Săn Sóc Phần Mộ Tổ Tiên

Con cháu thờ phụng tổ tiên, cúng lễ đã đành, nhưng một trong những hình thức để biểu lộ sự thờ phụng là săn sóc tới mộ phần của tổ tiên.

Hàng năm, trước ngày Tết (cũng có địa phương sau ngày Tết), con cháu đi thăm mộ tổ tiên để đắp lại cho cao, nhổ hết các loại cây nhỏ có thể xâm phạm tới hài cốt tổ tiên. Nhân dịp thăm mộ này, con cháu thắp hương trên mộ, khấn vái mời tổ tiên về ăn Tết.

Ngoài ra, ngày Thanh Minh, con cháu cũng đi tảo mộ, mang theo vàng hương cắm đốt trước mộ. Nếu mộ sụt thì đắp lại.

Có người nhân ngày Thanh Minh mang cả cỗ ra cúng nơi trước mộ.
Mộ phần được con cháu luôn luôn trông nom cẩn thận. Tuy nhiên, khi mộ bị động, hoặc vì súc vật đào sụt, hoặc vì rễ cây ăn vào xương cốt, hoặc vì một lý do nào khác, tục tin rằng ông cha sẽ báo mộng hay có ứng điềm cho con cháu biết. Nếu con cháu không hay biết, trong nhà sẽ có người đau ốm, hoặc công việc làm ăn gặp trắc trở.

Con cháu lập tức ra thăm ngôi mộ, đắp lại nếu bị sụt, và đồng thời cũng làm lễ tạ mộ, ngụ ý như tạ tội với tổ tiên vì sơ ý để mộ bị xâm phạm.
Lễ tạ mộ gồm trầu cau, xôi chuối, rượu gà, vàng hương. Lễ đặt trước ngôi mộ, con cháu khấn lễ.

Trong khi tạ mộ, con cháu phải cúng cả vị Thổ thần nơi địa mộ.
Cũng có khi, con cháu ở xa xôi, trước nhưng thời cuộc biến đổi, sợ rằng hồn phách ông cha không yên, cũng làm lễ tạ mộ để cầu bình an cho vong hồn người khuất.

Hoặc có khi, chiếu theo số tử vi, đến năm tháng cần phải tạ mộ, con cháu cũng làm lễ tạ mộ.
Tạ mộ bao giờ cũng có tờ sớ. Trong sớ nhờ Thần linh dẫn hồn sứ giả là Ngũ đạo tướng quân đưa hồn đến mộ. Ngoài ra, Thần linh cũng chuyển tờ sớ tới Đương xứ Thổ địa chánh thần để tường việc.

Ngũ đạo tướng quân là vị thần coi quản các nẻo đường, còn Đương xứ Thổ địa chánh thần là Thổ địa tại nơi có ngôi mộ xin tạ.
Dưới đây là một mẫu sớ tạ mộ, phiên âm và dịch nghĩa: