Cách Thiết Lập Bàn Thờ Gia Tiên

Tín ngưỡng thờ gia tiên

  • Nguồn gốc của tín ngưỡng thờ cúng gia tiên:
    Theo quan niệm của người Việt, con người có phần hồn và phần xác. Sau khi chết đi, linh hồn sẽ tách khỏi thể xác: “thác là thể phách, còn là tinh anh”. Sự tin tưởng vào linh hồn bất diệt và sống trong thế giới u minh, hay cõi âm, là một niềm tin có nguồn gốc sâu xa và rất phổ biến trong hầu hết các dân tộc tiền sử. Người tiền sử đối xử với người chết như khi họ còn sống và tin rằng linh hồn họ luôn quanh quẩn bên người nhà để giúp đỡ và che chở cho những người ruột thịt. Những linh hồn ấy sống trong cõi âm nhưng vẫn quanh quẩn ở dương thế dù mắt người không nhìn thấy, gọi là ma. Tục thờ linh hồn người chết này có từ rất sớm và tạo nên bản sắc tín ngưỡng truyền thống của Việt Nam. Qua thời gian, tục này có thay đổi nhưng trên cơ sở tin tưởng vào sự bất tử của linh hồn gia tiên thì vẫn không suy chuyển.

    Tín ngưỡng thờ cúng gia tiên là một tín ngưỡng phổ biến ở các nước Đông Nam Á. Khi bị văn hóa ngoại lai xâm nhập, tiêu biểu là Nho, Lão, Phật, tín ngưỡng này không mất đi, nhưng lại biến đổi lớp vỏ ngoài và khiến cho văn hóa Hán phải thích ứng với tín ngưỡng cổ.

    Về cơ bản, quan niệm duy lý của Nho giáo về siêu hình là công nhận có linh hồn, có quỷ thần, nhưng không đặt nặng suy tư vào đó; kính quỷ thần nhưng xa lánh. Tuy nhiên, khi áp dụng vào đời sống, lại thờ người chết như đối với người sống (“sự tử như sự sinh”), tức coi người chết vẫn còn hiện diện với đầy đủ ý thức, tâm tình như người sống và nhất là có khả năng làm được nhiều điều mà người sống bị hạn chế. Biến thái cao nhất của tục thờ cúng gia tiên là những người đại diện cho Nho giáo đã chủ trương tôn vinh những người có công đức lúc sống bằng việc ban tên thụy, tế lễ long trọng trong tang ma, ban tiền bạc và ruộng tế để con cháu thờ phụng. Không thể nói đó là thủ đoạn chính trị để mua sự trung thành, mà phải nghĩ rằng triều đình cũng chia sẻ niềm tin rằng vong hồn của những bề tôi vẫn luôn bên cạnh giúp đỡ vua như khi còn sống.

    Nói đến đạo Nho là phải nói đến chữ Hiếu. Con hiếu với cha mẹ không chỉ khi còn sống mà ngay cả khi cha mẹ đã chết. Một vị quan lớn trong triều đình, khi gặp tang cha mẹ, cũng phải xin nghỉ để cư tang, có khi còn dựng lều bên mộ để gần gũi vong hồn. Ngày nay, chúng ta có thể coi việc đó là cổ hủ, nhưng thực ra nó cũng tương tự như tục thờ ma của một số bộ tộc ở vùng thượng du hay cao nguyên, nơi người thân chết được đặt vào áo quan làm từ thân cây đục rỗng, dựng ở góc nhà như thể người thân vẫn còn bên cạnh. Sau một thời gian lâu mới đem chôn.

    Quan niệm rằng người chết đi sang một thế giới khác nhưng vẫn sinh hoạt như khi còn sống dẫn đến việc thân nhân lo chu toàn cho người chết, đảm bảo rằng họ không gặp khó khăn, thiếu thốn ở thế giới mới. Việc tùy táng do đó có tính chất phổ quát, không chỉ ở Việt Nam mà còn xuất hiện ở nhiều dân tộc khác từ rất lâu đời, và vẫn còn tồn tại đến ngày nay, dù có một số thay đổi về chi tiết.

    Khi xã hội phát triển thành một nền nông nghiệp định cư trên địa bàn rộng lớn, tục thờ cúng gia tiên cũng phát triển song song với sự hình thành gia tộc rộng rãi. Lúc này, quyền hạn và bổn phận riêng của gia tộc và cộng đồng bắt đầu xuất hiện. Những sinh hoạt tâm linh cũng thay đổi theo chiều hướng thích hợp với xã hội mới; điều gì không hợp sẽ bị đào thải. Tục thờ cúng gia tiên là sự chuyển hóa quan trọng từ tín ngưỡng thờ linh hồn, và nó trở thành nền tảng cho tổ chức gia đình, lớn hơn là họ hàng trong xã hội định cư.

    Người ta rất khó chứng minh sự hiện hữu của vong hồn người thân, nhưng vẫn tin tưởng vững chắc rằng chết chưa phải là hết. Vong hồn vẫn sống cùng gia tộc, tuy thiêng liêng hơn, và có thể làm hại hoặc phù hộ cho gia đình. Sự tin tưởng này mang yếu tố của thời đại và xã hội.

    Thờ cúng gia tiên không thuộc phạm trù triết học để bàn cãi rồi tin hay không tin. Nó đã trở thành một phần bản chất của nhân loại. Tùy theo địa phương và thời đại, biểu hiện có thể khác nhau, nhưng bản chất vẫn là sự thương yêu và đùm bọc người thân trong gia đình, lan rộng đến họ hàng.

    Cụ Phan Bội Châu, người chủ trương Duy tân, từng khẳng định rằng cần duy trì nền tảng gia đình với tục lệ thờ cúng gia tiên. Cụ dạy rằng dù nền Nho học đã lỗi thời, việc thờ cúng gia tiên vẫn phải được duy trì, như chất keo sơn gắn chặt các thành viên trong gia đình và kết hợp thành tinh thần đoàn kết dân tộc.

    Tục thờ cúng gia tiên tuy có nguồn gốc từ tín ngưỡng cổ sơ, nhưng qua thời gian và địa phương, nghi thức và phạm vi của nó thay đổi, biểu lộ rõ sự tiến bộ trong tổ chức xã hội nông nghiệp.

    Thờ cúng gia tiên thường được giao cho một người thừa tự trong gia đình, chịu trách nhiệm chăm sóc bàn thờ, thắp hương cúng vái và tổ chức ngày giỗ để con cháu tụ họp đông đủ. Ngày giỗ lớn hay nhỏ tùy theo ngôi vị trong gia tộc. Những người chết trẻ, được coi là linh thiêng, được gọi là bà cô hoặc ông mãnh.

    Có một thời, do ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, một số người cho rằng tục thờ cúng gia tiên là mê tín, không hợp lý. Nhưng từ tín ngưỡng thờ linh hồn sơ khai, thờ cúng gia tiên đã phát triển thành đạo với đầy đủ đức tin và nghi thức, góp phần tạo nên sức mạnh tinh thần cho gia tộc.

    Có thể nói, tín ngưỡng thờ cúng gia tiên và huyết thống chỉ thực sự ra đời và phát triển trong thời kỳ thị tộc phụ hệ, khi xã hội nông nghiệp định cư ngày càng lớn mạnh.