Tiết Đoan Ngọ, hay còn được gọi là tiết Đoan Dương, cũng chính là “Tết Giết Sâu Bọ” theo cách nói dân gian Việt Nam, được tổ chức vào ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm.
Tết Đoan Ngọ là một lễ tết lớn của người Việt Nam, người Trung Hoa, và được thực hiện vào giữa trưa (chính giờ Ngọ) ngày mồng 5 tháng 5 (Ngọ) theo lịch Can Chi. Tết này cũng có tên gọi là Tết Đoan Dương, Đoan Ngũ, hay Trùng Ngũ. Xuất xứ của lễ tục này như sau:
Cách đây hơn 2000 năm, tại nước Sở, Trung Hoa cổ đại, có vị quan Tả Phù là Khuất Nguyên (340 – 278 TCN) can ngăn vua Sở Hoài Vương nhưng không được, lại còn bị dèm pha và bị cách chức xuống làm thứ dân. Khuất Nguyên có người chị gái tên là Tu, lấy chồng xa, nghe tin bèn trở về thăm em. Thấy Khuất Nguyên tóc bỏ xõa, mặt mày nhem nhuốc, hình dung hốc hác, vừa đi vừa ngâm thơ ở bờ sông, chị bảo rằng:
- Vua Sở dẫu không nghe lời em, mà em như thế là đã hết lòng rồi, còn lo nghĩ làm chi? Nhà còn có ruộng, sao chẳng hết sức cày cấy để tự nuôi mình mà hưởng hết tuổi trời?
Khuất Nguyên không muốn trái ý chị, bèn mang cày đi cày. Người trong làng thương Khuất Nguyên có lòng trung, đua nhau giúp sức. Hơn một tháng sau, người chị ra đi. Nguyên than rằng:
- Việc vua Sở đã đến thế này, ta không nỡ thấy tôn miếu bị diệt vong!
Thế rồi một ngày kia, Khuất Nguyên dậy sớm, ôm một hòn đá tự dìm mình xuống sông Mịch La mà chết, hôm ấy chính là ngày mồng 5 tháng 5. Người làng nghe tin Khuất Nguyên tự trẫm mình, đua nhau chở thuyền nhỏ ra sông cứu nhưng không kịp nữa, bèn làm bánh nếp có góc ném xuống dòng sông để tế. Từ đó, có tục đua thuyền rồng ở vùng Ngô Sở.
Mảnh ruộng Khuất Nguyên cày cấy, sau này gạo trắng như ngọc, nên gọi là “ruộng gạo ngọc”, còn tên làng gọi là “Tỷ Quy” (làng chị về).
Ngày mùng 5 là ngày cực dương trong năm, tháng 5 cũng vậy. Do đó có tên gọi là Đoan Dương. Theo lịch cổ, ngày mồng 5 tháng 5 là ngày mùa xuân đã hết, mùa hạ chuyển sang. Sự chuyển tiết giữa hai mùa xuân và hạ dễ gây ra bệnh thời khí ở con người. Sâu bọ, côn trùng cũng được dịp phát triển, gây bệnh tật cho con người, vật nuôi và cây trồng hữu ích. Bởi vậy, vào tiết này, người ta làm lễ dâng hương cúng bái, cầu cho tai qua nạn khỏi, được mùa; cầu cho sâu bọ có hại bị tuyệt diệt, đem lại điều lành cho mọi người. Thế nên mới có cái tên “Tết Giết Sâu Bọ”.
Với ý nghĩa là “Tết Giết Sâu Bọ”, vào dịp tiết Đoan Ngọ, người ta lấy lá ngón nhuộm các đầu móng tay, móng chân (trừ ngón trỏ); ăn rượu nếp, trứng luộc, cháo chè kê, bánh đa và các loại hoa quả chua chát. Có nơi người lớn uống rượu xương bồ, trẻ em bôi thuốc hùng hoàng vào thóp đầu, ngực và rốn gọi là “trừ trùng”. Một số vùng nông thôn còn lấy lá ngải cứu kết hình rồng rắn treo ở cửa, uống nước ích mẫu, mầm xôi, cối xay, lá vôi vào giờ Ngọ (giữa trưa). Người mê tín thì kết bùa bằng chỉ màu hình hoa sen, quả khế đeo vào cổ trẻ em. Lại có người mang áo vàng đến xin “dấu ấn” của Phật, mong ma quỷ, bệnh ác đừng quấy rầy.
Tiết Đoan Ngọ của người Việt Nam, ngoài ý nghĩa là một cái Tết giữa năm, chuyển mùa xuân sang hạ, chữa bệnh trừ tà, còn là dịp để các gia đình tưởng nhớ Tiên tổ, làm lễ dâng hương trong mỗi gia đình.
Các phẩm vật trên đây được dâng cúng Gia Thần và Gia Tiên vào buổi sớm lúc mặt trời mới mọc hoặc vào giữa trưa.
Sắm lễ:
Ngày Tết Đoan Ngọ còn gọi là ngày Giết Sâu Bọ. Mâm lễ cúng gia tiên ngày Tết Đoan Ngọ gồm có:
- Hương, hoa, vàng mã
- Nước
- Rượu nếp
- Các loại hoa quả: mận, hồng xiêm, dưa hấu, vải, chuối…