Hội An nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30km về phía nam. Phía đông Hội An nối với biển Đông qua cửa Đại, phía nam giáp huyện Duy Xuyên, phía tây giáp huyện Điện Bàn.
Hình thành từ thế kỷ XVI, phát triển thịnh vượng trong thế kỷ XVII-XVIII, rồi suy giảm dần trong thế kỷ XIX, Hội An là một đô thị vang bóng một thời về sự sầm uất và là một trong những đô thị cổ đến nay vẫn giữ được gần như nguyên vẹn.
Được hình thành trong khoảng thế kỷ XV-XVI, nhưng trước đó rất lâu (từ thế kỷ II trở về trước), vùng đất này đã nằm trong địa bàn phân bố của văn hóa tiền Sa Huỳnh – đến Sa Huỳnh và còn là một cảng thị trọng yếu của Chămpa (từ thế kỷ II đến thế kỷ XV).
Trong thời thịnh đạt (thế kỷ XVII-XVIII), đặc biệt trong nửa đầu thế kỷ XVII, Hội An là trung tâm mậu dịch lớn nhất của Đàng Trong và cả nước Đại Việt, là một trong những thương cảng sầm uất của vùng biển Đông Nam Á. Tàu thuyền của Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, các nước vùng biển Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia… và một số nước châu Âu như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Pháp… hằng năm cập bến mở hội chợ từ 4 đến 6 tháng liền. Trung tâm hoạt động của thương cảng là vùng bến cảng cùng phố chợ buôn bán nằm trên bờ bắc sông Thu Bồn, nay là vùng nội thị của thị xã Hội An gồm các phường Minh An, Sơn Phong, Cẩm Phô. Phạm vi thương cảng lúc đó còn mở rộng ra cả hai bên bờ bắc, bờ nam dòng sông, bao gồm những nơi neo đậu tàu thuyền như đầm Trà Nhiêu, Trung Phường, Trà Quế… Nhiều kiều dân nước ngoài, nhất là người Hoa, người Nhật đã được Chúa Nguyễn cho phép ở lại Hội An lập phố, mở cửa hàng buôn bán, được sống theo phong tục riêng. Thế kỷ XVII, Hội An có “phố Nhật”, “phố Khách”, có thương điếm Hà Lan…
Với vị trí thuận lợi và sự phát triển mạnh mẽ như vậy, Hội An trở thành một trung tâm giao lưu kinh tế rộng lớn, một đô thị – thương cảng có tầm cỡ quốc tế. Thời kỳ này, Hội An còn là trung tâm giao lưu văn hóa Đông – Tây, là một trong những cái nôi chính hình thành chữ Quốc ngữ, là trung tâm truyền bá đạo Thiên chúa, đạo Phật ở Đàng Trong.
Từ cuối thế kỷ XIX, do nhiều nguyên nhân bên trong và bên ngoài, một phần do sự thay đổi địa hình, cửa sông Thu Bồn bị bồi lắng, một phần do sự phát triển tất yếu của công cuộc khai thác thuộc địa của chủ nghĩa thực dân, hoạt động kinh tế và vai trò của Hội An suy giảm dần và mất hẳn, kết thúc thời kỳ “thương cảng thuyền buồm” và nhường chỗ cho “thương cảng thuyền máy” Đà Nẵng phát triển.
Nhưng cũng nhờ đó, Hội An đã tránh khỏi được sự biến dạng dưới tác động của đô thị hóa hiện đại để bảo tồn cho đến ngày nay một quần thể kiến trúc đô thị cổ tương đối nguyên vẹn và hết sức độc đáo. Đó là hệ thống di tích phố cổ, nhà ở, hội quán, đình chùa, miếu mạo, giếng cầu, nhà thờ tộc, bến cảng, chợ, các hội quán của người Hoa, mộ của người Nhật, người Hoa…
Hạt nhân của Đô thị cổ Hội An hiện nay chính là khu phố cổ có diện tích khoảng 2km², nằm trọn trong địa bàn của phường Minh An, có địa hình nghiêng dần từ bắc xuống nam. Khu phố cổ tập trung phần lớn các di tích nổi tiếng ở Hội An. Đường phố ở đây ngắn và hẹp, có độ uốn lượn, chạy ngang dọc theo kiểu bàn cờ; cảnh quan phố phường Hội An bao quát một màu rêu phong cổ kính.
Các công trình kiến trúc trong khu phố cổ được xây dựng hầu hết bằng vật liệu truyền thống: gạch, gỗ, với kiểu nhà phổ biến là những ngôi nhà hình ống gồm một hoặc hai tầng với đặc trưng chiều ngang hẹp, chiều sâu rất dài. Các ngôi nhà có kết cấu kiểu khung gỗ, hai bên có tường gạch ngăn cách. Nhà hầu hết được làm theo dạng hai mái kế tiếp nhau, ngói lợp theo kiểu âm dương: một hàng ngói xếp ngửa rồi đến một hàng ngói úp xuống, các viên ngói được cố định bằng vữa, tạo thành những dải ngói nhô lên dọc xuôi theo mái, tạo nên vẻ cứng cáp, mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, lối sống, phong tục, tập quán, lễ hội… của cộng đồng dân cư Hội An phản ánh chặng đường dài của quá trình giao thoa, hội nhập, tiếp biến văn hóa, tạo nên một sắc thái văn hóa riêng Hội An vừa mang tính dân tộc, bản địa, vừa có sự hài hòa giữa các yếu tố nội sinh và ngoại sinh, làm cho Hội An ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách thập phương.
Khu phố cổ Hội An được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới vào tháng 12-1999.