Đền ở ven đê sông Hồng, gần cửa sông Nhuệ, thuộc xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội.
Đền thờ Đức thánh Chèm, tức Lý Thân, còn gọi là Lý Óng Trọng. Lý Thân là người thuộc thời Thục An Dương Vương (257 – 207 trước Công nguyên), thân thể to lớn, cao 2 trượng 3 thước, sức khỏe hơn người. Lúc trẻ, ông làm một chức quan nhỏ ở huyện Ấp, đã bị vua quở phạt. Vì sao ông bị quở phạt, các sách ghi khác nhau. Có sách ghi ông thấy một tên lính đánh đập dã man dân phu, nên ông đã tức giận giết chết tên lính đó. Có sách ghi trong trận thi đấu võ, ông đã lỡ tay giết chết một lực sĩ của nhà vua. Có sách ghi lại rằng ông phá kho thóc chia cho dân nghèo đang bị đói… Vua thương ông là người khỏe và tài giỏi nên không bắt giết. Vì sao ông sang nước Tần (Trung Quốc), có sách ghi ông bỏ trốn sang nhà Tần và được cử làm quan võ, có sách ghi ông được vua Thục cử sang sứ.
Khi ấy, biên giới phía Bắc nhà Tần hay bị quân Hung Nô quấy nhiễu. Tần Thủy Hoàng đã xây Vạn Lý Trường Thành để ngăn chặn, mà vẫn không trừ được tai họa. Vua Tần sai ông Trọng đem quân trấn giữ ở đất Lâm Thao (nay thuộc tỉnh Cam Túc). Ông đánh trận nào thắng trận đó, làm cho quân Hung Nô khiếp sợ, không dám quấy nhiễu nữa. Vua Tần phong thưởng cho ông rất hậu, ban tước cao, gả công chúa, định lưu giữ ông lại. Ông xin về nước và mất ở quê nhà. Có sách nói ông mất ở Trung Quốc. Sau khi ông mất, vua Tần sai đúc đồng làm tượng hình ông, dựng ở cửa Kim Mã kinh thành Hàm Dương (nay thuộc Thiểm Tây, Trung Quốc). Chuyện kể tượng to lớn chứa được hàng chục người. Khi có sứ giả Hung Nô đến, vua Tần lại sai người vào trong tượng, làm cử động mặt mũi chân tay. Quân Hung Nô yên chí Lý Thân vẫn còn sống, không dám đem quân sang quấy nhiễu nữa. Từ đó, Trung Quốc có lệ gọi những pho tượng lớn là Ông Trọng.
Đến đời Đường, Triệu Xương làm đô hộ Giao Châu, thường mộng thấy cùng Lý Thân bàn sách Xuân Thu, bèn hỏi chỗ ở cũ của ông, lập đền thờ ông. Sau này, Cao Biền đánh quân Nam Chiếu, được ông hiển linh trợ giúp nên đã cho trùng tu lại đền thờ ông. Tương truyền đền Chèm được xây từ thời Bắc thuộc lần thứ 3 (603 – 639). Trong đền có tượng hai vợ chồng Lý Thân bằng gỗ sơn son thếp vàng, tạc năm 1888. Đền không to nhưng là một kiến trúc có nhiều chạm trổ trên gỗ nên rất đẹp. Diện mạo hiện có của đền là từ lần sửa chữa đầu thế kỷ 20.
Đền đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử kiến trúc, nghệ thuật ngày 9.1.1990.