Chùa Giác Viên

Tự cổ tăng nhàn, thường dẫn yên hà vi bạn lữ;
Sơn thâm thế cách, chỉ bằng thảo mộc ký xuân thu.

Đôi câu đối này cho chúng ta thấy được cảnh u tịch của ngôi chùa Giác Viên hồi xưa khi bắt đầu được dựng lên ở vùng Hố Đất. Chùa nguyên chỉ là một cái am thờ Quan Thế Âm Bồ Tát do ông Hương Đăng lập ra.

Lịch sử xây dựng chùa được kể lại như sau: Khi trùng kiến chùa Giác Lâm năm 1798, tổ Viên Quang cho xây một cái nhà nhỏ ở bến Hố Đất, cách chùa độ 2 km để cho ông Hương Đăng ở mà coi gỗ. Gỗ mua về theo đường thủy, dỡ lên bờ rồi lần lượt cho xe trâu kéo về đồi Cẩm Đệm. Ông Hương Đăng ở đây liền hai năm đã biến căn nhà nhỏ của mình thành một cái am thờ Quan Thế Âm để sớm tối khỏi phải lên chùa Giác Lâm tụng kinh lễ Phật.

Các đạo hữu mỗi khi lên chùa hoặc có việc ghé bến Hố Đất cũng đều gửi thuyền cho ông Hương Đăng coi hộ và lúc về lại cúng vào am ít tiền. Ở đó cho đến khi chuyển hết gỗ về xây chùa Giác Lâm, ông Hương Đăng đã thu góp được một số tiền kha khá mới xin với tổ Viên Quang cho xây cất lại cái am thành một ngôi chùa.

Nếu căn cứ vào năm lạc thành việc trùng kiến chùa Giác Lâm (năm Giáp Tý 1804) thì chùa Giác Viên được tạo dựng vào năm Ất Sửu (1805), nhưng khi đó còn mang tên là Quan Âm viện. Cho đến khi ông Hương Đăng quy tịch, tổ Hải Tịnh mới cử người đệ tử tin cẩn của mình là Minh Vi sang trụ trì Quan Âm viện.

Năm Canh Tuất (1850), tổ Hải Tịnh đổi Quan Âm viện thành Giác Viên tự. Từ đó đến nay, chùa đã trải qua năm đời truyền thừa (Hòa thượng Minh Khiêm, Hòa thượng Như Nhu, Hòa thượng Như Phòng, Hòa thượng Hồng Từ và Hòa thượng Nhựt Xuân), nên cũng gọi là Tổ đình Giác Viên. Hòa thượng Nhựt Xuân tức Thiện Phú hiện đang trụ trì tại chùa, năm nay đã 86 tuổi.

Chùa Giác Viên đã được trùng tu lại hai lần:

  • Lần thứ nhất năm Kỷ Hợi (1899) do công của Hòa thượng Như Nhu.
  • Lần thứ nhì năm Canh Tuất (1910) do công của Hòa thượng Như Phòng.

Chùa Giác Viên tọa lạc ở trong hẻm 247, đường Lạc Long Quân, thuộc phường 3, khu phố 1, quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh. Chùa được chia làm bốn khu vực:

  • Khu vực 1: gồm có chính điện, nhà tổ và giảng đường;
  • Khu vực 2: đông lang;
  • Khu vực 3: tây lang;
  • Khu vực 4: nhà trù.

Vào thăm chùa Giác Viên, phải đi vào phía sau chùa, vì phía trước chùa trông ra đồng ruộng không có đường đi. Chính điện chùa Giác Viên cũng tương tự như bên chùa Giác Lâm và còn có khá nhiều hiện vật giá trị cao về nghệ thuật điêu khắc.

Nếu tính về số lượng, thì chùa có 153 pho tượng Phật lớn nhỏ và 57 bao lam (cửa võng). Đa số các tượng Phật được bày thờ ở chính điện (120 pho), gồm tượng Phật Di Đà, tượng Phật Thích Ca, tượng Phật Di Lặc và các vị Bồ Tát. Đáng chú ý là hai bộ tượng Thập điện Diêm Vương (10 pho) và Thập bát La Hán (18 pho).

Ngoài các tượng Phật, ra còn có ba pho tượng chân dung; hai pho được biết là của tổ Hải Tịnh và tổ Như Nhu. Pho thứ ba không biết rõ là chân dung vị tổ nào. Có bốn tượng Thiên Vương đặt trên xà nhà để đỡ lấy xà ngang của chính điện, gây cho người xem một không khí thiêng liêng về sức mạnh tượng trưng. Ở đầu kèo có chạm đầu rồng trong tư thế vươn ra phía trước như đỡ lấy bộ mái nặng.

Chùa Giác Viên nổi tiếng về các bao lam, số lượng hơn hẳn chùa Giác Lâm. Có thể nói bàn thờ nào cũng có bao lam. Đáng kể nhất là bao lam Bá điểu với kích thước 3,3 x 2,5 x 0,25 m (chiều rộng nhất của chân), là điển hình mẫu mực nhiều mặt của nghệ thuật chạm lộng gỗ. Nghệ nhân đã khéo sắp xếp tới 94 con chim, từ lớn đến bé, theo đủ mọi tư thế: con bay, con đậu, con ngủ, con rỉa lông, con tranh mồi, con tỏ tình, con chơi đùa… Điều này chứng tỏ nghệ nhân đã có những nhận xét rất tinh vi.

Tấm bao lam Thập bát La Hán cũng rất đặc biệt. Các đám mây được tạc làm nền gắn các tượng La Hán lại: mỗi bên bao lam có chín vị, và mỗi vị lại có một tư thế khác nhau, có vị đang ngoáy tai, miệng nhếch lên, vẻ khoái trá. Ở nhà tổ có một tấm bao lam được chạm hai mặt rất công phu. Ở tây lang có một tấm bao lam được chạm theo đề tài khỉ bắt chim: Con khỉ một tay níu cành, một tay vươn ra bắt con chim. Con chim thì đang giãy giụa sợ hãi, còn con khỉ tỏ vẻ khoái trá.

Ở đông lang có những tấm bao lam được tạc theo các đề tài cổ điển như “Lữ Vọng câu cá”, “Tô Vũ chăn dê”, “Ngư tiều canh độc”,… nhưng đã được kết hợp với hoa trái bốn mùa ở Nam Bộ. Nói chung, các tấm bao lam ở chùa Giác Viên đều có giá trị nghệ thuật khá cao.

Chùa còn có rất nhiều câu đối cũng được chạm liền vào cột như bên chùa Giác Lâm và có nhiều câu cũng giống như bên chùa Giác Lâm. Các hiện vật của chùa Giác Viên như vậy đã mang tính chất đa dạng của nghệ thuật điêu khắc trên gỗ vào cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX ở Thành phố Sài Gòn – Gia Định.

Tiếc rằng chùa Giác Viên ở sâu trong một khu vực hẻo lánh nên ít được chú ý, và đến nay chùa đang ở vào tình trạng hư hỏng cần phải sửa chữa gấp để bảo tồn một di tích kiến trúc nghệ thuật quý giá.