Hội kéo song Hương Canh (Vĩnh Phúc)

Trò chơi kéo song từ xưa được nhiều làng thuộc huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức trong lễ hội đầu xuân như: Ngoại Trạch, Quất Lưu, Sơn Lôi, Thanh Lãng,… Nhưng duy trì được trò chơi ấy trở thành lễ hội như ngày nay thì chỉ còn lại ở Hương Canh. Từ mùng 3 đến 5 tháng Giêng âm lịch, người Hương Canh lại tổ chức Hội thi kéo song. Năm nào các đội kéo song chưa phân thắng bại thì hội kéo song kéo dài đến mùng 9.

Địa điểm kéo song được cố định ở bãi đất song song với Cầu Treo, sát mép sông Cà Lồ, bên đường quốc lộ số 2. Bãi dài khoảng 150m, rộng chừng 20m, xung quanh đào hào sâu 1m, rộng 4m, khơi nước sông thành rãnh ngăn cách. Đấu thủ, trọng tài và người chỉ huy có lối vào riêng bằng một cây cầu tự làm.

Bước vào ngày lễ hội, các đội tập trung tại điếm thờ thần Hậu Thổ ở khu vực mình. Các bậc trưởng lão sẽ đại diện cho đội dâng lễ vật, thắp hương khấn cầu thần phù hộ cho đội mình thắng trận. Rồi các đội tập trung tại đình Hương Canh, các trưởng lão làm nghi lễ thắp hương khấn trình trong đình, sau đó Ban Tổ chức cho các đội bốc thăm để chọn màu áo, nhận sân bãi, chia bảng và lịch thi đấu. Cả Hương Canh có 4 đội kéo song, mỗi đội phải kéo ba lượt với các đội bạn, thành 12 trận, mỗi trận 3 hiệp, mỗi hiệp 20 phút. Mỗi bên cử 23, 25, 27, 29 hoặc đến 31 tráng đinh vào kéo. Các tráng đinh đầu bịt khăn đỏ, lưng thắt đai đỏ.

Người ta chia hai đội bằng một cột lim hoặc cột gỗ báng súng dài 3m, chôn chặt song còn cao từ 1,2m đến 1,5m so với mặt đất. Trên thân cột cao chừng 0,8m đến 1m có đục thủng một lỗ tròn, to bằng miệng chén, rồi luồn dây song vào đó. Chính giữa dây song, người ta khoanh một vòng tròn đỏ, đặt trong lỗ cột, chia dây song thành hai phần bằng nhau. Dây bên nào bị rút qua lỗ quá vệt đỏ 50cm là bên ấy thua. Người kéo song phải ngồi từng đôi theo đúng vị trí quy định của sự sắp xếp. Người ta đào hố cho từng cặp đối thủ ngồi, rộng 1,2m, dài 1,4m, chéo xuống như bậc thang, để vừa có chỗ ngồi, vừa có chỗ duỗi thẳng cả hai chân, đạp hết sức vào thành hố. Hố nọ cách hố kia 1,5m. Muốn kéo kiểu gì, thì người kéo cũng chỉ được ngồi hay nằm trong hố của mình. Riêng cặp đầu tiên của cả hai bên đều có thể đứng, co chân đạp vào cọc để thêm lực đẩy. Người cuối cùng nắm đoạn cuối dây song, ngồi một mình ở một hố bé hơn. Đoạn dây cuối cùng mà dài ra và được nâng chỏng lên là đội ấy thắng.

Người chỉ huy đóng vai trò rất quan trọng vào chiến thắng của đội, mỗi đội có một tướng và hai sĩ, tướng đứng sát cột mốc, giáp mặt với tướng bên kia; một sĩ đứng giữa dây và một sĩ đứng cuối dây nhận lệnh của tướng và thông báo tình hình trận đấu bằng các kiểu phất cờ đã thống nhất bí mật từ trước, để bên kia không giải được mật mã nhằm mục tiêu chiến thắng đối phương. Mỗi đội chơi đều nghĩ ra nhiều chiêu trò để cho đối phương mệt mỏi, mất cảnh giác để thừa cơ rút mạnh giành thắng lợi.

Nét độc đáo của hội thi kéo song là người kéo song phải kẹp dây vào nách. Một người kẹp nách trái, một người kẹp nách phải, hai tay nắm cùng một khúc dây. Lúc kéo, họ đạp thẳng chân vào thành hố, ngả người ra. Hai người ngồi thành cặp, ngoắc đầu vào nhau, hợp lực để kéo. Động tác được phối hợp nhịp nhàng, nhanh nhạy, chính xác theo cờ hiệu của người chỉ huy. Vì vậy, trò kéo song vừa có tính tập thể, vừa thể hiện tinh thần đoàn kết và biểu dương sức mạnh và mưu trí của dân chúng trong vùng.

Do sự hấp dẫn của trò chơi, nên cứ đến những ngày hội, người dân trong và ngoài vùng lại nô nức kéo đến địa điểm thi kéo song ở Hương Canh, huyện Bình Xuyên để thưởng thức môn thể thao cổ truyền và cổ vũ tinh thần cho các đội chơi.