Cố đô Huế (Thừa Thiên Huế)

Quần thể di tích Cố đô Huế gồm toàn bộ những di tích lịch sử – văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc biểu thị cho quyền uy của chế độ trung ương tập quyền triều đình Nguyễn, được xây dựng trong khoảng thời gian từ đầu thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX trên địa bàn kinh đô Huế xưa, nay thuộc phạm vi thành phố Huế và một vài vùng phụ cận thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tổng thể kiến trúc của Cố đô Huế được xây dựng trên diện tích hơn 500ha, gồm Kinh thành, Hoàng thành và Tử Cấm thành. Ba vòng thành lồng vào nhau được bố trí đăng đối trên một trục dọc xuyên suốt từ mặt Nam ra mặt Bắc.

Kinh thành Huế được xây dựng từ năm 1805 và hoàn chỉnh vào năm 1832 dưới triều vua Minh Mạng, bao gồm các di tích: Kỳ Đài Trường; Quốc Tử Giám; Điện Long An; Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế; Đình Phú Xuân; Hồ Tịnh Tâm; Tàng thư lâu; Viện Cơ Mật – Tam Tòa; Đàn Xã Tắc; Cửu vị thần công…

Hoàng thành nằm bên trong Kinh thành, được giới hạn bởi một vòng tường thành gần vuông, mỗi chiều xấp xỉ 600m với bốn cổng ra vào. Hoàng thành có chức năng bảo vệ các cung điện quan trọng nhất của triều đình, các miếu thờ tổ tiên nhà Nguyễn và bảo vệ Tử Cấm thành. Hoàng thành và Tử Cấm thành thường được gọi chung là Đại Nội. Các di tích trong Hoàng thành gồm: Ngọ Môn; Điện Thái Hòa và sân Đại Triều Nghi; Triệu Tổ Miếu; Hưng Tổ Miếu; Thế Tổ Miếu; Thái Tổ Miếu; Cung Diên Thọ; Cung Trường Sanh; Hiển Lâm Các; Cửu Đỉnh; Điện Phụng Tiên.

Tử Cấm thành là vòng thành thứ ba của Kinh đô Huế, giới hạn khu vực làm việc, ăn ở và sinh hoạt của vua và hoàng gia. Các di tích trong Tử Cấm thành gồm: Tả Vu và Hữu Vu; Vạc đồng; Điện Kiến Trung; Điện Cần Chánh; Thái Bình Lâu và Duyệt Thị Đường.

Xuyên suốt cả ba tòa thành, con đường Thần đạo chạy từ bờ sông Hương mang trên mình những công trình kiến trúc quan yếu nhất của Kinh thành Huế như: Nghinh Lương Đình, Phu Văn Lâu, Kỳ Đài, Ngọ Môn, điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, điện Càn Thành, cung Khôn Thái, lầu Kiến Trung… Về phía tây của Kinh thành, nằm hai bên bờ sông Hương là lăng tẩm của các vua Nguyễn.

Quần thể di tích Cố đô Huế được đánh giá như một “kiệt tác đô thị, một điển hình nổi bật của một Kinh đô phong kiến phương Đông” và được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới tại phiên họp lần thứ 17 ngày 11-12-1993.

Trong quần thể di tích Cố đô Huế có một loạt điểm di tích được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, đó là:

  • Kinh thành ở bờ Bắc sông Hương bảo vệ cho khu vực hành chính của nhà Nguyễn và là nơi ở của Hoàng Gia;
  • Hoàng thành nằm ở trung tâm của Kinh thành là nơi ở và làm việc của các vua Nguyễn;
  • Lăng Gia Long;
  • Lăng Minh Mạng;
  • Lăng Thiệu Trị;
  • Lăng Dực Đức;
  • Lăng Tự Đức;
  • Lăng Đồng Khánh;
  • Lăng Khải Định;
  • Văn Miếu, nơi thờ Khổng Tử và dựng bia khắc tên các tiến sĩ thời Nguyễn;
  • Đàn Nam Giao, nơi vua tế trời;
  • Hổ Quyền, đấu trường duy nhất còn lại ở châu Á dành cho voi và hổ.