Di tích lịch sử Sơn Mỹ (Mỹ Lai) thuộc địa phận thôn Tư Cung, làng Sơn Mỹ, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, cách thành phố Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) khoảng 12km về phía đông bắc. Di tích vụ thảm sát Sơn Mỹ gồm hai địa điểm: địa điểm thứ nhất ở xóm Thuận Yên (nay là xóm Khê Thuận), nơi lính Mỹ đã giết 407 người thuộc thôn Tư Cung; địa điểm thứ hai ở xóm Mỹ Hội (nay là xóm Khê Hội), nơi lính Mỹ đã giết hại 97 người thôn Cổ Lũy.
Nơi đây là một tổng thể các địa điểm ghi dấu tội ác dã man của đế quốc Mỹ đối với nhân dân Việt Nam – vụ thảm sát Sơn Mỹ ngày 16-3-1968, khi một cuộc hành quân hủy diệt dã man chưa từng thấy do quân xâm lược Mỹ thực hiện, đã giết hại hàng trăm người dân Sơn Mỹ vô tội không một tấc sắt trong tay. Cuộc thảm sát tàn bạo đến điên cuồng với việc lính Mỹ truy lùng và nã đạn vào dân thường, đánh sập hầm trú ẩn, đốt cháy nhà cửa, bắn chết trâu bò, phá hủy mùa màng. Đỉnh điểm của sự dã man là việc tập trung dân làng, hầu hết là người già, phụ nữ và trẻ em, thành từng tốp rồi xả súng bắn giết.
Khu chứng tích Sơn Mỹ được xây dựng để tưởng nhớ những người dân thường bị lính Mỹ sát hại dã man trong buổi sáng khủng khiếp đó. Sau nhiều lần trùng tu, hiện nay khu di tích có diện tích 2,4ha, bao gồm hai khu vực chính: khu chứng tích thực địa (phía tây) gồm các di tích gốc đã được bảo tồn, tôn tạo; và các công trình mới được xây dựng sau này như nhà trưng bày bổ sung, tượng đài, nhà đón khách (phía đông). Tượng đài là công trình nghệ thuật điêu khắc do họa sĩ Châu Đình Du sáng tác, khắc họa các hình ảnh: người lớn ôm một em nhỏ vào lòng, che chở; người phụ nữ ôm người già bị địch bắn chết; người phụ nữ sống sót sau thảm sát, thân đứng thẳng, bàn tay phải nắm chặt, giơ lên trời cao, tay trái bồng em bé như đang tố cáo tội ác tày trời của lũ lang sói.
Ngoài ra, còn có các cụm di tích, điểm di tích liên quan đến vụ thảm sát tại thôn Tư Cung và thôn Cổ Lũy, như cụm di tích ruộng ông Nhiều, tháp canh, gốc cây gòn (xóm Khê Thuận) và điểm di tích vườn ông Phạm Minh (xóm Khê Đông), Phạm Hội (xóm Khê Tây); điểm di tích hầm chống pháo của gia đình ông Lý Lệ, ông Ngô Mân tại xóm Mỹ Hội (thôn Cổ Lũy); các điểm di tích mộ chôn chung các nạn nhân bị thảm sát.
Bên cạnh giá trị lịch sử, là nơi tưởng niệm 504 đồng bào đã ngã xuống, hiện nay Khu chứng tích Sơn Mỹ còn là điểm du lịch thu hút hàng vạn lượt khách thăm viếng, tham quan mỗi năm, trong đó có nhiều vị khách vốn là cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Tại đây, khách tham quan có thể tận mắt nhìn thấy những khu mộ tập thể của các nạn nhân, hầm tránh pháo và nền nhà bị đốt cháy của những gia đình đã bị giết cả nhà trong vụ thảm sát, xem lại những bức hình do phóng viên quân đội Mỹ Ronald Haeberle chụp tại Sơn Mỹ trong “buổi sáng khủng khiếp” đó; hay xem phim tư liệu ghi lại lời kể và hình ảnh của những nạn nhân sống sót, các cuốn sổ lưu niệm với nhiều ngôn ngữ, thể hiện chân thực cảm nghĩ, thái độ của những người thuộc nhiều thế hệ, nhiều tôn giáo, dân tộc và xu hướng chính trị khác nhau, khi trực tiếp tìm hiểu về vụ thảm sát Sơn Mỹ.
Bên trong Nhà chứng tích, du khách có thể xem nhiều hiện vật còn được lưu giữ: đó là chiếc mâm thau cũ còn lỗ chỗ vết đạn; chiếc áo, đôi dép của một cháu bé; các loại chén đĩa, xoong chảo bị bắn thủng vỡ; chiếc mõ tụng kinh của nhà sư Thích Tâm Trí; hay chiếc kẹp tóc của cô Nguyễn Thị Huỳnh…
Khu chứng tích Sơn Mỹ được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt năm 2002