Hằng năm vào những ngày 26, 27, 28 tháng Tám âm lịch, người dân khắp nơi tụ về thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, nơi có ngôi đình thần thờ cụ Nguyễn Trung Trực, dự lễ giỗ, thắp nén hương tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ đến công lao của người anh hùng áo vải. Huyện Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang chính là mảnh đất nơi vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh. Tưởng nhớ công lao của ông, nhân dân đã lập đền thờ Nguyễn Trung Trực trên đường Nguyễn Công Trứ, nằm ở phía tây trung tâm thành phố Rạch Giá.
Ngôi đình được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia, có kiến trúc theo kiểu chữ Tam, gồm: chánh điện, Tây Lang và Đông Lang. Bên trong chánh điện có ba ngai thờ chính. Chính giữa là ngai thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực; bên trái thờ Đức Phó cơ Nguyễn Hiền Điều, Phó lãnh binh Lâm Quang Ky; bên phải thờ thần Nam Hải; trước cửa có lăng mộ cụ Nguyễn Trung Trực. Ngoài ra, tại đây còn có nhà trưng bày thân thế và sự nghiệp của cụ Nguyễn.
Từ đầu tháng Tám âm lịch, nhân dân khắp nơi đã đến đình làm công đức. Truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc ta thể hiện rất rõ qua tấm lòng của nhân dân đối với cụ Nguyễn.
Lễ hội Nguyễn Trung Trực gồm hai phần: phần Lễ trang trọng và thành kính theo nghi thức cổ truyền như: lễ dâng hương, lễ thượng cờ, thỉnh sắc thần, an vị niệm hương, lễ thỉnh an vị thần, lễ tế đàn cả, lễ tế cụ Nguyễn, lễ rước sắc thần từ cổng tam quan về đình, lễ dâng hoa; phần Hội có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian sôi động, hấp dẫn như: đua xuồng, đập nồi, biểu diễn võ thuật, chơi cờ người, thi múa lân – sư – rồng, thả đèn hoa đăng… Nét độc đáo và riêng biệt của lễ hội truyền thống Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực là những người đến đình cúng, viếng, chiêm bái không chỉ được ăn, uống, xem văn nghệ miễn phí, mà còn được ngủ nghỉ, khám bệnh, bốc thuốc miễn phí.
Lễ hội Nguyễn Trung Trực có sức lan tỏa ngày càng lớn, từ lễ giỗ nay đã trở thành một lễ hội truyền thống đặc sắc của người dân Nam Bộ.