Văn khấn tại Đình, Đền, Miếu

Ý nghĩa

Theo tập tục văn hoá truyền thống, ở mỗi tỉnh thành, làng xã Việt Nam đều có các Đình, Đền, Miếu, Phủ là nơi thờ tự Thần linh, Thành Hoàng, Thánh Mẫu.

Các vị Thần linh, Thành Hoàng, Thánh Mẫu là những bậc tiền nhân đã có công với cộng đồng làng xã, dân tộc trong lịch sử dựng nước và giữ nước của người Việt Nam.

Ngày nay, theo nếp xưa, người Việt ở khắp mọi miền đất nước hằng năm vẫn đi lễ, đi trẩy hội ở các Đình, Đền, Miếu, Phủ vào các dịp lễ, Tết, tuần tiết, sóc, vọng và ngày hội, để tỏ lòng tôn kính, ngưỡng mộ và biết ơn các bậc Tôn thần đã có công với đất nước.

Đình, Đền, Miếu, Phủ, cùng với sự lưu truyền sự linh diệu của các vị thần, trong nhiều trường hợp đã đi vào trang sử oai hùng của dân tộc Việt Nam, góp phần không nhỏ vào việc duy trì tình cảm yêu nước. Nơi thờ tự cũng là không gian sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng. Con người hy vọng rằng, bằng những hành vi tín ngưỡng, có thể cầu viện đấng Thần linh phù hộ cho bản thân, gia đình, cộng đồng được an khang, thành đạt, thịnh vượng, yên bình, biến hung thành cát, giải trừ tội lỗi…

Sắm lễ

Theo phong tục cổ truyền, khi đến Đình, Đền, Miếu, Phủ, nên có lễ vật – to nhỏ, nhiều ít, sang mọn tuỳ tâm. Mặc dù ở những nơi này thờ Thánh, Thần, Mẫu, nhưng người đi lễ vẫn có thể sắm các lễ chay như hương, hoa, quả, oản… để dâng lễ đều được.

  1. Lễ chay: Gồm hương, hoa, trà, quả, phẩm oản… dùng để lễ ban Phật, Bồ Tát (nếu có).
    Lễ chay cũng thường được dùng để dâng ban Thánh Mẫu. Trong trường hợp này có thể sắm thêm một số hàng mã như: tiền, vàng, nón, hia…
  2. Lễ mặn: Gồm gà, lợn, giò, chả… được chuẩn bị cẩn thận, nấu chín. Nếu có lễ này thì thường được đặt tại bàn thờ Ngũ vị Quan lớn, tức là Ban Công đồng.