Khu đền tháp Mỹ Sơn (Quảng Nam)

Khu đền tháp Mỹ Sơn nằm trong một thung lũng hẹp có đường kính khoảng 2km thuộc địa bàn xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Khu đền tháp này được phát hiện vào năm 1898 bởi một học giả người Pháp tên là M.C Paris. Sau đó, các nhà khoa học đã đến nghiên cứu các bia ký và công trình kiến trúc, điêu khắc ở Mỹ Sơn.
Các nghiên cứu cho thấy, khu đền tháp Mỹ Sơn được xây dựng liên tục trong suốt 1.000 năm (khởi công từ thế kỷ IV bởi vua Bhadravarman và kết thúc vào cuối thế kỷ XIII, đầu thế kỷ XIV dưới triều vua Jaya Simhavarman III). Khu đền tháp gồm trên 70 ngôi đền tháp mang nhiều phong cách kiến trúc, điêu khắc tiêu biểu cho từng giai đoạn lịch sử của vương quốc Chămpa; được chia thành nhiều cụm, xây dựng theo cùng một nguyên tắc. Kết cấu mỗi cụm gồm có một ngôi đền thờ chính (Kalan), bao quanh bằng những ngôi tháp nhỏ hoặc công trình phụ. Ngôi đền chính tượng trưng cho núi Meru – trung tâm vũ trụ, là nơi hội tụ của thần linh và thờ thần Siva. Các đền phụ (miếu phụ) thờ các vị thần trông coi hướng trời. Còn các công trình phụ là những ngôi tháp thường có mái lợp ngói, là nơi khách hành hương sửa lễ, cất giữ đồ tế lễ.
Đền thờ của người Chăm không có cửa sổ, chỉ các công trình tháp phụ mới có cửa sổ. Các đền tháp phần lớn quay về hướng đông, phương mặt trời mọc, chỗ trú ngụ của thần linh, thể hiện tư tưởng hướng về thế giới bên kia của các vị vua sau khi chết được phong thần và để tỏ lòng hoài niệm tổ tiên.
Mỗi ngôi đền tháp ở Mỹ Sơn có ba bộ phận chính: Đế tháp, thân tháp và mái tháp. Đế tháp – theo quan niệm của người Chăm – tượng trưng cho thế giới trần tục, thường được xây trên nền hình vuông hoặc hình chữ nhật, bằng gạch hoặc đá phiến to. Xung quanh đế được trang trí các họa tiết hoa văn, hình thú, hình người cầu nguyện đứng trong các vòm cuốn nhỏ. Thân tháp tượng trưng cho thế giới tâm linh, nơi con người gột rửa bụi trần để có thể tiếp xúc với tổ tiên và hòa nhập với thần linh. Mái tháp tượng trưng cho thần linh, thường có ba tầng, càng lên cao càng thu hẹp. Mỗi tầng lại mô phỏng đầy đủ cấu trúc cửa chính và cửa giả giống tầng dưới và được trang trí những ngẫu tượng, vật cưỡi của các vị thần trong Ấn Độ giáo như chim thần, ngỗng thần, bò thần, voi, sư tử… Ở tầng một và tầng hai, ở mỗi góc thường trang trí các tháp nhỏ.
Tất cả các đền, tháp Chăm đều được xây bằng gạch, ghép với những mảng trang trí bằng sa thạch. Chúng được xếp khít với nhau và đến nay vẫn chưa xác định được chất kết dính. Sau khi tường tháp được xây lên, những nhà điêu khắc mới bắt đầu chạm trổ hoa lá, hình người, hình thú… lên tháp.
Theo các nhà nghiên cứu, nghệ thuật kiến trúc tháp Chăm tại Mỹ Sơn hội tụ nhiều phong cách, mang tính liên tục từ phong cách cổ thế kỷ V – VI, phong cách Hạ Lai thế kỷ VIII – IX, phong cách Đồng Dương từ giữa thế kỷ IX, phong cách Mỹ Sơn và chuyển tiếp giữa Mỹ Sơn và Bình Định, phong cách Bình Định. Nghệ thuật điêu khắc Chăm tiếp nhận sâu sắc ảnh hưởng của Ấn Độ, nhưng trong quá trình phát triển, tính bản địa ngày càng đậm nét và tính dân tộc ngày càng được khẳng định, tạo nên vẻ độc đáo, sức hấp dẫn kỳ lạ.
Trải qua phong hóa bào mòn của thời gian cùng với sự biến thiên của lịch sử, đến nay Mỹ Sơn chỉ giữ lại được khoảng gần 20 tháp. Với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng trong cả nước cùng sự hỗ trợ đắc lực của các chuyên gia trong lĩnh vực di sản từ nước ngoài, khu đền tháp Mỹ Sơn đang được hồi sinh. Mỹ Sơn đã được trả lại phần nào dáng vẻ ban đầu của nó, giúp người ta có thể hình dung được một thánh địa uy nghiêm kỳ vĩ của Vương quốc Chămpa xưa.
Có thể khẳng định, khu đền tháp Mỹ Sơn là điển hình tiêu biểu về sự giao lưu văn hóa và hội nhập những ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài vào xã hội bản địa, đặc biệt là nghệ thuật và kiến trúc Ấn Độ giáo. Đây cũng là nơi phản ánh sinh động vai trò của vương quốc Chămpa trong lịch sử khu vực Đông Nam Á.
Khu di tích Chăm Mỹ Sơn được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới tại Hội nghị lần thứ 23 của Ủy ban Di sản Thế giới ngày 1-12-1999.