Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội)

Văn Miếu – Quốc Tử Giám là quần thể di tích đa dạng và phong phú hàng đầu của thành phố Hà Nội, nằm ở phía Nam kinh thành Thăng Long. Nơi đây là một khu di tích lịch sử – văn hóa mang ý nghĩa biểu trưng cho tiến trình phát triển văn hóa – giáo dục của Việt Nam, đồng thời cũng là nơi gìn giữ và tôn vinh đạo học, lưu giữ và thể hiện đặc sắc nhất những giá trị nổi bật của văn hiến Việt Nam. Trải qua gần 1.000 năm lịch sử, nơi đây vẫn giữ được vẻ cổ kính với đặc điểm kiến trúc của nhiều triều đại Việt Nam, xứng đáng được bảo tồn mãi mãi.

Văn Miếu được xây dựng từ năm 1070, tức năm Thần Vũ thứ hai đời Lý Thánh Tông. Văn Miếu ngoài chức năng thờ các bậc Tiên thánh, Tiên sư của đạo Nho, còn mang chức năng của một trường học Hoàng gia, mà học trò đầu tiên là Thái tử Lý Càn Đức, con trai vua Lý Thánh Tông với Nguyên phi Ỷ Lan. Lúc đó, Thái tử mới 5 tuổi, đến năm 1072, tức năm 8 tuổi, lên ngôi trở thành vua Lý Nhân Tông.

Năm 1076, Lý Nhân Tông cho lập trường Quốc Tử Giám ở bên cạnh Văn Miếu. Đây có thể coi là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam. Vào năm 1484, Lê Thánh Tông cho dựng bia của những người thi đỗ tiến sĩ từ khoa thi 1442 trở đi. Năm 1785, Quốc Tử Giám được đổi thành nhà Thái Học. Nhân dân quen gọi là Trường Giám, và Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã thành tên chung của di chỉ văn hóa – giáo dục lớn nhất nước ta thời phong kiến này.

Quần thể kiến trúc Văn Miếu – Quốc Tử Giám nằm trên diện tích rộng 54.331 m², bao gồm: Hồ Văn, vườn Giám và Nội tự. Khu nội tự Văn Miếu – Quốc Tử Giám tôn nghiêm, được ngăn cách với vườn Giám và bên ngoài bằng tường gạch vồ, được chia làm 5 khu khác nhau. Mỗi khu được giới hạn bởi các tường gạch, có các cửa thông nhau: một cửa chính giữa và hai cửa phụ hai bên với các kiến trúc chủ thể là: cổng Văn Miếu Môn, cổng Đại Trung Môn, Khuê Văn Các, cổng Đại Thành Môn, khu điện thờ, cổng Thái Học và kết thúc là khu Thái Học.

  • Khu thứ nhất: bắt đầu với cổng chính Văn Miếu Môn đi đến cổng Đại Trung Môn, hai bên có cửa nhỏ là Thành Đức Môn và Đạt Tài Môn.
  • Khu thứ hai: từ Đại Trung Môn vào đến Khuê Văn Các (do Đức Tiền Quân Tổng trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành cho xây năm 1805). Khuê Văn Các là công trình kiến trúc tuy không đồ sộ nhưng tỷ lệ hài hòa và đẹp mắt. Kiến trúc gồm 4 trụ gạch vuông, bên dưới đỡ tầng gác phía trên, có những kết cấu gỗ rất đẹp. Tầng trên có 4 cửa hình tròn, hàng lan can con tiện và con sơn đỡ mái bằng gỗ đơn giản, mộc mạc. Mái ngói chồng hai lớp tạo thành công trình 8 mái, gờ mái và mặt mái phẳng. Gác là một lầu vuông tám mái, bốn bên tường gác có cửa sổ tròn hình mặt trời tỏa tia sáng. Hình tượng Khuê Văn Các mang tất cả những tinh tú của bầu trời tỏa xuống trái đất và trái đất nơi đây được tượng trưng bằng hình vuông của giếng Thiên Quang. Công trình mang vẻ đẹp sao Khuê, ngôi sao sáng tượng trưng cho văn học. Đây là nơi thường được dùng làm nơi thưởng thức các sáng tác văn thơ từ cổ xưa tới nay. Hai bên phải trái Khuê Văn Các là Bi Văn Môn và Súc Văn Môn dẫn vào hai khu nhà bia Tiến sĩ.
  • Khu thứ ba: gồm hồ nước Thiên Quang Tỉnh (nghĩa là giếng soi ánh mặt trời), có hình vuông. Hai bên hồ là khu Nhà bia Tiến sĩ. Mỗi tấm bia được làm bằng đá, khắc tên các vị thi đỗ Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp, Tiến sĩ. Bia đặt trên lưng một con rùa. Hiện còn 82 tấm bia về các khoa thi từ năm 1442 đến năm 1779. Nằm đối xứng hai bên Thiên Quang Tỉnh là cửa Đại Thành mở sang khu thứ tư. Kim Thanh Môn và Ngọc Chấn Môn là hai cửa nhỏ nằm hai bên của Đại Thành.
  • Khu thứ tư (Đại Thành Điện): hai bên sân Đại Bái có hai dãy nhà Tả vu và Hữu vu, là nơi thờ bài vị 72 người học trò xuất sắc của Khổng Tử và Chu Văn An – danh nhân văn hóa thế giới và nhà giáo dục Việt Nam nổi tiếng thời Trần. Ở chính giữa là Bái đường – nơi hành lễ trong các kỳ tế tự. Nơi đây có nhiều bức hoành phi, câu đối ca ngợi Nho học, ca ngợi Khổng Tử và Tứ phối (Nhan Hồi, Tử Tư, Tăng Sâm và Mạnh Tử) cùng bài vị của 10 vị hiền triết. Các công trình kiến trúc của Văn Miếu được dựng bằng gỗ lim, gạch đất nung, ngói mũi hài theo phong cách dân tộc của các triều đại Lê, Nguyễn; nơi đây còn lưu giữ cây đa, cây đại cổ thụ hàng trăm năm.
  • Khu thứ năm: khu Thái Học vốn là trường Quốc Tử Giám xưa – trường đại học quốc gia đầu tiên của Việt Nam. Đầu thế kỷ XIX, khi nhà Nguyễn dời Quốc Tử Giám vào Huế, nơi đây dựng điện Khải Thánh thờ song thân phụ mẫu của Khổng Tử. Đây là khu mới được xây dựng lại.

Trong Văn Miếu có tượng Khổng Tử và Tứ phối (Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư, Mạnh Tử). Ở điện thờ Khổng Tử có hai cặp hạc cưỡi trên lưng rùa. Đây là hình tượng rất đặc trưng tại các đền, chùa, lăng tẩm, miếu mạo ở Việt Nam. Hình ảnh hạc chầu trên lưng rùa trong nhiều ngôi chùa, miếu…, hạc đứng trên lưng rùa biểu hiện sự hài hòa giữa trời và đất, giữa hai thái cực âm – dương.

Ngày nay, Khuê Văn Các ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã được công nhận là biểu tượng của thành phố Hà Nội và là điểm đến tham quan du lịch của nhiều du khách.

Với bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa, Văn Miếu – Quốc Tử Giám được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa ngày 28-4-1962 và được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt vào tháng 5-2012.