Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du (Hà Tĩnh)

Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du hiện nay có tổng diện tích khoảng 28.562m², thuộc địa bàn thôn Hồng Lam, xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du gồm các hạng mục chính sau:

  • Nhà tư văn: do Quận công Nguyễn Nghiễm dựng tại khu vườn của ông tổ họ Nguyễn năm 1785, được tu sửa vào các năm Tự Đức thứ ba (1850) và Tự Đức thứ 13 (1860). Ban đầu, đây là địa điểm tụ họp bình thơ, bình văn của các nhà khoa bảng trong vùng.
  • Nhà thờ Nguyễn Du: dựng năm 1824, tại khu vực vườn nhà Nguyễn Du, thuộc xóm Tiền, thôn Lương Năng (nay là thôn Thuận Mỹ).
  • Đàn tế và bia đá Nguyễn Quỳnh (ông nội Nguyễn Du): do Nguyễn Nghiễm cùng người em là Nguyễn Trọng dựng năm 1762, để báo hiếu công ơn sinh thành của cha mẹ. Đàn tế được đặt cạnh ba cây cổ thụ do cụ Nguyễn Quỳnh trồng khoảng năm 1715-1720.
  • Nhà trưng bày: nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Đại thi hào (năm 1965), ngôi đình Chợ Trổ được chuyển từ huyện Đức Thọ về Khu lưu niệm để làm nơi trưng bày một số hình ảnh, hiện vật liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn (ở Tiên Điền). Hiện nay, khu vực này trưng bày gần 1.000 tài liệu, hiện vật, tiêu biểu như nghiên bút của Nguyễn Du, bản Kiều in từ bản khắc năm 1866, cuốn Truyện Kiều viết theo lối thư pháp (độc bản), thư pháp Truyện Kiều dài nhất Việt Nam (độc bản), bộ sưu tập Truyện Kiều xuất bản bằng các thứ tiếng, sưu tập sách viết về Nguyễn Du…
  • Khu lăng Văn Sự: nằm gần bờ sông Lam, thuộc giáp Đông, thôn Lương Năng. Đây là mộ cụ tổ đời thứ ba của dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền. Khu vực này còn là nơi an táng Giới Hiên công Nguyễn Huệ, trưởng nam đời thứ sáu của dòng họ, và Thuật Hiên công Nguyễn Khản, anh cùng cha khác mẹ với Nguyễn Du.
  • Mộ Đại thi hào Nguyễn Du: sau khi mất tại Kinh thành Huế, thi hài Nguyễn Du được con cháu mai táng tại xứ Bàu Đá, xã An Ninh, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên). Năm 1824, hài cốt ông được đưa về an táng tại quê nhà, lúc đầu táng tại vườn sở cũ của ông. Về sau, cải táng đến xứ Đồng Cùng, thuộc giáp Tiền, thôn Lương Năng (nay là xóm Tiên An, xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân). Ngôi mộ lúc đầu còn đơn sơ (mộ đất), sau đó cụ Đặng Thai Mai dựng tấm bia đá, ghi: “Tiên Điền Nguyễn tiên sinh phần mộ.” Sau hai lần tu sửa, nâng cấp vào năm 1990 và 2005, đến nay, phần mộ đã trở nên quy mô, khang trang hơn.
  • Đền thờ và mộ Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm: ở thôn Bào Kê (nay là thôn Minh Quang, xã Tiên Điền) có tổng diện tích khoảng 682m². Đền có kiến trúc hình chữ “nhị”, lưỡng long tứ vi, lối kiến trúc thời hậu Lê.
  • Đền thờ và mộ Nguyễn Trọng (chú ruột Nguyễn Du): Ông là người giỏi về văn thơ, lý số, đặc biệt là y học. Đền thờ Nguyễn Trọng ở thôn Thuận Mỹ, xã Tiên Điền. Đền quay hướng nam, tổng diện tích khoảng 998m². Phần mộ của ông trước đây táng ở cánh đồng Đùng thuộc thôn Minh Quang, xã Tiên Điền, sau cải táng về khu vực đền thờ, cách đền thờ khoảng 4m về phía tây.
  • Khu vườn cũ của Đại thi hào Nguyễn Du: thuộc địa phận giáp Tiền, thôn Lương Năng, làng Tiên Điền, là nơi nghỉ dưỡng của Nguyễn Du mỗi dịp về quê. Sau khi Nguyễn Du mất, ngôi nhà trong vườn được cải tạo thành nhà thờ ông. Khu vườn cũ hiện nằm trong khuôn viên sân trường Tiểu học Tiên Điền, nơi đây còn dấu tích gốc cây đại, tương truyền do Nguyễn Du trồng.

Ngoài ra, trong Khu di tích còn có hệ thống di vật, cổ vật gắn với một số nhân vật của dòng họ Nguyễn (ở Tiên Điền), tiêu biểu như: bia Cầu Tiên do Nguyễn Nghiễm soạn, bia Trường Ninh, khánh đá ghi lại việc sửa chùa…

Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du là một quần thể công trình kiến trúc thờ tự, tưởng niệm Nguyễn Du cùng những bậc tài danh kiệt xuất của dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền. Những di sản văn hóa trong Khu di tích còn được bảo tồn có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học…, giúp chúng ta tìm hiểu về nguồn gốc, quá trình hình thành, phát triển, truyền thống văn hóa, khoa bảng… của dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền cũng như việc nhìn nhận về cuộc đời, sự nghiệp, những đóng góp của Đại thi hào Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền cho nền văn học Việt Nam.

Hằng năm tại Khu di tích thường tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, như: Kỷ niệm năm sinh, năm mất của Đại thi hào; tổ chức các cuộc bình thơ, bình Kiều, diễn Kiều; tọa đàm văn chương; trao đổi về điển tích Truyện Kiều; sinh hoạt Câu lạc bộ Thơ và Ngày thơ Việt Nam… Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 1419/QĐ-TTg, ngày 27-9-2012 của Thủ tướng Chính phủ.