Lễ giỗ Đức Khai trấn Mạc Cửu (Kiên Giang)

Lễ giỗ Đức Khai trấn Mạc Cửu được nhân dân thị xã Hà Tiên long trọng tổ chức hằng năm trong ba ngày, từ ngày 25 đến 27 tháng Năm âm lịch. Mạc Cửu là người có công đầu trong việc khai phá nên vùng đất Hà Tiên cách đây đã hơn 300 năm. Mùa thu năm Mậu Tý 1708, ông dâng biểu xưng thần, thuần phục chúa Nguyễn xin sáp nhập đất Hà Tiên vào nước Đại Việt. Ghi nhận công lao to lớn của Mạc Cửu, ngay sau khi ông qua đời, triều đình nhà Nguyễn đã truy phong cho ông tước vị “Khai trấn Thượng Trụ Quốc, Đại tướng quân Vũ Nghị Công.” Sau đó, vào năm Minh Mạng thứ 3, vua Minh Mạng đã ban sắc tiếp tục truy phong thêm tước vị cho ông là Thụ Công – Thuận Nghĩa – Trung Đẳng Thần. Tưởng nhớ công lao của Mạc Cửu, lễ giỗ của ông được nhân dân tổ chức hằng năm. Để ghi nhớ công lao của ông, sau khi ông mất, nhân dân Hà Tiên đã lập đền thờ phụng và tổ chức lễ giỗ ông hằng năm.

Phần Lễ diễn ra tại đền thờ họ Mạc dưới chân núi Bình San và công viên tượng đài Mạc Cửu, gồm các nghi lễ truyền thống như: rước Sắc Thần, lễ cúng tế chánh bái, đọc sắc phong, lễ cúng Tiền hiền, Hậu hiền… Tâm điểm của phần Lễ là nghi thức lễ thỉnh sắc. Điểm xuất phát của lễ thỉnh sắc bắt đầu từ đền thờ họ Mạc đến tượng đài Mạc Cửu dưới chân núi Tô Châu. Phần Hội gồm nhiều hoạt động văn hóa, thể thao như: đua xe đạp, thi đấu cờ tướng, biểu diễn võ thuật, biểu diễn lân sư rồng, biểu diễn văn nghệ và các trò chơi dân gian…

Với những hoạt động phong phú và đa dạng, lễ giỗ Đức Khai trấn Mạc Cửu đã trở thành lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa của vùng đất Hà Tiên, thể hiện lòng tri ân đối với bậc tiền nhân có công khai khẩn và bảo vệ vùng đất Hà Tiên, giáo dục và phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ.