Lễ hội ông Đùng – bà Đà là một lễ hội truyền thống gắn liền với sự tích bà chúa Muối, được tổ chức vào ngày 14 tháng Tư âm lịch hằng năm tại Đền thờ bà chúa Muối thuộc làng Quang Lang, xã Thụy Vân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Lễ hội là nơi gửi gắm ước vọng của những người dân làng muối về sự sản sinh, sinh sôi, dồi dào.
Theo sách xưa chép lại, bà chúa Muối có tên thật là Nguyễn Thị Nguyệt Ảnh, sinh năm Canh Thìn (1280) tại trang Quang Lang, huyện Thụy Vân, phủ Thái Bình (nay là xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) trong một gia đình làm nghề muối. Bà nổi tiếng là người rất mực thông minh, xinh đẹp, tính hạnh đoan trang. Trong một lần giúp gia đình đi bán muối, bà gặp vua Trần Anh Tông. Cảm mến vì dung nhan xinh đẹp, tính tình hiền hậu của bà, vua Trần Anh Tông đã chọn bà làm vợ ba. Tuy sống trong hoàng cung nhung lụa nhưng bà vẫn không nguôi nhớ về gia đình. Vua Trần đành sai người đưa bà trở lại quê hương. Về sau, bà lâm bệnh nặng và qua đời vào ngày 14 tháng Tư năm Mậu Tuất. Nhà vua hay tin rất luyến tiếc, xót thương, đã sắc phong làm phúc Thần; người dân sở tại lập đền thờ Chúa để nhắc nhở con cháu đời sau tưởng nhớ công lao của bà.
Lễ hội đặc sắc với điệu múa ông Đùng, bà Đà mang đậm chất folklore nhằm cầu mong sự sinh sôi, thịnh vượng. Hình tượng ông Đùng, bà Đà được làm bằng tre mỏng, đan theo kiểu mắt cáo. Thân hình cao tới 1,5-2m, hình chóp nón, đường kính phía dưới rộng, đủ cho một người chui lọt vào. Sáng sớm ngày 14 tháng Tư âm lịch, các thôn trong làng mang những hình nộm ông Đùng, bà Đà vào Đền thờ bà chúa Muối để tiến hành các nghi thức tế lễ một cách nghiêm trang, thành kính.
Tục chính của Lễ hội là màn múa Đùng diễn ra vào lúc nhập nhoạng tối cùng ngày. Trong khi múa, người ta xướng vang những câu tụng ca công đức của bà chúa Muối như: “Lạy chúa! Muối của chúa năm nay được mùa lắm! Lạy chúa, lạy chúa…”.
Trong Lễ hội, các hình nộm mang cả dáng dấp ông Đùng và bà Đà. Khi múa, lúc nghiêng ngả, quay sang phải, sang trái với ý nghĩa để cho ông bà có cơ hội “bày tỏ” tình cảm vui mừng với nhau. Các vai ông Đùng, bà Đà phải phối hợp sao cho những lần giáp mặt, thân chập vào nhau. Người Quang Lang giải thích đó là lúc ông bà đang “ăn nằm” với nhau. Sau đó, đoàn múa ra khỏi Đền và đi quanh làng, các Đùng con quấn quýt xung quanh Đùng mẹ. Dân làng đi theo nhộn nhịp, vừa đi vừa hát múa. Lúc đám rước quay về tới Đền, dân làng chen chúc nhau để lấy cho được một nan nứa trên hình nộm hai ông bà về cắm vào ruộng, vào vườn, trên thuyền để lấy may.