MỘT SỐ VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỒ THỜ
Phần này tập trung vào những sự kiện thuộc lịch sử và xã hội có khả năng chi phối tới văn hóa, đặc biệt là về đồ thờ. Trong đó, đồ thờ của người Việt thường lệ thuộc vào các di tích liên quan, mà các di tích này lại bị chi phối chặt chẽ bởi thành phần cơ bản của dân tộc, đến các thần linh dân dã và các tôn giáo.
SƠ LƯỢC VỀ CÁC THÀNH PHẦN CHÍNH CỦA DÂN TỘC CHI PHỐI TỚI BỘ MẶT CỦA DI TÍCH
- Gốc rễ người Việt Nam được coi như lấy Bắc Bộ làm trung tâm. Nhiều nhà khoa học trong nước và thế giới đã sớm nhận thấy hệ tộc Việt – Mường không nằm trong những chuẩn hệ tộc cơ bản, nhưng hệ tộc này được coi là tộc người chủ thể. Họ được thành lập từ bao giờ chưa có cứ liệu để xác định rõ rệt. Có ý kiến cho rằng vào khoảng giữa thiên niên kỷ thứ nhất, do môi trường sống khác nhau mà dần dần tách riêng thành Việt và Mường. Cũng có ý kiến cho rằng sự tách biệt này chỉ xảy ra vào cuối thời Bắc thuộc, và tới khoảng thế kỷ XVI, XVII mới tách hẳn. Đến nay lại đang có xu hướng hòa nhập lại.
- Dựa vào những kết quả nghiên cứu, nhiều người cho rằng hệ Việt – Mường là sự tập hợp của nhiều hệ cơ bản. Hệ bản địa gốc của tộc người này trước hết là hệ Môn – Kh’mer, với nhiều dấu vết còn đọng lại trong ngôn ngữ cơ bản và một số tập tục. Hệ thứ hai có thể thấy được di cư từ phía Tây Bắc xuống, họ men theo sông Hồng, sông Đà mà tràn vào Bắc Bộ, đó là những cư dân ở Vân Nam và xung quanh đó, thuộc hệ Tạng – Miến.
- Vào khoảng hơn 2.000 đến 3.000 năm về trước, ở phía tây đất Hoa Nam có hệ tộc Tày – Thái (một hệ Việt cổ) và ở phía đông có hệ Đản. Nằm giữa hai hệ này là tộc Miêu ở vùng núi cao. Sự dồn ép do bùng nổ dân số khiến một bộ phận Tày – Thái phải vượt đến miền Tây Bắc Việt Nam hiện nay, họ cũng tràn qua Lào, Thái Lan. Người Tày – Thái để lại cho chúng ta nhiều sản phẩm văn hóa từ thời cổ đại, trong đó có nhiều dấu tích tại thành cổ Loa là một ví dụ. Trên bước đường thiên di ấy, một bộ phận dừng lại tại Việt Nam, nổi bật là người Tày, Thái trắng, Thái đen…
- Một bộ phận người Đản (một hệ Việt cổ khác) ra ngoài biển, họ tràn vào các hải đảo và bờ biển phía Nam, ngược dòng sông Hồng thâm nhập vào phía Bắc tộc Việt. Họ đã tạo lập nên tộc Chăm, Êđê, Gia-rai… Họ cũng là thành phần chính của quốc gia Indonesia và Malaysia. Những người này được xếp vào hệ Mã Lai đa đảo. Chính thành phần này là một bộ phận cơ bản của người Việt đương thời (nhiều người hạ bạn thuộc hệ này, trong đó có dẫn chứng: gia phả nhà Mạc đã ghi rõ thuộc tộc Đản).
- Như vậy, thành phần của hệ Việt – Mường là sự dung hội cơ bản của bốn tộc kể trên, đương nhiên không thể thiếu sự tham gia của nhiều tộc khác. Chính vì thế mà văn hóa Việt về cơ bản là sự hội tụ của nhiều dòng chảy văn hóa từ các miền xung quanh, để tạo nên một kết cấu mà nhiều người ngỡ như đọc được ở đó những nét phi Hoa, phi Ấn. Người ta cũng tạm tin rằng sự trộn pha của các hệ trên chủ yếu ở vùng ngã ba Hạc hoặc trên một chút. Sau đó, cùng với sự phát triển của nông nghiệp, một bộ phận lớn theo đường sông Hồng chuyển về xuôi. Họ được thiên nhiên ưu đãi, khiến nền kinh tế có điều kiện phát triển mạnh, góp phần tích cực cho việc định hình nền văn minh sông Hồng. Họ là thành phần cơ bản của người Kinh. Một bộ phận khác vượt qua sông Đà, khai phá vùng Tản Viên – Sơn Tây, rồi theo triền núi vượt qua Hòa Bình, vào Thanh Hóa, Nghệ An – đó là con đường đi chính thuộc địa bàn của tộc Mường.
- Một đặc điểm khác liên quan đến thần linh, di tích và bàn thờ của người Việt bắt nguồn từ tổ chức xã hội ở châu thổ Bắc Bộ. Trong đó nổi lên một số nét cơ bản như sau:
- Sự phân hóa xã hội của người Việt rất thấp. Nếu như ở Trung Hoa vào thời Thương và Chu (cách đây hơn 2.000 năm), sự phân hóa xã hội đã trở nên sâu sắc, ruộng công không còn, làng xóm hầu như không còn những thần linh chung của cộng đồng, thì ở Việt Nam – tuy sự phân hóa đã trở nên mạnh mẽ từ thế kỷ XVIII – nhưng tới tận thế kỷ XX, hầu như làng xã nào cũng còn một phần ruộng công, nhất là ở Bắc Trung Bộ. Trong lịch sử, chính hình thức ruộng công chia cho các suất đinh đã đảm bảo cho tính dân chủ làng xã và trách nhiệm của người dân với cộng đồng, trong đó có trách nhiệm đối với thần linh và các di tích, bao gồm cả những lĩnh vực sinh hoạt văn hóa chung.
- Sống trong châu thổ Bắc Bộ, với nền kinh tế nông nghiệp phát triển yếu, năng suất thấp, cộng với nạn bùng nổ dân số tạo nên sự bức bối trong nội bộ nông thôn, người Việt đã nảy sinh tâm lý thực dụng, ảnh hưởng đến các mối ứng xử. Họ không theo bất kể một tôn giáo nào ở lĩnh vực trừu tượng của các hệ triết học. Cầu thần trước hết phải có lợi ích thấy được cho bản thân, thực tế đó đã dẫn tới việc họ không có xu hướng đẩy thần linh lên quá cao, mà thần linh được coi như một thứ “công cụ” tinh thần, tham gia vào ước vọng của con người.
- Người Việt ở châu thổ Bắc Bộ không định tâm lâu dài vào bất kể một thần linh cụ thể nào, khiến cho khi vào một làng Việt, người ta thấy rất nhiều loại hình di tích khác nhau, mà hầu như thần linh nào cũng được người nông dân Việt tôn thờ. Song, như để cân bằng cho tâm hồn, họ đã luôn hướng đến điều thiện và hành thiện. Họ đặt lên bàn thờ thần linh những lễ vật và đồ thờ với một tâm tư thành kính.