Đây là bản thần tích thần Linh Lang ở xã Dịch Vọng Trung, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, nay là phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội, trích trong “Thần tích tỉnh Hà Đông”. Thần được thờ ở nhiều nơi như Voi Phục, Kim Mã, Láng Hạ… Bản dịch là của Nguyễn Duy Hĩnh, trích trong “Tín ngưỡng Thành Hoàng Việt Nam”.
Hà Đông, tỉnh Hoài Đức, phủ Từ Liêm, huyện Dịch Vọng, tổng Dịch Vọng Trung, Vọng thần tích.
Lý triều Lý bộ thượng thư Quản giám tri điện bách thần phụng sao cô lục cô truyện.
Hoàng đế bệ hạ Khâm phụng.
Sắc chỉ thần hiệu sắc phong.
Đô Cảnh Thành Hoàng quốc vương thiên tử linh thần đại vương sắc phong.
Thành Hoàng quốc vương thiên tử tôn nghiêm chỉnh thuận thánh hóa đạt văn chiêu nhân dung mục phù tộ an dân nguy đức tuấn kiệt phố huệ thủy hữu hùng tài vĩ lược vĩ tích phong công.
Tự vương tiến phong đại vị lễ hữu đàng trật tuyên tặng Linh Lang đại vương tôn thần thượng đẳng. Nhung chuân hứa Sơn Tây trấn Quốc Oai quận, Từ Liêm huyện, Dịch Vọng tổng, Dịch Vọng trang. Hậu sách phụ lão phụng lĩnh thần sắc đệ hồi phụng sự tương hựu bảo ngã lê dân Khảm tai. (Đoạn này chỉ phiên âm, không dịch).
Tích xưa Lý Thái Tổ mở nghiệp đất cổ Pháp danh hương, tứ vị đế vương ngự trị, thiên hạ thái bình. Một hôm, vua tuần du vườn hoa kinh thành. Do trời kết hợp nên giữa đường gặp trang Bồng Lai. Có Nguyễn Thái Công và Dương Thị Triệu chăm lo việc thiện, hoằng tâm tác phúc, ngày đêm đốt hương phụng thờ Thượng Đế. Tự nhiên mộng thấy hào quang đỏ rực đầy nhà, bỗng có con rắn hoa bò đến hóa thành hai đóa sen trắng mới chớm nở. Bà bèn mang thai. Một năm sau, vào ngày mùng 10 tháng 2 năm Canh Thìn, ứng kỳ sinh một gái diễm lệ, gọi là Nguyễn Thị Hương. Quả là bậc chim sa cá lặn, hoa nhường nguyệt thẹn, hình dung tuyệt đẹp. Khi lớn lên, cha chết sớm, ở với mẹ. Đến 19 tuổi, theo cậu ruột đi chơi kinh thành, giữa đường gặp xa giá Thái Tông. Thái Tông nhìn thấy mà thích, bèn bảo rằng: “Nguyện kết duyên Châu Trần, lưới trời hợp duyên.” Bèn cưới đem về cung, lập làm cung phi thứ 7, yêu dấu không ai trong cung bằng, Thái Tông yêu dấu lập cung ở Trại Thị cho cung phi ở. Một hôm, nhàn du, bà tắm ở Tây Hồ, ngoạn cảnh ngoạn tình. Trở về cung, đêm bà mơ thấy một người mặc áo xanh, tay cầm cờ vàng, tự xưng Thiên Đế Sứ, quỳ trước sân nói rằng: “Một số năm sau, quốc gia tất có giặc lớn đến xâm lược, cho nên hoàng gia thiên sắc lệnh cho thủy thần giáng thế đầu thai vào hoàng gia làm con đế báo quốc, chớ nghi ngờ.” Nói xong, bay lên không, đi mất. Biết là Hoàng Thiên báo tin, không nghi ngờ gì. Từ đó, cung phi mang thai. Mãn một năm, đến giờ Tý, ngày mùng 10 tháng Giêng năm Giáp Thìn, ứng kỳ sinh nở. Hôm đó, hương thơm ngào ngạt, bà sinh một quý nam, phong thái tuấn tú, diện mạo phương phi, hình dung cao quý, thiên tư đặc dị, văn chất hơn người. Sinh được ba tháng đã lớn, cung phi bèn ẵm đưa cho vua. Trong lòng vua rất mừng, mở tiệc lớn ăn mừng, đặt tên là Hoàng Linh Lang. Ngày tháng trôi qua, Linh Lang vừa mới lớn. Lúc này có giặc Vĩnh Trinh đem 30 vạn quân xâm nhập đất Sơn Nam. Triều thần phiên tướng nhiều lần đánh dẹp mà chưa thắng. Văn tài vũ sĩ đều kinh hồn lạc phách. Vua lấy làm lo. Vua bèn họp triều thần thương nghị, chọn ngày làm lễ cầu đảo bái yết thiên địa bách linh thần. Vua thân nằm trong đàn. Bỗng nhiên vua thấy một cụ già giáng xuống. Cụ già râu tóc bạc phơ giáng xuống chỉ bảo. Vua hỏi rằng: “Nay có giặc lớn đến xâm lược vậy, thắng bại như thế nào? Xin chỉ cho.” Cụ già ngồi hồi lâu bốc thăm lập quẻ, rồi gọi vua mà bảo rằng: “Nếu cầu được người thì giặc này không đáng lo.” Nói xong biến mất. Vua biết thiên thần chỉ giáo, bèn ra lệnh sứ giả yết thị ở chợ, trang, hứa phong tước (cho ai có tài giúp nước – NDH).
Linh Lang quốc vương thiên tử chưa biết nói, bỗng nghe sứ giả chiêu mộ, bèn cười hỏi mẹ: “Quốc gia hữu sự chăng?” Mẹ bảo rằng: “Vừa rồi quốc gia có giặc lớn, vua đã họp triều thần văn võ bá quan, mọi người đều kinh sợ. Con miệng còn hơi sữa, hỏi làm gì?” Linh Lang bèn cười, nói: “Hãy mời sứ giả đến đây.” Tức thì Linh Lang ngồi thẳng, bảo sứ giả rằng: “Mày về lập tức tâu lên hoàng thượng cho ta một con voi khỏe, một cây cờ vuông, phong tước lớn cho ta làm quốc vương thiên tử sung tông đại thần thì lo gì tướng giặc Vĩnh Trinh.” Sứ giả về triều tâu lên vua. Vua nghe rồi cả mừng, cấp tốc chọn một con voi khỏe, làm một lá cờ vuông lớn đưa đến Hoàng Linh Lang. Tức thì ăn một bữa no say, vươn mình cao hơn 5 xích, cưỡi voi cầm cờ hét lớn: “Ta là thiên tướng đây.” Voi chạy như bay, trực chỉ Nam Sơn Thượng (Sơn Nam Thượng), phất cờ chỉ huy quân lính vào đồn chính của giặc. Tướng giặc Vĩnh Trinh tự nhiên lăn ra chết, quân giặc tán loạn.
Linh Lang trở về kinh thành, mở tiệc chiêu đãi quân sĩ, đi qua trang Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, xa giá đều dừng lại, cờ lớn bay về hướng đông nam. Voi khỏe quỳ hương về đông. Hoàng Lang đi xem đất nơi này, bỗng thấy ba khu núi sừng sững, nước chảy vòng sau núi, đó là nơi có thể hương thần. Hoàng Lang dẫn quân trở về Trại Thị lạy mẹ. Hốt nhiên bị bệnh đậu mùa, một tháng không khỏi. Thái Tông thân hành đến thăm, cầm tay Hoàng Lang nói rằng: “Khanh quả là con ta thì chứng đậu mùa này phải lập tức hết ngay.” Đột nhiên Hoàng Lang trả lời rằng: “Thần không phải là con của bệ hạ, chỉ đầu thai để báo quốc mà thôi.” Nói xong, bèn đứng dậy, phất cờ ném lên trời mà hóa (vào ngày 20 tháng 7). Con voi khỏe ngày hôm đó cũng hóa theo. Vua gạt lệ thương tiếc, họp văn võ bá quan luận công ban thưởng, cử Lễ bộ quản giám quan chọn ngày tốt viết sắc phong thần quốc vương thiên tử, 72 đền đều cấp thang mộc ấp các trang trại sách, ủy giám quan mang sắc phong ban cấp tiền dựng miếu. Đến huyện Từ Liêm, bèn gọi phụ lão sách Hậu Trang Dịch Vọng đến hầu phụng lãnh sắc và nhận tiền và chiêu chỉ. Trả về trại, hội họp mọi người, mời thầy xem phong thủy. Phụ lão nói rằng: “Ngày trước chỗ Hoàng Lang dừng, có cây cờ chuyển bay hướng đông, tất có đền thờ ở đó. Chỗ đóng quân có thế rất quý, lập Càn Tôn kiêm hướng trước cố án đường làm án, nước chảy ngược tụ về, phía sau đó long cung bao chẩm, sơn thủy triều lai, tất phát người đông giàu mạnh, giai nhân tuấn tú, anh hoa phát tiết. Trại Hậu phụng thờ càng anh linh. Lúc sinh tiền, Linh Lang võ công lừng lẫy phù trợ vận nước, sau khi chết thì trang trại tế lễ tôn nghiêm, bảo hộ dân chúng, có đức lớn. Đời sau thờ cũng không bao giờ dứt.
Huý chữ Quốc vương thiên tử Hoàng Linh Lang. Nghiêm cấm, nghiêm cấm.
Mỗi năm, ngày 10 tháng Giêng là ngày sinh của thánh.
Mỗi năm, ngày 10 tháng 2 là ngày nhập tịch.
Mỗi năm, ngày 20 tháng 7 là ngày thánh hóa.
Mỗi năm, ngày 20 tháng 12 là ngày đại tịch.
Hồng Phúc nguyên niên (1572), tháng giữa mùa xuân, ngày lành.
Lê bộ Hàn Lâm Viện Đông Các Đại Học Sĩ thần Nguyễn Bính phụng soạn.
Vĩnh Hựu năm thứ 5 (1739), giữa mùa thu, ngày lành.
Quản giám bách thổn tri diện hùng lĩnh thiếu khanh thần Nguyễn Hiền phụng sao y bản chính.