Văn Khấn Ngày Đại Tường ( Giỗ Hết )

Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!

  • Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
  • Con kính lạy Đức Đương cảnh Thành hoàng chư vị Đại Vương.
  • Con kính lạy ngài Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần Quân.
  • Con kính lạy các ngài Thần linh, Thổ địa cai quản trong xứ này.
  • Con kính lạy chư gia tiên Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Tổ tiên nội ngoại họ…

Tín chủ (chúng) con là:
Ngụ tại: …

Hôm nay là ngày… tháng… năm…
Chính ngày Giỗ Hết của…

Thiết nghĩ, vắng xa trần thế không thấy âm dung. Năm qua tháng lại, vừa ngày Giỗ Hết. Ơn vong cực xem bằng trời biển, nghĩa sinh thành không lúc nào quên. Càng nhớ công ơn gây cơ tạo nghiệp bao nhiêu, càng cảm thảm tình, không bề giải tỏ.
Nhân ngày chính giỗ, chúng con và toàn gia con cháu, nhất tâm sắm sửa lễ vật kính dâng, đốt nén tâm hương giải tỏ tấc thành.

Thành khẩn kính mời:
(Mất ngày… tháng… năm… Mộ phần táng tại:…)
Cúi xin linh thiêng giáng về linh sàng, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, độ cho con cháu bình an, gia cảnh hưng long thịnh vượng.

Tín chủ lại mời vong linh các vị Tiền chủ, Hậu chủ trong đất này cùng tới hâm hưởng.
Tín chủ con lại xin kính mời các cụ Tổ tiên nội ngoại, Tổ Khảo, Tổ Tỷ, Bá thúc, Huynh Đệ, Cô Di, Tỷ Muội và toàn thể các Hương linh gia tiên đồng lai hâm hưởng.
Chúng con lễ bạc tâm thành, cúi xin được phù hộ độ trì.

Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!


Cúng gia tiên ngày Giỗ thường

  • Ý nghĩa: Ngày Giỗ Thường hay còn được gọi là “Cát Kỵ,” là ngày giỗ của người quá cố kể từ năm thứ ba trở đi.
    Ngày giỗ này của người quá cố sẽ được duy trì đến hết năm đời. Ngoài năm đời, người ta tin rằng vong linh người quá cố đã siêu thoát hoặc đầu thai trở lại, nên không cần thiết phải cúng giỗ nữa.

Nếu như giỗ Tiểu Tường và giỗ Đại Tường là lễ giỗ trong vòng tang, còn mang nặng nỗi xót xa, tủi hận, bi ai, thì ngày Giỗ Thường lại là ngày của con cháu nội ngoại sum họp tưởng nhớ người đã khuất.
Đây là dịp để con cháu hai họ nội, ngoại tề tựu đông đủ, đồng thời cũng là cơ hội để mọi người trong gia đình, dòng họ gặp nhau, thăm hỏi sức khỏe và thắt chặt tình thân.

  • Sắm lễ:
    Vào ngày Cát Kỵ, lễ cúng cũng như các ngày giỗ khác, với đầy đủ hương, hoa, quả, phẩm oản, vàng mã và mâm lễ mặn gồm có xôi, gà, các món cơm canh…

Thường trong ngày Cát Kỵ, người ta chỉ mời những người trong gia đình họ tộc đến dự, không mở rộng như hai giỗ trước.

Theo tục xưa, trước những ngày giỗ lớn như giỗ ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, còn có lễ Tiên Thường. Tiên Thường là lễ giỗ trước ngày chính giỗ. Trong ngày này, người đứng giỗ phải làm lễ báo với Thổ Thần, xin phép cho hương hồn người được cúng giỗ về phối hưởng, đồng thời mời vong hồn nội ngoại gia tiên về cùng dự. Sau đó, gia chủ ra mộ để mời Tiên linh về dự giỗ và sửa sang lại mộ phần.

Từ sáng ngày Tiên Thường, gia chủ đã phải lau chùi bàn thờ, bày biện lễ vật của mình và người gửi giỗ. Trong ngày này, gia chủ phải làm hai lễ: lễ cúng yết cáo Thổ Thần và lễ cáo Gia tiên, với hương, hoa, quả, phẩm oản, tiền vàng, trầu, rượu, lễ mặn cúng dâng và khấn theo văn khấn.