Lễ hội xuân chùa Hang – Định Hóa (Thái Nguyên)

Chùa Hang là một quần thể kiến trúc gồm: hang Trên, miếu Mẫu, nhà Tam quan, hang Dưới. Trong hang có nhiều nhũ đá với hình dáng đa dạng. Điểm độc đáo của hang là bên trong có nhiều điểm nước chảy, lâu ngày tạo nên những “ruộng cô tiên”, có bàn thờ Phật, một tấm bia cổ thời Nguyễn và một quả chuông cổ. Di tích Chùa Hang còn gắn với nhiều sự kiện lịch sử, là nơi Bác Hồ từng ở và làm việc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Lễ hội xuân Chùa Hang diễn ra vào ngày 14 tháng Giêng âm lịch hằng năm, tại xóm Đồng Chùa, thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Đây là lễ hội xuân độc đáo của đồng bào các dân tộc ở Định Hóa, mang ý nghĩa tạ ơn trời đất, cầu cho mưa thuận gió hòa, bản làng ấm no, hạnh phúc, cây cối tốt tươi, đâm chồi nảy lộc,…

Lễ hội mở đầu bằng nghi lễ dâng hương, hoa lên Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với đó là màn trống hội rộn rã và rước kiệu từ chùa Hang ra đình Quan Đế. Trong phần Lễ, người dân địa phương cũng dâng những mâm lễ mặn để tạ ơn các vị Thần Đất, Thần Sông, Thần Suối,…

Phần Hội diễn ra với các trò chơi dân gian đặc sắc, mang bản sắc các dân tộc địa phương như: đi khà kheo, ném còn, chọi gà, tung vòng cổ vịt, bắt trạch trong chum, múa sạp,… Ngoài ra, khách tham dự Lễ hội còn có thể tham gia leo núi, khám phá hang sâu và chiêm ngưỡng nhiều thắng cảnh đẹp trong quần thể di tích.