Về nhận thức: Trong nhận thức dân gian, người Việt quan niệm rằng con người có hai phần: phần xác và phần hồn. Hai phần này vừa gắn bó, vừa tách biệt với nhau. Khi con người còn sống, hồn nhập vào xác điều khiển hành vi của con người. Khi con người chết đi, phần hồn rời khỏi phần xác; thể xác của họ hòa vào cát bụi, phần hồn vẫn tồn tại và chuyển sang sống ở một thế giới khác (cõi âm). Ở cõi âm (được mô phỏng từ cõi dương), mọi linh hồn đều có các nhu cầu như cuộc sống nơi trần thế.
Các yếu tố tâm lý khác:
Sự sợ hãi: Trong cuộc sống, con người còn gặp nhiều khó khăn, rủi ro, bất hạnh, sa cơ, lỡ vận, bệnh tật hiểm nghèo… luôn đe dọa sự bình an của con người. Con người thiếu tự tin vào chính bản thân khi phải đối mặt giải quyết các vấn đề trên trong cuộc sống của chính mình. Họ luôn mong muốn có sự giúp đỡ của các thế lực khác nhau, trong đó họ cần đến sức mạnh của ông bà gia tiên ở thế giới bên kia che chở, nâng đỡ. Từ quan niệm dân gian về linh hồn, người ta cho rằng, nếu không cúng tế linh hồn ông bà gia tiên đầy đủ thì những linh hồn này trở thành ma đói và sẽ mang lại rủi ro, quấy nhiễu cuộc sống của những người đang sống. Đồng thời, ở chế độ phụ hệ, quyền lực của người đàn ông, nhất là gia trưởng, tộc trưởng, đã làm nảy sinh ở phụ nữ và con cháu sự quy thuận lẫn cảm giác sợ hãi. Tâm trạng này không chỉ tồn tại ở vợ và con cháu khi họ đang sống, mà cả khi họ đã chết. Trong cuộc sống của mỗi con người, càng về già, cái chết luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với mỗi người. Con người không muốn nó diễn ra, ngay cả khi họ có cuộc sống nơi dương thế luôn gặp khó khăn và trắc trở, nhưng họ lại luôn phải đối mặt với nó. Thực hiện các lễ nghi thờ cúng gia tiên trong không gian thiêng liêng, mỗi người được trải nghiệm và cũng như một lần được chuẩn bị tâm thế chấp nhận cái chết một cách thanh thản, bình tĩnh và nhẹ nhàng hơn.
Sự kính trọng, biết ơn: Nỗi lo sợ bị trừng phạt của con người không phải là yếu tố duy nhất và chủ yếu dẫn đến sự hình thành và phát triển tín ngưỡng thờ cúng gia tiên của người Việt. Nếu chỉ vì sợ hãi mà con người phải thờ cúng thì tín ngưỡng thờ cúng gia tiên đã không thể tồn tại lâu bền và đầy giá trị nhân văn như vậy. Yếu tố tâm lý có vai trò quyết định trong việc duy trì tín ngưỡng thờ cúng gia tiên của người Việt là sự tôn kính, biết ơn đối với các thế hệ trước, là tình yêu và lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ.
Ảnh hưởng của một số tư tưởng tôn giáo đến tín ngưỡng thờ cúng gia tiên ở Việt Nam:
Ảnh hưởng của tư tưởng Khổng giáo (Khổng giáo do Khổng Tử sáng lập): Tư tưởng của đạo Khổng đề cao chữ hiếu và coi đó là nền tảng của đạo làm người. Theo Khổng Tử, sự sống của mỗi con người không phải do tạo hóa sinh ra, càng không phải do bản thân tự tạo, mà nhờ cha mẹ. Sự sống của mỗi người gắn liền với sự sống của cha mẹ, sự sống của cha mẹ lại gắn liền với sự sống của ông bà, và cứ như vậy, thế hệ sau là sự kế tiếp của thế hệ trước. Vì thế, con người phải biết ơn không chỉ với cha mẹ mà cả đối với thế hệ gia tiên trước đó.
Ảnh hưởng của tư tưởng Đạo giáo (Đạo giáo do Lão Tử và Trang Tử khởi xướng): Trong quan niệm của Lão Tử và Trang Tử, bản chất của “Đạo” là nguồn gốc của vạn vật trên thế giới, là quy luật vận động của tự nhiên, và được hai ông diễn tả như một thứ huyền bí, một nguyên lý tối cao vô hình. Trong Đạo giáo, nhiều nhân vật thần tiên có dáng dấp của con người được xây dựng. Thần tiên của Đạo giáo chính là những cá nhân đã được tôn vinh thành những nhân vật trường sinh bất tử, ở nơi bồng lai tiên cảnh, sống cảnh an nhàn, lại rất thần thông quảng đại, có thể cưỡi mây, đạp gió, làm được những việc phi thường mà con người trần tục không thể làm được. Viễn cảnh thần tiên ấy đã trở thành niềm mơ ước, khát vọng của rất nhiều người đang sống ở một thế giới mà Phật giáo cho là “biển khổ.” Nếu như Khổng giáo đặt nền tảng lý luận về giá trị đạo đức, về trật tự kỷ cương xã hội cho tín ngưỡng thờ cúng gia tiên của người Việt, thì Đạo giáo góp phần củng cố niềm tin vào sự tồn tại và năng lực siêu nhiên của linh hồn những người đã chết thông qua một số nghi lễ thờ cúng như: gọi hồn, bùa chú, ma chay, tang lễ, mồ mả và đốt vàng mã.
Ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo: Phật giáo có ảnh hưởng rất lớn đến sự giữ gìn và phát triển tín ngưỡng thờ cúng gia tiên ở Việt Nam, trước hết là quan niệm của Phật giáo về cái chết, về kiếp luân hồi và nghiệp báo,… Phật giáo cho rằng, sống chết là quy luật tất yếu của thế gian, giống như mặt trời lặn rồi lại mọc, mọc rồi lại lặn mà thôi. Sống và chết chỉ có nghĩa là thay đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác. Chết là bắt đầu của một chu kỳ sống mới, một kiếp sống mới. Theo Đạo Phật, không có kiếp sống đầu và kiếp sống cuối cùng. Sau khi chết, linh hồn con người sẽ được tái sinh, đầu thai vào một kiếp khác. Kiếp đó hạnh phúc hay đau khổ tùy thuộc vào bản thân họ đã sống thiện hay ác trong quá khứ. Những tư tưởng cơ bản của Phật giáo có ảnh hưởng lớn lao đến sự phát triển của tín ngưỡng thờ cúng gia tiên của người Việt, nhưng không vì thế mà nó là sự sao chép y nguyên tư tưởng của Phật giáo. Người Việt Nam quan niệm rằng, cha mẹ và gia tiên luôn lo lắng và quan tâm cho con cái ngay cả khi họ đã chết. Người sống chăm lo đến linh hồn người chết, và vong hồn người chết cũng quan tâm đến cuộc sống của người đang sống.