Khu di tích lịch sử Tân Trào – nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cơ quan Trung ương ở và làm việc trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, nằm trên địa bàn các xã: Tân Trào, Minh Thanh, Trung Yên, Bình Yên, Lương Thiện (huyện Sơn Dương); Kim Quan, Trung Sơn, Hùng Lợi, Trung Minh, Đạo Viện, Công Đa, Phú Thịnh (huyện Yên Sơn). Đây cũng là địa bàn giáp ranh giữa hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn.
Tổng diện tích tự nhiên của toàn Khu di tích là 561,1 km², với 18 di tích và cụm di tích tiêu biểu, đã được xếp hạng di tích quốc gia, bao gồm:
- Cụm di tích Nà Lừa, gồm: lán Nà Lừa – nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22-8-1945, nằm ở sườn tây núi Nà Lừa; lán Cảnh vệ, cách lán Nà Lừa khoảng 20m về hướng tây, là nơi ở của các đồng chí cảnh vệ, để đảm bảo an toàn cho Bác; lán Điện đài – nơi thông tin liên lạc giữa Mặt trận Việt Minh và quân Đồng minh (tại Côn Minh, Trung Quốc); lán Đồng minh – nơi ghi dấu sự hợp tác giữa Mặt trận Việt Minh và Phái đoàn Đồng minh; lán họp Hội nghị Cán bộ toàn quốc của Đảng, cách lán Nà Lừa 20m về hướng bắc, được dựng lên để phục vụ Hội nghị toàn quốc của Đảng, diễn ra trong ba ngày (từ ngày 13 đến ngày 15-8-1945).
- Di tích cây đa Tân Trào: chiều 16-8-1945, tại địa điểm này, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc đọc Bản Quân lệnh số 1 và hạ lệnh xuất quân tiến về Hà Nội.
- Di tích đình Tân Trào: là nơi tổ chức họp Quốc dân Đại hội (ngày 16 và 17-8-1945) – đại hội được ví như Hội nghị Diên Hồng thứ hai trong lịch sử nước ta.
- Di tích đình Hồng Thái: là địa điểm dừng chân đầu tiên của Bác Hồ khi từ Pắc Bó về Tân Trào (ngày 21-5-1945). Địa điểm này cũng là trụ sở của Ban Bảo vệ An toàn khu, của bộ phận tiếp tế và là nơi đón tiếp đại biểu về dự các hội nghị của Đảng.
- Cụm di tích trụ sở Phân khu Nguyễn Huệ: tháng 3-1945, Khu ủy Phân khu Nguyễn Huệ được chuyển về thôn Ao Búc, xã Trung Yên. Tại đây, Khu ủy đã quyết định thành lập chính quyền cách mạng (ngày 10-3-1945) và thành lập Ủy ban lâm thời châu Tự Do – chính quyền cách mạng đầu tiên trong cả nước (ngày 16-3-1945).
- Cụm di tích Văn phòng Chủ tịch phủ – Thủ tướng phủ: là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ đã bàn bạc và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước trên các lĩnh vực nội chính, kinh tế, tài chính, văn hóa – xã hội,… trong thời kỳ này.
- Di tích Ban Tổ chức Trung ương: Ban Đảng vụ cùng Trung ương Đảng (sau này đổi tên thành Ban Tổ chức Trung ương) đã ở và làm việc tại đây vào cuối năm 1949 và từ tháng 4-1951 đến cuối năm 1953.
- Di tích Ban Nông vận Trung ương: tháng 5-1952, Ban Nông vận Trung ương chuyển đến ở và làm việc tại khu Ao Rừm, thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương.
- Di tích Ban Tuyên huấn Trung ương: Ban Tuyên truyền của Đảng (sau này đổi tên thành Ban Tuyên huấn Trung ương) đã từng ở và làm việc trên một quả đồi tại thôn Thia.
- Di tích Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật: cuối năm 1950, đầu năm 1951, để chuẩn bị phục vụ cho Đại hội lần thứ II của Đảng diễn ra tại xã Vinh Quang (nay thuộc xã Kim Bình), huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, Nhà xuất bản chuyển về đóng tại bản Quẵng, sau đó về bản Khảy, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Sau Đại hội, Nhà xuất bản từ bản Khảy về lại bản Quẵng, rồi chuyển về thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương và ở lại đây đến cuối năm 1953.
- Di tích Việt Nam Thông tấn xã: trong hơn hai năm (kể từ năm 1952), Việt Nam Thông tấn xã đã đóng tại thôn Hoàng Lâu, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương để tuyên truyền, khích lệ nhân dân diệt giặc đói, giặc dốt và thông tin liên lạc phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.
- Di tích Bộ Nội vụ: năm 1948, Bộ Nội vụ chuyển đến ở và làm việc tại thôn Yên Thượng, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương và đã chỉ đạo công tác bảo vệ an toàn cho Trung ương Đảng, Bác Hồ và Chính phủ.
- Di tích hầm và lán an toàn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng: đồng chí Tôn Đức Thắng đã ở và làm việc tại thôn Chi Liền, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương từ cuối năm 1952 đến tháng 7-1954. Trong thời gian này, đồng chí đã chủ trì Hội nghị Liên tịch giữa Ban Thường trực Quốc hội với Ủy ban Liên Việt (tháng 2-1953), Hội nghị toàn quốc của Ủy ban Liên Việt (tháng 11-1953), Kỳ họp lần thứ ba của Quốc hội khóa I (từ ngày 1 đến 4-12-1953) và nhiều cuộc họp quan trọng khác.
- Di tích Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: từ giữa năm 1952 đến tháng 8-1954, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ở và làm việc tại thôn Cầu, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương.
- Di tích Bộ Ngoại giao: một thời gian ngắn đầu năm 1947, Bộ Ngoại giao chuyển đến ở và làm việc tại làng Hản, xã Kim Quan, huyện Yên Sơn. Sau đó, Bộ chuyển về xóm Dõn, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương.
- Di tích Nha Công an Trung ương: tháng 4-1947, Nha Công an Trung ương chuyển từ Phú Thọ đến “Nhà ông cả Nhã” tại thôn Đồng Đon, xã Minh Thanh. Đây là nơi đóng quân đầu tiên và trong thời gian dài nhất của Nha Công an Trung ương trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
- Di tích Nha Thông tin: Nha Thông tin được đặt tại thôn Mới, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương năm 1951. Tại đây, những bản tin, bài thơ, bài hát cách mạng,… đã được đăng tải trên đài phát thanh, phản ánh trung thực đời sống tinh thần, tình hình chiến sự của đất nước và tuyên truyền đường lối kháng chiến của Đảng, Chính phủ đến nhân dân.
- Di tích Bộ Tư pháp: từ cuối năm 1949 đến tháng 9-1950, Bộ Tư pháp đã ở và làm việc tại thôn Mới, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương.
- Cụm di tích Kim Quan, thôn Khuôn Điển, xã Kim Quan, huyện Yên Sơn bao gồm: di tích lán ở, làm việc và hầm an toàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh; di tích hầm an toàn của Chính phủ; di tích hầm an toàn của Trung ương Đảng; di tích Văn phòng Trung ương.
Ngoài ra, trong khu vực di tích hiện nay còn là nơi diễn ra nhiều sinh hoạt văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc, lưu giữ nhiều hiện vật liên quan đến quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ quan Trung ương trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học đặc biệt của Khu di tích, ngày 10-5-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 548/QĐ-TTg, xếp hạng Khu di tích lịch sử Tân Trào là Di tích quốc gia đặc biệt.