Văn Miếu Diên Khánh, còn gọi là Văn Thánh miếu, tọa lạc tại tổ 15, thị trấn Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Đây là một trong số tám văn miếu hàng tỉnh còn lại trên cả nước và là Văn Miếu hàng tỉnh duy nhất còn lại ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Văn Miếu Diên Khánh được khởi dựng khoảng từ năm Gia Long thứ hai (1803) và được hoàn thiện vào năm Tự Đức thứ hai (1849). Văn Miếu là nơi thờ Khổng Tử; đồng thời còn là trường học, nơi sinh hoạt của giới Nho sĩ, nơi tôn vinh những người đỗ đạt thành danh.
Theo các cụ cao tuổi tại đây, xưa kia, Văn Miếu tọa lạc trên một gò đất cao, sầm uất. Có núi Diễn Sơn (núi Cây Cầy) làm tiền án, núi Đại Điền làm hậu chẩm, núi Sơn Lâm và núi Hòn Tháp làm tả phù hữu bật. Trước mặt là bãi sông trồng dâu và hoa màu trải dài đến gần chân nước. Xa xa, cửa Bắc môn Thành Diên Khánh ẩn hiện trong lũy tre dày ken khít nhau trên bờ thành. Con sông Phú Lộc vào thu đông cuồn cuộn, xuân hè thì lượn lờ… Thật đúng là kiến trúc tiêu biểu cho cái phong khí trọng người của Nho giáo chính thống.
Lúc mới lập, Văn Miếu chỉ có miếu chính và miếu Khải Thánh lợp bằng cỏ tranh. Năm 1849, có gian chánh tòa và bái đường, Khải miếu, nhà Đông, nhà Tây, nhà Quan cư, nhà Từ miếu… xây dựng theo kiến trúc truyền thống của người Việt.
Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Văn Miếu trở thành trụ sở, nơi luyện tập quân sự, trường học cho trẻ em. Năm 1948, Văn Miếu đã chịu thiêu hủy, hy sinh cho “tiêu thổ kháng chiến,” việc tế tự, sinh hoạt tạm thời chuyển dời về Văn chỉ Vĩnh Xương, phường Phương Sơn, Nha Trang.
Năm 1958, Văn Miếu được phục hồi. Sau năm 1975, các sinh hoạt văn hội, cúng tế ngày càng ổn định, phát triển. Nơi đây trở lại là ngôi nhà chung, cái nôi của nền giáo dục cho vùng đất học Khánh Hòa xưa.
Sau cuộc đại trùng tu năm 2008, Văn Miếu Diên Khánh ngày nay đã có một cơ ngơi khang trang, bề thế, xanh, đẹp, bao gồm: chánh tòa là gian thờ chính, đặt án thờ Khổng Tử và Tứ phối. Bái đường là nơi đặt bàn lễ và để mọi người đến niệm hương, trưng bày các bộ khí, di vật, cổ vật, hoành phi, câu đối cổ… Bên ngoài có Hữu vu, Tả vu thờ Thất thập nhị hiền, Tiên Chánh Tiên Nho, Văn nhân, Tiền bối, Long Quân, Thổ thần…
Văn Miếu Diên Khánh còn lưu giữ nhiều tư liệu Hán Nôm có giá trị, bao gồm: Văn bia, Bài minh (1858), bảng thiết tích (1892) và các câu đối cổ với những nội dung nhằm đề cao đạo học, tôn vinh nhân tài và đóng góp công đức của mọi tầng lớp nhân dân xây dựng, trùng tu Văn Miếu qua các thời kỳ. Trong Văn Miếu có lưu danh những vị cử nhân của vùng đất Diên Khánh, Khánh Hòa đã đỗ đạt tại các khoa thi từ năm Minh Mạng 21 (1840) đến Thành Thái 18 (1906), các vị tú tài từ trước năm 1858 đến 1941, các vị học sinh (những người đã học xong các sách sử cơ bản, chuẩn bị các điều kiện đi thi Hương)…
Văn Miếu lấy ngày 27 tháng Tám âm lịch hằng năm là ngày Thánh Đản, ngày 18 tháng Tư âm lịch là ngày Thánh Húy để tổ chức lễ. Sau nghi lễ cổ truyền là lễ trao thưởng và học bổng khuyến học cho những học sinh nghèo, hiếu hạnh, học giỏi, bệnh tật nhưng cố gắng vươn lên… được tuyển chọn từ các trường học ở địa phương huyện Diên Khánh và trong tỉnh.
Văn Miếu Diên Khánh được xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia ngày 15-10-1998.