Dân tộc ta, nhân dân ta coi “đạo hiếu” là tiêu chuẩn hàng đầu, thể hiện trong đạo làm người. Văn học cổ kim ca tụng người con có hiếu và lên án những kẻ bất hiếu.
“Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”
Câu ca dao trên đã khẳng định “đạo hiếu” của con người. Thờ cha kính mẹ phải bằng hành động báo ơn sinh thành, phụng dưỡng khi tuổi già, khi qua đời thì mồ mả yên đẹp, sau khi qua đời thì phụng thờ chu đáo.
Ai cũng biết, cái chết là điều không thể tránh khỏi. Con người sinh ra, lớn lên, trưởng thành, già lão rồi qua đời là một quy luật tất yếu không thể tránh được. Trong đời sống tâm linh của người Việt, quan niệm về cái chết rất thiêng liêng. Chính vì vậy, ông cha ta đã dùng nhiều từ văn hoa để chỉ cái chết: “hai năm mươi”, “về chầu tổ”, “mãn phần”, “từ trần”, “đi xa”…
Từ xưa, ai cũng quan niệm việc tang là việc hiếu. Cái chết của con người tạo ra sự đoạn tuyệt với các mối quan hệ trong xã hội, gây ra nỗi đau buồn thương tiếc của những người đang sống, đối với thân thích ruột rà, đối với bà con bè bạn… Chính vì vậy, việc tang được đặt trong lĩnh vực tư tưởng và tình cảm, nhằm thỏa mãn nhu cầu của người sống đối với người chết trong giờ phút vĩnh biệt.
Từ lâu đời, dư luận xã hội đã đưa việc tang vào quy phạm đạo đức, xây dựng thành nghi thức và trở thành phong tục tập quán của dân tộc.
Dâng hương và các kỳ giỗ
Trong tục thờ cúng tổ tiên, tục dâng hương vong linh người đã khuất vào các kỳ giỗ là quan trọng nhất. Người ta có thể có những lý do nào đó để bỏ lễ dâng hương vào một số kỳ lễ, tiết trong năm, nhưng không một người Việt Nam có hiếu nào với tổ tiên mà lại bỏ qua tục cúng dâng hương người đã khuất vào dịp giỗ ông, bà, bố, mẹ, vợ, chồng…
Một trong những mối lo lớn của người Việt Nam ngày xưa là sợ khi chết đi, đến ngày cúng giỗ không có ai làm. Vì thế, vào ngày giỗ của tiên tổ, nhà giàu thì có thể tổ chức cúng giỗ linh đình, mời họ hàng xa gần, anh em bằng hữu về dự. Còn nhà nghèo túng thì cúng bát cơm, quả trứng, đĩa muối, lưng canh vái ba nén hương, cây đèn dầu, nến, để tỏ lòng kính nhớ người đã khuất.
Một số nguyên tắc chung của việc cúng giỗ
- Thứ nhất: Đối với ngày giỗ của ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng (còn gọi là giỗ trọng), ngày hôm trước cần phải cúng cáo giỗ. Ngày hôm cúng cáo giỗ còn gọi là ngày “tiên thường”.
- Cúng cáo giỗ là để báo cho người đã khuất biết ngày hôm sau về hưởng giỗ, đồng thời cũng là để báo với Thần Linh Thổ Địa nơi để mộ người đã khuất, cũng như Công Thần Thổ Địa tại gia cho phép hương hồn người đã khuất được về hưởng giỗ. Cúng cáo giỗ bao gồm cúng tại gia và cúng ngoài mộ. Trong cúng cáo giỗ, phải cúng Công Thần Thổ Địa trước, cúng Gia Tiên sau.
- Ngoài việc khấn mời vong linh người được giỗ, còn phải khấn mời vong linh Gia Tiên nội ngoại cùng về dự giỗ. Nhân dịp cúng cáo giỗ, ngoài mộ cần đắp điếm sửa sang lại mộ phần.
- Thứ hai: Làm giỗ và cúng giỗ đúng ngày mất của người được giỗ, thường là vào buổi chiều.
- Trong cúng giỗ đúng vào ngày mất của người được hưởng giỗ, cần phải cúng mời người được hưởng giỗ trước, sau đó mới đến vong linh hai họ nội, ngoại từ bậc cao nhất trở xuống và cuối cùng là cáo thỉnh Gia Thần cùng dự tiệc giỗ.
Ngày giỗ đầu
Ngày giỗ đầu, hay còn được gọi là “tiểu tường”, là ngày giỗ (kỵ giỗ) đầu tiên sau đúng một năm ngày mất của ai đó. Đây là một trong hai giỗ thuộc kỳ tang. Bởi vậy, vào ngày giỗ đầu, người ta thường tổ chức trang nghiêm, bi ai, sầu thảm, chẳng khác gì so với ngày để tang năm trước. Con cháu đều vận tang phục, khi tế lễ đều khóc như ngày đưa đám. Một số nhà có điều kiện còn thuê cả đội kèn trống.
Ngày giỗ hết
Ngày giỗ hết, hay còn gọi là “đại tường”, là ngày giỗ vào đúng ngày tròn 24 tháng của người quá cố. Về cơ bản, giỗ hết không khác giỗ đầu là mấy về các thủ tục. Tuy nhiên, giỗ hết thường làm linh đình hơn và sau giỗ này, người nhà bỏ tang phục, hay còn gọi là “hết tang”.
Ngày giỗ thường
Ngày giỗ thường, hay còn được gọi là “cát kỵ”, là ngày giỗ của người quá cố kể từ năm thứ ba trở đi. Người ta tin rằng vong linh người quá cố đã siêu thoát hoặc đầu thai trở lại, nên không cần thiết phải cúng giỗ nữa.
Trong các giỗ thường, chỉ có giỗ trọng như giỗ ông, bà, bố, mẹ, vợ, chồng mới có ngày tiên thường. Còn lại thì không cần thiết phải có.
Tùy theo phong tục của từng địa phương, từng vùng và từng gia cảnh mà việc tổ chức ngày giỗ có khác nhau nhiều ít. Điều quan trọng nhất là nhân ngày cát kỵ, con cháu tưởng nhớ đến người đã khuất, thể hiện lòng thành với vong linh tiên tổ. Chén nước, nén hương, bát cơm, quả trứng, đĩa muối, lưng canh mà tâm thành thì cũng giữ được đạo hiếu, chẳng cần mâm cao cỗ đầy mới ra người biết ơn tiên tổ.
Cúng giỗ người đã khuất cốt thể hiện lòng nhân, đạo hiếu, tấm lòng thủy chung của những người đang sống. Đây cũng là nét đạo lý làm người trong truyền thống văn hóa Việt Nam.