Chùa Vĩnh Nghiêm ở làng Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Chùa được xây dựng vào thời vua Lý Thái Tổ (1009-1028) với tên gọi là chùa Chúc Thánh. Đến thời vua Trần Nhân Tông (1278-1293), chùa được mở mang, trùng tu lại và đổi tên thành chùa Vĩnh Nghiêm. Cuối thế kỷ XIX, chùa thuộc địa phận thôn Đức La nên nhân dân trong vùng còn gọi là chùa La hay chùa Đức La.
Chùa từng là nơi thuyết pháp của Trúc Lâm Tam Tổ (Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang) và là nơi đào tạo, định chức danh cho các tăng sĩ thời Trần. Nơi đây được coi là chốn tổ của thiền phái Trúc Lâm, có vị trí đặc biệt trong lịch sử Phật giáo thời Trần nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung.
Tọa lạc trên một quả đồi thấp, sau lưng là dãy núi Cô Tiên, mặt hướng ra nơi tụ hội của dòng sông Thương và sông Lục Nam, chùa Vĩnh Nghiêm có tổng diện tích khoảng 10.000 m² với lối kiến trúc đăng đối, cân xứng, hài hòa, bao gồm năm tổ hợp chính: Tam quan, Tam bảo, Nhà Tổ đệ Nhất, gác chuông và Nhà Tổ đệ Nhị.
- Tam quan: Chùa được xây bằng gạch, khung cột gỗ, có kiến trúc một gian hai chái với mái chồng diêm hai tầng. Qua Tam quan, theo con đường lát gạch dài hơn 100 m sẽ đến sân trước cửa tòa Tiền đường. Bên trái sân là một tấm bia đá xanh lục giác, đặt trên bệ sen, khắc chữ Hán ghi lại công đức tu sửa chùa vào năm Hoằng Định thứ 6 (1606). Bên phải sân là khu vườn tháp với tám ngọn bảo tháp cổ kính, đặt xá lị của các vị sư tổ trụ trì chùa.
- Tam bảo: được thiết kế theo kiểu chữ Công, bao gồm: Bái đường (chùa Hộ), tòa Thiêu hương và Thượng điện. Bái đường được thiết kế theo lối tàu bẩy, đao lá, mái bốn đao, tám vì kèo kiểu chồng rường, thượng tam hạ tứ. Bên ngoài Bái đường đắp nổi hình cuốn thư được bao quanh bởi những đường viền hồi văn và hoa lá. Tòa Thiêu hương có kiến trúc theo kiểu ba vì kèo, trang trí lộng lẫy bởi ba lớp cửa võng cùng các bức hoành phi, câu đối thiếp vàng. Các tượng Phật trong tòa Thiêu hương được bài trí trang nghiêm, cao dần từ ngoài vào trong. Đi hết Thiêu hương là đến Thượng điện gồm ba gian hai dĩ, có bốn mái đao cong với bờ nóc, bờ chảy gắn gạch hoa chanh hộp rỗng.
- Gác chuông cao hai tầng mái, tầng dưới dùng làm nơi tiếp khách, tầng trên treo một quả chuông đồng lớn, đúc năm Minh Mạng thứ 11 (1830). Bộ khung tầng trên thiết kế theo kiểu vì giá chiêng với bốn mái đao cong. Hàng bẩy tiền và hậu được chạm khắc đơn giản, chủ yếu là hình lá cuộn. Gác chuông là chốn nghỉ ngơi thanh tịnh cho các tín đồ Phật tử cũng như du khách hành hương.
- Nhà Tổ đệ Nhất cũng được thiết kế theo kiến trúc kiểu chữ Công nhưng thấp và nhỏ hơn tòa Tam bảo, với ba nếp nhà: Đại bái, Ông muống và Hậu cung. Bên trong Hậu cung đặt tượng thờ ba vị Tổ khai sáng ra thiền phái Trúc Lâm (ở giữa là Trần Nhân Tông, bên phải là thiền sư Pháp Loa Đồng Kiên Cương (1284-1330) và bên trái là thiền sư Huyền Quang Lý Đạo Tái (1254-1334)). Tại đây còn có một tấm bia lớn nói về việc trùng tu, tôn tạo chùa Vĩnh Nghiêm do Hòa thượng Thích Thanh Hanh (1840-1936) soạn năm Bảo Đại thứ 7 (1932).
- Nhà Tổ đệ Nhị với kiến trúc kiểu chữ Đinh, gồm 14 gian với 72 cột gỗ các loại. Nhà Tổ dài 27,8 m, rộng 14 m, có kết cấu khung gỗ kiểu vì kèo tam giác, thờ các vị sư Tổ trụ trì chùa và những người đã có công gìn giữ, tu bổ chùa.
Đặc biệt, chùa Vĩnh Nghiêm là nơi lưu giữ kho Mộc bản với 3.050 bản ván khắc, trong đó hầu hết là kinh, sách, luật giới nhà Phật, trước tác của Tam thế Tổ và một số vị cao tăng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử (thơ, phú, nhật ký…). Bộ mộc bản được khắc bằng chữ Hán và chữ Nôm không chỉ là tác phẩm thư pháp nghệ thuật tuyệt mỹ mà còn hàm chứa những giá trị tư tưởng, giáo lý sâu sắc của Phật phái Trúc Lâm, đồng thời đánh dấu quá trình phát triển của hệ thống văn tự Nôm qua các thời đại. Ngày 16-5-2012, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Không chỉ nổi bật với công trình kiến trúc đồ sộ, chùa Vĩnh Nghiêm còn được biết đến bởi các giá trị điêu khắc tinh tế, điêu luyện thể hiện qua hệ thống tượng Phật sắp xếp bài bản ở ba khối nhà chính: Tam bảo, Nhà Tổ đệ Nhất và Nhà Tổ đệ Nhị. Ngoài ra, chùa còn có nhiều bức hoành phi, câu đối; hệ thống văn bia với tám tấm bia ghi lại toàn bộ tiến trình lịch sử và phát triển của trung tâm Phật giáo Vĩnh Nghiêm.
Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm được tổ chức vào ngày 14 tháng Hai âm lịch hằng năm. Trong ngày hội, các tăng ni ở chùa thắp hương tụng kinh, niệm Phật ở Tam bảo, Nhà Tổ đệ Nhất và Nhà Tổ đệ Nhị. Đồng thời cũng thỉnh chuông hoằng dương Phật pháp vào lúc sớm, tối trong ngày. Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 3084/QĐ-BVHTTDL.
Ngày 23-12-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2367/QĐ-TTg, xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật chùa Vĩnh Nghiêm là Di tích quốc gia đặc biệt.