Sự tích thờ Thần Tài – Vị trí và cách sắp đặt bàn thờ Thần Tài

Thần Tài là vị thần mang tài lộc lại cho gia đình nên ta tin thờ cúng vái. Mỗi khi làm ăn việc gì, gia chủ thường cầu khẩn Thần Tài.
Người Trung Hoa khi thiết lập bàn thờ Thần Tài thường mời thầy cúng tới làm lễ để Thần Tài được linh thiêng.

VỊ TRÍ VÀ CÁCH SẮP ĐẶT BÀN THỜ THẦN TÀI

Bàn thờ Thần Tài không được thiết lập trên cao và ở một nơi trang trọng trong nhà như các bàn thờ Tổ tiên, Thổ Công hoặc Thánh Sư…
Bàn thờ Thần Tài thường được thiết lập ở những nơi xó xỉnh, góc nhà hoặc hàng hiên, và bàn thờ cũng không cần to tát, thường chỉ là một chiếc khám nhỏ sơn son thiếp vàng, hoặc có khi chỉ là một thùng gỗ có dán giấy đỏ.

Bên trong khám dán bài vị của Thần Tài, viết trên giấy cũng màu đỏ. Chữ viết thường bằng kim nhũ:
NGŨ PHƯƠNG NGŨ THỔ LONG THẦN
TIỀN HẬU ĐỊA CHỦ TÀI THẦN

Hai bên bài vị cũng có đôi câu đối:
THỔ NĂNG SINH BẠCH NGỌC
ĐỊA KHẢ XUẤT HOÀNG KIM

Nghĩa là:
Đất hay sinh ngọc trắng,
Đất có thể xuất vàng dòng.

Đôi câu đối này có thể thay đổi, nhưng bao giờ cũng có một đôi. Trước bài vị là một bát hương có hai cây đèn nhỏ đủ thắp mà không bốc cháy lớn. Trong khám, gia chủ thường thu xếp để có chỗ đặt mấy ly đựng nước, đựng rượu. Cũng có một mâm bồng để bày hoa quả phẩm vật khi cúng lễ.

Có nhà khắc khéo trên mặt khám mấy chữ đại tự và ở hai bên có đôi câu đối đại ý xưng tụng sự giúp đỡ của Thần Tài và sự cầu mong của gia chủ.

Như trên đã nói, những nhà không sung túc, chiếc khám được thay bởi một chiếc thùng, nhất là thùng sữa cũ, có dán giấy đỏ hết từ trong đến ngoài.

SỰ TÍCH THẦN TÀI

Sở dĩ người ta thờ Thần Tài ở xó xỉnh là do điển tích sau đây. Theo sự tích này, Thần Tài là một nữ thần chứ không phải như các bức vẽ mô tả một nam thần với râu ria mỗi khi nói tới Thần Tài gõ cửa một nhà nào đó trong các cuộc xổ số kiến thiết.

Truyện kể lại rằng:
Ngày xưa có một người lái buôn tên là Âu Minh, khi đi qua hồ Thanh Thảo, được thủy thần cho một con hầu tên là Như Nguyệt. Âu Minh đem Như Nguyệt về nuôi, trong nhà làm ăn phát đạt, chỉ vài năm đã giàu to. Về sau, nhân một hôm ngày Tết, Âu Minh đánh Như Nguyệt. Sợ hãi, Như Nguyệt chui vào đống rác rồi biến mất. Từ đó, nhà Âu Minh sa sút dần, chẳng mấy lúc nghèo kiết xác.

Người ta bảo Như Nguyệt là Thần Tài và người ta lập bàn thờ để thờ Như Nguyệt. Từ đó, ngày Tết, ta có tục kiêng hót rác trong những ngày đầu năm sợ hót mất Thần Tài ẩn trong đống rác đổ đi, sự làm ăn sẽ không phát đạt tiến tới được suốt quanh năm.

CÚNG THẦN TÀI

Nếu người ta chỉ cúng Táo quân trong những ngày sóc vọng, trong những dịp giỗ Tết, thì ngược lại, người Việt Nam cúng Thần Tài quanh năm.

Trong những ngày sóc vọng, giỗ Tết, lễ cúng Thần Tài cũng như cúng Táo quân trong những dịp đó, nghĩa là có khi cúng mặn và có khi là cả một mâm cỗ. Trong những ngày thường, lễ cúng Thần Tài rất đơn giản, chỉ có trầu nước và đôi khi có một đĩa trái cây.

Mỗi buổi chiều, lúc chuông chiều mở, bàn thờ Thần Tài được thắp hương lên, có khi gia chủ khấn vái, có khi chỉ thắp hương trước bàn thờ.

Chỉ trong những ngày sóc vọng, giỗ Tết, sự khấn vái của gia chủ mới cần thiết. Văn khấn Thần Tài cũng như văn khấn Thổ Công, chỉ thay đổi chỗ cung thỉnh…
“…Tài Thần vị tiền…”

Những người làm ăn buôn bán rất tin tưởng ở Thần Tài. Mỗi dịp xuất vốn, người ta đều cầu xin làm lễ Thần Tài.