phật Quan Âm mới dẫn đến việc xây dựng chùa.
Ngày nay, chùa Một Cột nằm giữa quần thể Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thuộc phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, qua năm tháng, chùa không còn giữ được vẻ nguyên vẹn như xưa. Ngôi chùa cũ không còn vì chùa đã được trùng tu nhiều lần và mỗi lần đều có thay đổi chút ít; ao Bích Trì, cầu vồng và hai bảo tháp (tháp lưu ly) cũng không còn; các con chim gắn ở trên mái cũng đã được thay thế bằng những con rồng; vườn hoa Tây Cấm hoa lệ không còn hoa viên thoáng đãng, rộng lớn như xưa, mà chỉ còn không gian bé nhỏ nằm giữa hai kiến trúc hiện đại và cổ đại.
Tuy vậy, về hình dáng, chùa Một Cột ngày nay vẫn giữ được những nét xưa: chùa hình vuông, mỗi chiều dài hơn 3m, mái cong dựng trên một cột đá hình trụ cao 4m (chưa kể phần chìm trong nước), đường kính rộng 1,2m. Cột đá gồm hai phiến trụ được gắn rất khéo nên thoạt nhìn cứ tưởng là một khối liền. Tầng trên đầu của trụ đá là hệ thống những thanh gỗ tạo thành bộ khung sườn kiên cố đỡ lấy một bộ khung gỗ của ngôi chùa làm như một đóa hoa sen vươn thẳng trên khu hồ nhỏ hình vuông có xây lan can bằng gạch bao quanh, trong hồ trồng sen. Trên nóc có lưỡng long chầu nguyệt càng tôn vẻ linh nghiêm của ngôi chùa; các đầu đao ở các góc mái, bên cạnh các đầu đao là các con rồng. Từ bờ ngoài có cầu thang bằng gạch dẫn lên Phật đài. Trên cửa Phật đài có tấm biển đề chữ “Liên Hoa đài” (đài hoa sen), ngụ ý nhắc lại sự tích xây dựng chùa thuở trước. Trong Phật đài vẫn thờ Phật Bà Quan Âm. Trước chùa là một sân nhỏ, qua sân nhỏ là chùa Diên Hựu gồm chùa chính, nhà tổ, nhà tăng. Cạnh chùa Diên Hựu là Bảo tàng Hồ Chí Minh. Phía sau chùa là ao cá Bác Hồ và nhà sàn nơi Bác ở. Chếch về phía đường Hùng Vương là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh… Bên tay trái chùa (nhìn đối diện mặt chùa) là khu vườn tháp.
Chùa Một Cột gắn với lịch sử oai hùng của dân tộc. Trải qua nhiều biến cố lịch sử của dân tộc, chùa vẫn trường tồn, được nhân dân và các triều đại trân trọng, gìn giữ, coi là biểu tượng về sự trường tồn của đất nước Việt Nam. Ngày 11-9-1954, trước khi rút chạy khỏi nước ta, thực dân Pháp đã cho nổ mìn phá hủy chùa Một Cột nhằm xóa đi một di sản văn hóa, lịch sử, kiến trúc, tôn giáo; xóa đi cội nguồn, biểu tượng và niềm tự hào của người dân Việt, nhưng ngay sau khi tiếp quản Thủ đô Hà Nội, Chính phủ non trẻ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, đã cho xây dựng lại chùa Một Cột như cũ và tháng 4-1955 thì công việc hoàn tất (như ta thấy hiện nay). Điều đó cho thấy sự quan tâm của Đảng, Bác Hồ đối với đời sống tôn giáo của đồng bào Phật giáo, đối với tăng ni, phật tử Việt Nam. Qua đó, cũng khẳng định cội nguồn của dân tộc, của tinh thần bất khuất không bao giờ bị xóa nhòa, nó mãi mãi trường tồn cùng với dân tộc Việt Nam, một dân tộc anh hùng.

Chiêm ngưỡng ngôi chùa Một Cột từ vị trí, môi trường, cảnh quan đến kiến trúc, ta cảm nhận được vẻ đẹp của sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa đường cong, đường thẳng, hình tròn, hình vuông… tất cả theo một quy luật vừa hài hòa, vừa thống nhất, vừa có sự biến hóa, tất cả tạo cho cảnh chùa vẻ thanh tao, man mác u huyền. Ở đó, con người như được tẩy trần để gần gũi với giáo pháp. Bởi vậy, từ xưa cho đến nay, đã có rất nhiều danh nhân đến đây thưởng ngoạn và chiêm ngưỡng giá trị của chùa. Thiền sư Huyền Quang — Đệ Tam Tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, một vị Thiền sư nổi tiếng thời Trần — sau một lần đến thăm chùa Một Cột cũng phải thốt lên bằng một bài thơ với tựa đề Diên Hựu tự: