Đô thị cổ Phố Hiến và quần thể di tích Phố Hiến (Hưng Yên)

Khu di tích Phố Hiến nằm trên địa phận của Phố Hiến xưa, nay thuộc phần đất từ thôn Đằng Châu (phường Lam Sơn) tới thôn Nễ Châu (phường Hồng Châu) trên một diện tích khoảng chừng 5 km² ở thành phố Hưng Yên.
Phố Hiến là một địa danh lịch sử ở thành phố Hưng Yên. Vào thế kỷ XVII – XVIII, nơi đây là một thương cảng cổ nổi tiếng của Việt Nam. Lúc ấy, Phố Hiến là một đô thị trải dài theo bờ tả ngạn sông Hồng. Ngoài kinh đô Thăng Long – Kẻ Chợ phồn vinh nhất nước, Phố Hiến đã là một đô thị nổi bật đứng ở vị trí thứ hai.
Tên gọi Phố Hiến lần đầu tiên xuất hiện vào cuối thế kỷ XV trong công cuộc cải cách hành chính của vua Lê Thánh Tông. Tuy nhiên, phải đến thế kỷ XVI mới trở thành một thương cảng sầm uất tấp nập tàu thuyền của các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hà Lan, Bồ Đào Nha và các địa phương trong nước vào ra buôn bán. Ngoài vị trí trấn thủ Sơn Nam, Phố Hiến chủ yếu mang diện mạo của một đô thị kinh tế. Kết cấu của nó bao gồm một bến cảng sông, một tập hợp chợ, khu phường phố và hai thương điếm phương Tây (Hà Lan và Anh).
Phố Hiến mang những nhu cầu tâm linh văn hóa của nhiều cộng đồng người khác nhau, thể hiện qua những công trình kiến trúc. Nổi bật là các phong cách kiến trúc Việt Nam và phong cách kiến trúc Trung Hoa (với sắc thái vùng Phúc Kiến, Trung Quốc), thấp thoáng có phong cách kiến trúc châu Âu (nhà thờ Gôtích Phố Hiến). Nhiều khi, các phong cách kiến trúc đó pha trộn lẫn nhau. Cũng như ở các đô thị Việt Nam khác, bên cạnh những kiến trúc bằng gạch ngói, đại bộ phận nhà ở của dân đều bằng gỗ, tre, nứa, lại ở sát nhau.
Trải qua những biến cố lịch sử và sự thay đổi của tự nhiên, Phố Hiến vẫn còn bảo tồn, giữ gìn được hơn 100 di tích lịch sử – văn hóa có giá trị, đã có 17 di tích được xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa quốc gia; gần 100 bia ký, trên 11.200 hiện vật, trong đó có 6.022 hiện vật có giá trị về lịch sử. Điều đặc biệt là các di tích phân bố ở khắp các phường, xã… tạo thành một quần thể di tích với nền kiến trúc nghệ thuật độc đáo.

  • Văn Miếu Xích Đằng
    Đây là công trình được khởi dựng từ thế kỷ XVII và được trùng tu tôn tạo lớn vào năm Kỷ Hợi, niên hiệu Minh Mệnh thứ 20 (năm 1839). Văn Miếu thờ Đức Khổng Tử, người được suy tôn là “Vạn thế sư biểu” và các chư hiền của Nho gia. Hiện Văn Miếu Xích Đằng còn lưu giữ được chín tấm bia đá khắc tên, tuổi, quê quán, chức vụ 161 vị đỗ đại khoa Trấn Sơn Nam thượng xưa thuộc các triều đại Trần, Mạc, Lê đến Nguyễn.
    Văn Miếu có kết cấu kiến trúc kiểu chữ Tam, bao gồm Tiền tế, Trung từ và Hậu cung. Hệ thống mái của các tòa được làm liên hoàn kiểu “Trùng thiềm điệp ốc”. Mặt tiền Văn Miếu quay hướng Nam, cổng Nghi môn được xây dựng đồ sộ, bề thế, mang dáng dấp cổng Văn Miếu Hà Nội. Phía trong cổng có sân rộng, ở giữa sân là đường thập đạo, hai bên sân có lầu chuông và lầu khánh cùng hai dãy tả vu, hữu vu.
    Khu nội tự gồm Tiền tế, Trung từ và Hậu cung, kiến trúc giống nhau, được làm theo kiểu vì kèo trụ trốn. Toàn bộ khu nội tự Văn Miếu tỏa sáng bởi hệ thống đại tự, câu đối, cửa võng và hệ thống kèo cột đều được sơn thếp phủ hoàn kim rất đẹp.
    Năm 1992, Văn Miếu Xích Đằng được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
  • Chùa Chuông
    Chùa Chuông được xây dựng từ thời Lê (thế kỷ XV), qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, chùa vẫn giữ được nét kiến trúc nghệ thuật thời Hậu Lê (thế kỷ XVII).
    Chùa Chuông có tên chữ là “Kim Chung tự” (Chùa Chuông Vàng). Chùa Chuông có kết cấu kiểu nội công ngoại quốc, bao gồm các hạng mục Tiền đường, Thượng điện, Nhà tổ, Nhà mẫu và hai dãy hành lang. Mặt tiền chùa quay hướng Nam, đó là hướng của “Bát Nhã” và “Trí Tuệ”. Chùa được bố trí cân xứng trên một trục trải dài từ cổng Tam quan đến Nhà tổ. Qua cổng Tam quan là tới ba nhịp cầu đá xanh, bắc ngang qua ao (mắt rồng), cây cầu được xây dựng năm 1702. Tiếp đến là con đường độc đạo được lát đá xanh dẫn thẳng đến nhà Tiền đường, theo quan niệm nhà Phật, đường này gọi là “Nhất chính đạo”, con đường chân chính duy nhất dẫn dắt con người thoát khỏi bể khổ.
    Năm 1992, Chùa Chuông được xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật.
  • Đền Trần
    Đền Trần nằm trên đường Bãi Sậy, phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên ngày nay và là trung tâm của Phố Hiến xưa. Đền thờ Hưng Đạo Vương – Trần Quốc Tuấn. Đền Trần ban đầu có quy mô nhỏ, trải qua các triều đại đều được trùng tu, tôn tạo. Đến thời Nguyễn, đền được trùng tu với quy mô lớn và kiến trúc như ngày nay.
    Đền có kiến trúc kiểu chữ Tam gồm Tiền tế, Trung từ và Hậu cung. Từ ngoài vào là cổng Nghi môn xây kiểu chồng diêm hai tầng tám mái, cửa vòm cuốn, trên cổ diêm ghi bốn chữ: “Kiếm Khí Đẩu Quang” (tinh thần yêu nước tỏa sáng); phía dưới cửa cuốn đề “Trần Đại Vương từ” (Đền Trần Đại Vương).
    Tòa đại bái gồm năm gian, kết cấu kiến trúc kiểu vì chồng rường giá chiêng, các con rường được chạm hình đầu rồng cách điệu, gian giữa treo bức đại tự “Thân hiền tại vọng” (Ngưỡng vọng người hiền tài). Nối tiếp đại bái là năm gian trung từ, kiến trúc vì kèo quá giang đơn giản, bào trơn đóng bén, không có hoa văn. Phía tiếp giáp với hậu cung treo bức đại tự “Công đức như Thiên” (Công đức của thánh rộng lớn như trời). Giáp với trung từ là ba gian hậu cung, thờ Trần Hưng Đạo và toàn bộ gia thất của ông.
    Năm 1992, Đền Trần được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật.
  • Đền Mẫu
    Đền Mẫu nằm ven hồ Bán Nguyệt, thuộc phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Đền thờ bà Quý Phi họ Dương. Theo Đại Nam nhất thống chí, Đền Mẫu được xây dựng vào thời Trần Nhân Tông, niên hiệu Thiệu Bảo nguyên niên (năm 1279).
    Trải qua các triều đại, Đền đều được trùng tu. Năm Thành Thái thứ 8 (năm 1896), Đền Mẫu được trùng tu lớn có quy mô như ngày nay.
    Kiến trúc đền kiểu chồng diêm hai tầng tám mái, cửa xây vòm cuốn, có một cửa chính và hai cửa phụ. Qua nghi môn là sân đền, giữa sân có cây cổ thụ. Theo truyền thuyết, cây có tuổi gần 700 năm được kết hợp bởi ba cây sanh, đa, si quấn vào nhau tạo thế chân kiềng vững chắc bao trùm toàn bộ ngôi đền.
    Khu nội tự của đền được xây kiểu chữ Quốc gồm đại bái, trung từ, hậu cung và hai dãy giải vũ. Tòa đại bái với ba gian, kiến trúc kiểu chồng diêm, trần tường chạm khắc tinh xảo. Gian giữa treo bức đại tự “Mẫu thượng thiên” (Thánh Mẫu trên trời).
    Hằng năm, vào ngày mùng 1 tháng 3 âm lịch, tại đền Mẫu tổ chức lễ hội, đây là lễ hội lớn của vùng với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc, thu hút hàng triệu du khách tham quan