Khu di tích lịch sử đền Sóc là nơi gắn với truyền thuyết về anh hùng Thánh Gióng bay về trời sau khi đánh thắng giặc Ân. Khu di tích này được Vua Lê Đại Hành cho xây dựng tại khu vực núi Sóc, xã Vệ Linh, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội, và được xếp hạng Di tích quốc gia năm 1962.
Khởi nguồn từ ngôi miếu thờ nhỏ mang tên Đổng Thiên Vương và chùa Non Nước, đã được xây dựng từ thời Đinh Tiên Hoàng để làm nơi tu hành của Quốc sư Khuông Việt. Một lần, Lê Hoàn (Lê Đại Hành) cùng các tướng sĩ trên đường hành quân chống giặc Tống xâm lược, vua tôi nhà Tiền Lê vào làm lễ cầu Thánh Gióng phù hộ. Trong trận chiến, quân Tống thua to; khi quay về, vua Lê Đại Hành vào lễ tạ rồi sai người tìm gốc trầm hương làm tượng thần và xây dựng thành khu đền uy nghi. Đồng thời phong thêm hai chữ “Phù” và “Thiên”, tên của ngài được thờ tại đền Sóc là “Phù Đổng Thiên Vương”.
Quần thể di tích gồm đền Trình, đền Mẫu (nơi thờ mẹ Thánh Gióng), chùa Đại Bi, đền Thượng, hòn đá Trồng, tương truyền là áo giáp của Thánh Gióng để lại trước khi bay về trời, và lăng bia đá ghi lại lịch sử và hội đền Sóc, tạo thành một tổng thể hài hòa, sống động. Tất cả những công trình này được xây dựng và trùng tu từ giai đoạn Tiền Lê, nhiều lần tôn tạo, tu bổ qua các triều đại phong kiến khác, góp phần làm cho khu di tích ngày càng to đẹp. Nằm trong quần thể di tích này còn có chùa Non (Sóc Thiên Vương Thiền Tự), nơi thờ Phật tổ, mà vị sư trụ trì đầu tiên là Ngô Chấn Lưu, được vua Đinh Tiên Hoàng phong là Khuông Việt Quốc Sư vào năm 971. Chùa Non Nước mới được xây dựng lại sau khi bị chiến tranh tàn phá; trong chùa còn có một kiệt tác là pho tượng Phật tổ bằng đồng nặng tới trên 30 tấn.
Hội Gióng ở đền Sóc diễn ra trong ba ngày, từ ngày 6 đến 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm, để tưởng nhớ người anh hùng Thánh Gióng.
Khu di tích lịch sử đền Sóc vẫn giữ được nhiều giá trị lịch sử và văn hóa vô giá, góp phần vào công cuộc bảo tồn và phát huy nền văn hóa Việt Nam, được Nhà nước công nhận là Di sản văn hóa quốc gia.