Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
- Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
- Con kính lạy Hoàng thiên hậu thổ, chư vị Tôn thần.
- Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.
- Con kính lạy Tổ tiên, Hiển khảo, Hiển tỷ, chư vị Hương linh (nếu bố mẹ còn sống thì thay bằng Tổ khảo, Tổ tỷ).
Tín chủ chúng con là:
Ngụ tại:
Hôm nay là ngày Đoan Ngọ, chúng con sửa sang hương đăng, sắm sanh lễ vật, hoa đăng, trà quả dâng lên trước án.
Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành hoàng, chư vị Đại vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long Mạch, Tài thần, cúi xin các ngài giáng lâm trước án chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các cụ Tổ khảo, Tổ tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ… cúi xin các vị thương xót con cháu chứng giám tấm thành, thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời các vị Tiền chủ, Hậu chủ tại nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng, độ cho chúng con thân cung khang thái, bản mệnh bình an, bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng bình an thịnh vượng.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Tết Trung Nguyên
Tiết Trung Nguyên còn có những tên gọi khác như Tết Vu lan, Vũ lâm, hoặc gọi nôm na như dân ta thường nói là “ngày xá tội vong nhân,” được tổ chức vào ngày 15 tháng 7 âm lịch hàng năm.
Tiết Trung Nguyên của Việt Nam vừa có những yếu tố thuộc nguồn gốc văn hóa Ấn Độ (qua Phật giáo), vừa có những yếu tố thuộc nền văn hóa, tín ngưỡng Trung Hoa.
Dù xuất xứ từ đâu, với người Việt Nam, Tiết Trung Nguyên là dịp “xá tội vong nhân” nơi địa phủ. Người dân thường có niềm tin rằng vào dịp mùng 10 tháng 7 hàng năm thì mọi tội nhân, trong đó có những vong linh của gia đình, tộc họ mình đang bị giam cầm nơi địa ngục được dịp ra khỏi âm phủ lên dương gian.
Nhân dịp này, các gia đình làm lễ dâng hương, cúng các đồ hàng mã cho người thân đã khuất của gia đình mình như: quần áo, mũ, giày, tiền hàng… Ngày nay, nhiều người còn cúng cả xe máy, nhà ở, ô tô… (bằng hàng mã) cho các vong linh!
Nhân dịp này, tại các chùa cũng thường tổ chức dâng hương lớn. Dù là cúng dâng hương tại gia hay tại chùa, người ta đều không quên cúng các vong linh không nơi nương tựa, hay còn gọi là cúng các cô hồn. Vật phẩm thường là những thứ rẻ tiền, những đồ ăn của người nghèo như: cháo hoa múc ra các lá đa hoặc để cả nồi, khoai lang luộc, ngô rang, bánh đa, đĩa muối, đĩa gạo, tiền vàng…
Cúng các cô hồn không nơi nương tựa cũng được gọi là “cúng chúng sinh,” được thực hiện ngoài trời, ngoài cửa, chứ không cúng trong nhà.
Cúng chúng sinh thể hiện đạo đức từ bi của con người nhân dịp “xá tội vong nhân.”
Khác với cúng dâng hương lúc giao thừa (cúng từ ngoài trời trở vào nhà), cúng dâng hương nhân dịp rằm tháng bảy là cúng từ trong nhà ra ngoài trời: cúng Gia Thần, cúng Gia Tiên, và cuối cùng mới cúng chúng sinh.
Những điều cần chú ý khi thực thi lễ:
- Nếu viết văn khấn ra giấy để đọc thì ngay sau khi đọc xong liền hóa (đốt) văn khấn.
- Cuối tuần hương, thắp thêm mấy nén nữa rồi hóa các đồ hàng mã dâng cúng.
- Các đồ hàng mã này cần được chia ra làm nhiều lễ cho mỗi vong linh của gia đình, hoặc nếu để chung thì phải ghi rõ họ tên của mỗi vong linh vào đồ lễ. Khi hóa, phải hóa riêng các lễ và khấn mỗi lần hóa lễ như sau:
“Con xin thiêu hóa vàng, tiền, quần áo…
Thỉnh vong linh… nhận chút lễ bạc
Tâm thành, kính cáo tôn thần, xin rước vong linh lại về âm giới.”
Dâng hương lễ cô hồn chúng sinh: Văn khấn cô hồn thường rất dài, có khi tới 184 câu như trong “Văn tế cô hồn thập loại chúng sinh” của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du.
Hoàn cảnh tạo ra các cô hồn rất khác nhau, nhiều khi rất trái ngang, văn lễ và văn tế các cô hồn, các chúng sinh đã mô tả các hoàn cảnh ấy. Khi đọc lên gây xúc động lòng người, mang ý nghĩa giáo dục tình thương đồng loại rất sâu sắc.
Nhiều bài văn khấn mang tính dân dã, dễ hiểu, ít từ ngữ và điển tích cổ. Còn trong các bài văn tế do các bậc túc nho, trí giả soạn ra thường mang tính “bác học,” có nhiều từ ngữ và điển tích cổ. Loại này dù áng văn rất đẹp, trau chuốt nhưng rất khó phổ biến trong quần chúng.
Sắm lễ:
Ngày rằm tháng bảy theo tục xưa, mọi gia đình đều sắm hai lễ để cúng:
- Lễ cúng gia tiên gồm: hương, hoa, rượu, xôi và mâm cỗ mặn với nhiều món ăn được chế biến cẩn thận, trình bày đẹp, vàng mã, quần áo, hài giấy…
- Lễ cúng chúng sinh gồm các lễ vật: bánh đa, bỏng, ngô, khoai lang luộc, trứng luộc, kẹo bánh, xôi chè và cháo hoa. Vàng mã, tiền giấy, quần áo chúng sinh…