Lễ hội vua Mai Thúc Loan diễn ra trong ba ngày từ 13 đến 16 tháng Giêng âm lịch hằng năm, tại khu mộ vua ở xóm Hà Long, xã Vân Diên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, để tưởng nhớ công tích của Mai Thúc Loan – vị vua đã có công lãnh đạo nhân dân ta nổi dậy chống lại ách thống trị hà khắc của nhà Đường, lập nên nhà nước Vạn An độc lập, tự chủ ở thế kỷ VIII (722-726).
Lễ hội chia thành hai phần Lễ và Hội rõ rệt. Ở phần Lễ, các làng trong vùng rước kiệu về đền Vua Mai để hội tế theo nghi lễ của triều đình, gồm có: lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ dâng hương, lễ tạ,…
Phần Hội có các trò chơi dân gian truyền thống như: đấu vật, đua thuyền, hát văn, hát đối, hát ví, đánh đu, leo cột mỡ, đi cà kheo, cướp cờ, đánh cờ,… Trong đó, đua thuyền là trò vui vẻ và độc đáo nhất, còn các trò chơi như đấu vật, hát đối, đánh đu là kéo dài ngày nhất.
Ngày nay, trong phần Hội của Lễ hội, ngoài các trò chơi dân gian còn có các hoạt động văn hóa, văn nghệ – thể thao khác như: múa, hát, chiếu phim, triển lãm các chuyên đề lưu động, bóng đá, bóng chuyền; tổ chức tham quan các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh ở quanh khu vực lễ hội như di tích Kim Liên, di tích tưởng niệm cụ Phan Bội Châu, mộ đồng chí Lê Hồng Phong, khe Bò Đái, bến Sa Nam,…
Thông qua lễ hội, các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên sẽ hiểu rõ được cội nguồn của dân tộc, công lao đức độ của Vua Mai cùng các tướng lĩnh của ông. Các giá trị truyền thống như: yêu nước, đoàn kết cộng đồng, hiếu học đã được nhắc lại và trao quyền cho các thế hệ trẻ. Mặt khác, lễ hội góp phần giúp mọi người tìm hiểu, thưởng ngoạn các giá trị văn hóa thông qua các di tích đền thờ, lễ hội Vua Mai, phát huy văn hóa truyền thống và phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc ta.