Chùa Thầy (Hà Nội)

Chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách là quần thể di tích nằm trên địa phận ba xã, thị trấn gồm: xã Sài Sơn, xã Phượng Cách và thị trấn Quốc Oai, Hà Nội. Khu di tích chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách được chia thành ba cụm điểm:

  • Cụm điểm thứ nhất: gồm chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn bao gồm các di tích: chùa Cả, tên chữ là Thiên Phúc Tự; chùa Cao, tên chữ là Đỉnh Sơn Tự; chùa Long Đẩu, tên chữ là Long Đẩu Tự; chùa Sài Khê, tên chữ là Hoa Phát Tự; đình Thụy Khê, quán Tam Xá, miếu Vũ và Quán Thánh.
  • Cụm điểm thứ hai: gồm núi Phượng Hoàng, xã Phượng Cách, cách khu vực núi đá Sài Sơn chừng 1km và một số ngọn núi nhỏ thuộc xã Yên Sơn.
  • Cụm điểm thứ ba: núi động Hoàng Xá, bao gồm các di tích: Thủy Đình động Hoàng Xá; chùa Hoa Vân, tên chữ là Hoa Vân Tự; đền Văn Xương; chùa Hoàng Kim, tên chữ là Hoàng Kim Tự; quán Hoàng Xá.
    Chùa Thầy là một ngôi chùa ở chân núi Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây cũ, nay là xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội. Sài Sơn có tên Nôm là núi Thầy, nên chùa được gọi là chùa Thầy. Chùa được xây dựng từ thời nhà Đinh. Đây từng là nơi tu hành của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, lúc này núi Thầy còn gọi là núi Phật Tích.
    Phần chính của chùa Thầy gồm ba tòa song song với nhau gọi là chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Giữa chùa Hạ và chùa Trung có ống muống nối với nhau, tạo thành thế hạ công thượng nhất.
    Chùa Hạ là nhà tiền tế, bày các tượng Đức Ông, Thánh hiền. Ống muống để tượng Bát bộ Kim Cương. Chùa Trung bày bàn thờ Phật, hai bên có hai tượng Hộ pháp, tượng Thiên vương. Chùa Thượng hay chùa trên tách biệt hẳn, ở vị trí cao nhất, biển đề Đại Hùng Bảo Điện, đồng thời là nhà thánh, để tượng Di Đà Tam Tôn, Thích Ca, tượng ba kiếp của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, ban thờ Lý Thần Tông còn có một đôi Phượng Hoàng gỗ, hai tượng Phỗng thế kỷ XVIII đời vua Lê Ý Tông.
    Xung quanh chùa có hai dãy hành lang, phía sau có lầu chuông, lầu trống. Phía trước chùa là một sân rộng nhìn ra hồ Long Chiểu, tạo thành hàm của rồng. Trước trồng hai cây gạo, nhưng hiện tại hai cây gạo đã chết, được thay bởi cây đa. Từ sân này có hai cầu là Nhật Tiên Kiều và Nguyệt Tiên Kiều nối sang hai bên, tạo thành hai râu rồng. Hai cầu này do Phùng Khắc Khoan xây vào năm 1602. Cầu Nhật Tiên nối sang một hòn đảo nhỏ, trên đảo có đền thờ Tam Phủ. Cầu Nguyệt Tiên nối vào đường lên núi.
    Giữa ao Long Chiểu có Thủy Đình, là viên ngọc giữa miệng rồng.
    Hội chùa Thầy diễn ra từ ngày mồng 5 đến 7 tháng 3 âm lịch hằng năm, là sự hòa hợp giữa tín ngưỡng dân gian, Phật giáo và Đạo giáo.
    Khu di tích chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách đã được Nhà nước công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2408/QĐ-TTg, ngày 31-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ.