Di tích tháp Pô Klong Garai (Ninh Thuận)

Di tích tháp Pô Klong Garai là quần thể tháp Chăm được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIII đầu thế kỷ XIV, nằm trên đồi Trầu (Đô Vinh – Tháp Chàm), sát quốc lộ 27A đi Đà Lạt và cách thành phố Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận 7 km về phía tây. Cụm tháp được xây để thờ vua Pô Klong Garai (1151-1205), vị vua có công lớn trong việc khai thông hệ thống thủy lợi của vùng đất này. Đây là một công trình độc đáo, có trình độ kiến trúc, nghệ thuật, điêu khắc đạt đến đỉnh cao; được xem là một trong những cụm tháp hùng vĩ và đẹp nhất trong những đền tháp của người Chăm còn tồn tại ở Việt Nam hiện nay.

Quần thể di tích gồm ba tháp: Tháp chính (nơi vua ở, cao 20,5 m, dài 13,8 m, rộng 10,71 m); Tháp lửa (bếp lửa của vua, cao 9,13 m, dài 8,18 m, rộng 5 m) và Tháp cổng (nơi vua tiếp khách, cao 5,65 m, dài 5,10 m, rộng 4,85 m).

Tháp chính còn khá nguyên vẹn, hình tứ giác, có một cửa chính ra vào ở hướng đông, trên cửa là mái vòm, có hai trụ đá lớn đỡ, mặt trụ đá khắc chữ Chăm cổ, bên trên cửa có phù điêu thần Siva múa, có sáu tay. Trong quá trình khai quật, nghiên cứu và tu sửa tháp, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một số bát bằng vàng, bạc và đồ trang sức. Tháp cổng ở phía đông và tháp lửa chếch phía nam có mái hình thuyền. Ở mỗi cạnh, mỗi tầng và mỗi mặt của từng tháp được trang trí bằng các họa tiết đá, gốm với đủ loại hình người, hình đuôi rồng, hình lá, hình bò thần…

Nói đến tháp Chăm là nói đến sự độc đáo của gạch Chăm. Gạch Chăm cũng làm từ đất sét như mọi loại gạch khác, nhưng nó bí ẩn đến mức chúng ta không biết người nghệ sĩ Chăm xưa đã khắc tạc trực tiếp lên gạch sống hay gạch chín.

Tháp Chăm Ninh Thuận đã đạt tới độ chín muồi của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc, dung hòa được trong phong cách nghệ thuật Chămpa và Khmer, khiến chúng khác với những quần thể tháp Chăm có trước và sau chúng.

Di tích tháp Pô Klong Garai gắn liền với tín ngưỡng truyền thống của đồng bào Chăm ở địa phương. Hằng năm, người dân nơi đây tổ chức các ngày lễ hội ngay tại tháp để tưởng nhớ đến công ơn của vua Pô Klong Garai, với bốn lễ hội đặc biệt với những nghi thức riêng, bao gồm: Lễ đầu năm (tháng Giêng theo lịch Chăm) là lễ mở cửa tháp để bắt đầu một năm mới; Lễ cầu mưa (tháng 4 lịch Chăm) là lễ cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi; Lễ hội Katê (tháng 7 theo lịch Chăm), đây được xem là lễ Tết lớn nhất trong năm của đồng bào Chăm. Vào dịp lễ hội Katê, tất cả những người Chăm đang sinh sống ở những miền quê khác nhau đều hội tụ đông đủ về đây để gửi gắm những tâm sự của mình và của gia đình đối với tổ tiên. Trong suốt ba ngày diễn ra lễ hội, có nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo như múa quạt, vũ điệu Siva thướt tha dịu dàng của các cô gái Chăm… Cuối cùng là Lễ Chabun (tháng 9 theo lịch Chăm) là ngày lễ cha, theo tín ngưỡng của đồng bào Chăm.

Tháp Pô Klong Garai được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1979.