Mbăng Katê là lễ hội quan trọng, có quy mô lớn, kéo dài nhiều ngày của người Chăm ở tỉnh Bình Thuận. Đây được coi là lễ Tết, đồng thời là dịp để người Chăm tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, các vị thần linh, nữ thần Pônagar, các vị vua có công phát triển nông nghiệp như Pô Klông Garai, Pô Rômê đã được thần hóa, và cúng tổ tiên, ông bà.
Lễ Mbăng Katê được tổ chức vào đầu tháng 7 lịch Chăm (tương đương tháng Tám, tháng Chín âm lịch) tại các lăng, tháp Pô Klông Mơnai (Phan Rí), sau đó dân làng chuyển về từng gia đình tổ chức lễ cúng tổ tiên trong ba ngày.
Người Chăm rất coi trọng đời sống tình cảm, vì vậy đây cũng là dịp để người Chăm tổ chức gặp mặt, thăm viếng những người thân tộc, bạn bè, những người sống ở xa cũng thu xếp để về cùng sum họp.
Lễ hội diễn ra rất long trọng. Các già làng của người Raglai sống ở Đông Trường Sơn thuộc tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận dẫn đầu đoàn người xuống tham gia tổ chức lễ. Vào những năm được mùa, đoàn người Raglai xuống dự càng đông. Họ mang theo vương miện, y phục của vua Chăm cùng những bảo vật và phẩm vật dâng cúng về nơi lăng, tháp để dâng lên các thần.
Buổi tối trước ngày chính hội có nghi lễ trình y phục. Ông thầy Cả Pasêh cùng với những người trong ban lễ làm lễ để xin được thỉnh lễ phục cùng các đồ lễ khác đưa lên lăng, tháp. Vật phẩm dâng cúng gồm có: trứng gà, trầu, rượu, bánh, trái cây. Sau lời khấn của chủ lễ, ông Kadhar (thầy kéo đàn Kanhi và hát lễ ca) vừa kéo đàn vừa hát ca ngợi công đức của nhà vua và các vị anh hùng có công khác. Trong tiếng nhạc rộn ràng, những người đi theo khấn cầu, sau đó có múa dâng lễ. Lễ thỉnh y phục kéo dài đến khuya mới chấm dứt.
Sáng hôm sau – ngày chính hội, lễ rước y phục nhà vua từ dank (nơi để đồ lễ của vua) lên lăng, tháp được tiến hành với đám rước khổng lồ, náo nhiệt. Phần Lễ và Hội diễn ra song song, theo trình tự và rất quy mô như: lễ mở cửa tháp Pơh Yang, lễ tắm tượng, mặc áo, đội mũ cho tượng, dâng rượu và các lễ vật… Cuộc lễ có thể kéo dài nhiều tiếng đồng hồ. Trong lúc đó, quanh khuôn viên đền tháp, khách tập hợp từng nhóm: chỗ này hát lễ, cầu kinh, dâng cúng; chỗ kia đàn hát, ngâm thơ; chỗ khác thì những người lâu ngày mới gặp, tập hợp nhau lại để hàn huyên… Khoảng 3, 4 giờ chiều thì lễ cúng ở lăng, tháp kết thúc. Các đoàn rời khỏi lăng, tháp để về các xóm, các làng, buổi tối tham dự các cuộc ngâm thơ, chơi nhạc và nhiều trò giải trí khác. Những người Chăm theo đạo Bà La Môn bắt tay vào việc tổ chức cúng ông bà, tổ tiên tại gia đình mình. Lúc này, người ta thăm viếng nhau, cùng vui chơi, làm những món ăn dân tộc để đãi khách. Nhiều trò vui chơi được tổ chức kéo dài trong ba ngày liền.