Tứ Vị Thánh Nương, nữ thần cửa sông biển
Tục thờ Tứ Vị Thánh Nương hiện rất phổ biến ở nhiều làng người Việt ven biển từ Bắc vào Nam, ngoài ra còn thấy ở các làng ven sông lớn nằm sâu trong đồng bằng. Tuy nhiên, tục thờ này phổ biến nhất vẫn là ven biển Trung Bộ, mà trung tâm là Đền Cờn (Nghệ An). Theo Ninh Viết Giao, ngoài Đền Cờn còn có 30 làng khác nữa ở Quỳnh Lưu (Nghệ An) thờ Tứ Vị Thánh Nương. Riêng huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) cũng có 20 làng thờ Tứ Vị Thánh Nương. Nhiều nơi ở ven biển Bắc Bộ thờ Tứ Vị Thánh Nương dưới dạng thờ Tống Hậu, Thiên Hậu.
Ở Quảng Nam, Đà Nẵng, tục thờ Tứ Vị Thánh Nương rất phổ biến, hầu như làng nào cũng có. Tuy nhiên, ít khi có miếu thờ riêng Bà, như trường hợp làng Mỹ Khê, gọi là Miếu Cả, còn phần lớn phối thờ với các vị thần khác và được gọi với cái tên là Bà Giàng Lạch, tức vị thần chủ của sông biển. Nguyễn Xuân Hương trong bài viết của mình đã cho rằng người dân Thanh Nghệ, nơi phát nguồn tục thờ Tứ Vị Thánh Nương đã mang tục thờ này vào trung và nam Trung Bộ và gọi Bà với danh thần mang tính dân gian – Bà Giàng Lạch hay Dàng Lạch Chúa Nương Nương. Trong các sắc phong của Bà thường mang tước hiệu Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương.
Cũng giống như Quảng Nam, Đà Nẵng, ở Quảng Ngãi cũng không có nơi nào thờ phụng riêng Bà, mà thường phối thờ với Thiên Y A Na, Bà Ngũ Hành, Thiên Hậu. Đặc biệt, Nguyễn Đăng Vũ đã tìm được một bản sắc phong của vua Minh Mạng, năm thứ 3, Nhâm Ngọ, 1822:
“Sắc Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương hộ quốc tí dân hiển hữu công đức kinh hữu xã dân phụng tự phụng ngã. Thế tổ Cao Hoàng Đế thống nhất hai vũ khánh bị thần nhân tứ kim quang thiệu hương đồ miến miện thần hưu nghi long hiển hiệu khả phong: Hàm hoằng, quang đại, chí đức thượng đẳng thần. Nhưng chuẩn hứa Chương Nghĩa huyện, An Phú thôn phụng sự thần kỳ tướng hộ bảo ngã lê dân cố sắc. Minh Mạng tam niên cứu ngoại thị nhập tứ nhật.”
Dịch: Sắc ban cho Tứ Vị Thánh Nương Đại Càn Quốc Gia Nam Hải đã giúp nước phò dân dày đức cả. Từ trước tới nay, dân xã lập miếu phụng thờ. Vâng mệnh Đức Cao Tổ Hoàng Đế (Gia Long) thống nhất sơn hà, đem lại yên vui trăm họ, nay ta nối nghiệp cơ nghiệp vẻ vang, tưởng nhớ đến quý thần linh xưa từng hiển hiện mà gia tặng các chữ: Hàm hoằng, Quang Đại, Chí Đức Thượng Đẳng Thần. Chuẩn cho thôn Yên Phú, huyện Chương Nghĩa mãi phụng thờ như cũ, ngõ hầu quý thần linh phù hộ đám dân đen của ta. Nay ban sắc.
Ở Nam Bộ, tục thờ này không chỉ thấy ở cư dân ven biển, mà còn thấy ở cả vùng sâu trong nội địa, như Đồng Nai, Sông Bé, thành phố Hồ Chí Minh. Tại các tỉnh kể trên, nhiều trường hợp là do dân xứ Quảng di cư vào đây mang theo tín ngưỡng nơi đất gốc. Thí dụ, ở đình Nam Chơn (29 Trần Quang Khải, quận 1, TP. Hồ Chí Minh) là nơi thờ và có sắc phong Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương, là của dân làng Chơn Sảng, Hòa Vang, Quảng Nam mang vào đây khoảng năm 1860. Ngoài ra, vị nữ thần này còn được thờ ở các đình khác trong thành phố, như Nam Chơn, Tân An, Phú Hòa Vạn, Hòa Mỹ, Sơn Trà…
Với những tư liệu biết được hiện nay, chúng ta có được những dị bản huyền thoại khác nhau về tục thờ Tứ Vị Thánh Nương.
Phổ biến hơn cả và có thể muộn màng hơn cả là huyền thoại Tứ Vị Thánh Nương liên quan tới Tống Hậu và các công chúa của nhà Nam Tống. Có thể tóm tắt như sau: Năm 1276, quân Nguyên Mông ồ ạt tấn công Nam Tống khiến hàng vạn quân Tống bị đánh tan. Tháng 1/1279, quân Nguyên tấn công căn cứ cuối cùng của Nam Tống. Trong lúc nguy khốn, Thái Hậu và các công chúa nhà Tống xuống thuyền chạy về phía Quảng Đông nhưng gặp gió mạnh, thuyền bị đắm, mọi người đều chết. Lúc đó, bỗng xuất hiện Rồng Vàng tới hộ giá Mẫu Hậu và ba vị công chúa trôi dạt tới biển Cờn Hải và được vị sư già chùa Quy Sơn cứu sống và trú ngụ tại đó.
Sau một thời gian ở trong chùa, bỗng có điều dị nghị về vị sư già với Tống Hậu. Vị sư già không biện bạch được bèn khấn Phật và nhảy xuống biển tự vẫn. Mẫu Hậu và ba vị công chúa thấy vị sư già vì mình mà chịu oan khuất cũng liều mình nhảy xuống biển chết theo. Xác của họ dạt vào cửa Cờn Hải. Họ hiển linh và được dân lập đền thờ và phong là “Nam Hải Phúc Thần” cai quản cửa biển. Từ đó, phàm những người đi biển đều đến cầu đảo Tứ Vị Thánh Nương và linh nghiệm.
Sau này, vua Trần Anh Tông, Lê Thánh Tông đi chinh phạt giặc Chiêm ở phương Nam theo đường biển, được Tứ Vị Thánh Nương hiển linh và trợ giúp. Sau khi thắng trận trở về, các vua Đại Việt đều lễ tạ và phong thần là “Quốc Mẫu Vương Bà Tứ Vị Thượng Đẳng Thần” và “Đại Càn Thánh Nương Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương Thượng Đẳng Thần”. Sự kiện này đã được sách “Việt Điện U Linh” của Lý Tế Xuyên chép lại. Tuy nhiên, hiện nay trong sách cổ cũng như trong các ngọc phả, thần tích, huyền thoại truyền miệng có khác nhau về Tứ Vị Thánh Nương. Ngoài Tống Hậu, ba vị kia là ai? Công chúa, người hầu, vua Đế Bính…?
Khác với huyền thoại trên, ở Phú Nghĩa còn lưu truyền một huyền thoại về Tứ Vị Thánh Nương liên quan đến đời sống của hoàng tộc thời cổ xưa: Truyện kể rằng Hoàng hậu đã sinh được 2 quý nương, nhưng tuổi tác của nhà vua đã cao nên rất muốn có con trai để kế vị. Lúc Hoàng hậu có mang lần thứ ba, nhà vua bảo rằng: “Nếu sinh con gái thì cứ bóp chết đi!” Quả thực, lần đó Hoàng hậu sinh con gái. Khi nhà vua về, biết chuyện, sai đày 2 mẹ con Hoàng hậu ra đảo xa ngoài biển. Gặp biển động, họ dạt vào cửa Càn rồi ở lại đó tới khi chết. Sau khi chết, họ hiển linh thành Nam Hải Đế Thần, chủ việc mưa gió ngoài biển.
Trong sách của Tạ Chí Đại Trường nói rằng, theo “Ô Châu Cận Lục” của Dương Văn An, thì lại gắn câu chuyện trên vào đời Hùng Vương thứ 18 với câu chuyện ly kỳ liên quan tới một âm mưu của một thứ phi muốn tranh giành ngôi báu nên đã sai cắt bộ phận sinh dục của một hoàng tử nhỏ mới sinh, sau đó bị lưu đày và chết giữa biển, hiển linh thành thần.
Trong một huyền thoại khác, sự tích Đền Càn lại liên quan tới việc trôi dạt của một “cây gỗ thần”. Một đêm, ở thôn Càn Miếu, cây gỗ thần trôi về, dân làng không biết nên đã xúc phạm tới, khiến gỗ thần trôi xuống làng Phú Lương. Một ngư ông Phú Lương ra bãi sông thấy gỗ lạ, lấy dao chặt thử, bỗng thấy toát ra hương thơm, biết đó là gỗ thần, nên dân Phú Lương lập đền thờ, từ đó dân làng đánh bắt được nhiều tôm cá. Sau đó, dân Càn Miếu ân hận nên lập mưu xuống khiêng gỗ quý về. Do được Tiên nữ ở Long Vương báo mộng, dân làng chuẩn bị làm đền thờ. Không ngờ sau một đêm mưa to gió lớn, gỗ từ đâu trôi về đủ để xây đền, dân làng tin đó là gỗ của thần linh. Đền được làm xong, gỗ thơm tạc thành tượng thờ, làng Càn Miếu đổi thành Hương Cần (Phương Cần). Và từ đó có tục Chạy Ói trong lễ hội Đền Càn, tái hiện lại sự tích tranh cây gỗ thần giữa hai làng Phương Cần và Phú Lương.
Qua huyền thoại và việc thờ cúng Tứ Vị Thánh Nương ở nhiều nơi, nhất là ở Đền Càn, chúng ta có thể nhận biết được gì? Trước nhất, đây là một nữ thần biển, mà trong huyền thoại kể trên nói là Tiên nữ thuộc Long Vương, nàng ẩn mình trong cây gỗ thơm, trôi dạt đến Phương Cần, hiển linh trợ giúp nghề cá, nên được dân thờ phụng. Huyền thoại này nhắc ta nhớ tới huyền thoại Pô Inư Nưgar – Bà Mẹ Xứ Sở của Chăm. Nàng cũng ẩn mình vào cây gỗ thơm, trôi dạt tới Trung Hoa và hiển linh, kết duyên với Hoàng tử Trung Quốc.
Ở nhiều nơi, tuy dưới hình thức Tứ Vị Thánh Nương, nhưng thực ra chỉ có một nữ thần hiển linh là Tống Hậu hay Thiên Hậu, có nơi nhập Tống Hậu và Thiên Hậu làm một. Điều này cũng dễ xảy ra đối với các hiện tượng văn hóa dân gian. Vị nữ thần này lan truyền tới mọi nơi dọc theo bờ biển cũng dưới dạng bức tượng trôi hoặc gỗ thần trôi. Thí dụ, tại đền thờ Thánh Mẫu tại làng Trà Cổ (Quảng Ninh) có thờ Tống Hậu là vị thần chủ. Tương truyền vào ngày 23 tháng 3 (tức dịp thờ Mẫu – tháng 8 giỗ cha, tháng 3 giỗ mẹ), có bức tượng nữ thần trôi vào bờ biển nơi ngày nay có ngôi đền thờ Thánh Mẫu. Lúc đó có một tốp thợ mộc đang xây cất nhà, trong đó có một người đã xúc phạm tới bức tượng, liền bị trừng phạt. Thấy vậy, dân làng vớt tượng lên và lập đền thờ.
Có lẽ huyền thoại Tứ Vị Thánh Nương liên quan tới Tống Hậu hay một vị Hoàng hậu hay Thứ phi nào đó của triều đình Việt Nam là lớp văn hóa tín ngưỡng có sau. Dù dưới dạng Tứ Vị (một Hoàng Hậu và ba công chúa) hay chỉ một mình Tống Hậu, vị này đã trở thành Mẫu và nhập vào hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, thậm chí cả trong Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ nữa. Cũng vì lẽ đó mà hệ thống nữ thần Tứ Vị Thánh Nương hay Tống Hậu đã theo các dòng sông trôi dạt vào sâu trong nội địa và nhập vào dòng Long Vương – Thoải phủ.
Nếu căn cứ vào các tước hiệu của Tứ Vị Thánh Nương được các vương triều Đại Việt ban tặng: “Đại Càn Tứ Vị Thánh Nương…” hay “Đại Càn Quốc Gia Nam Hải”, thì người ta tự hỏi tước hiệu “Đại Càn” này là gì? Chữ “càn” trong tước hiệu “Đại Càn” là từ chữ “càn” trong “càn khôn” của kinh dịch, không liên quan gì tới nguồn gốc của vị Thủy thần này. Tuy nhiên, theo Bình Nguyên Lộc và nhiều nhà ngôn ngữ học, lịch sử gần đây, thì chữ “Càn” là từ gốc ngôn ngữ Nam Đảo, “Càn” = “Kan” = “Cá”. Như vậy, nếu giải thích theo ngữ âm lịch sử chứ không phải là phiên âm của Trung Quốc thì Tứ Vị Thánh Nương có gốc tích từ tục thờ các nữ thần cá. Nếu giả thuyết đó đúng thì nơi thờ chính, nơi phát tích của huyền thoại Tứ Vị Thánh Nương là Đền Càn ở cửa Càn (Nghệ An), tức đền thờ cá. Điều này có gì trùng hợp với việc thờ Bà Càn ở nhiều nơi dọc duyên hải Trung Bộ như ở Nhượng Bạn (Hà Tĩnh), nơi Bà Càn trở thành vị thành hoàng của làng.
Tạ Chí Đại Trường trong “Thần, Người và Đất Việt” cho rằng có mối liên hệ xa hơn giữa huyền thoại và tục thờ cúng Tứ Vị Thánh Nương với tín ngưỡng cổ của người Chăm. Theo ông, Tứ Vị Thánh Nương là nữ thần biển có nguồn gốc từ văn hóa Chăm – đó là thần Po Riyak (Po Rayak), là vị thần sông biển mà vào cuối thế kỷ XIX ta còn thấy ngôi đền thờ bằng gỗ ở Mũi Dinh. Vốn Po Riyak là một nam thần sau đó chuyển hóa giới tính thành nữ thần và nhập vào hệ thống thờ Tứ Vị Thánh Nương của người Việt.
Từ những tư liệu và phân tích trên, chúng ta tạm thời nêu ra giả thuyết về sự biến đổi của tục thờ nữ thần biển Tứ Vị Thánh Nương. Tất nhiên, đây chỉ mới là giả thuyết để làm việc, do vậy tư liệu thực tế sắp tới sẽ củng cố hay bác bỏ giả thuyết mà chúng tôi nêu ra:
- Lớp sớm nhất của tín ngưỡng Tứ Vị Thánh Nương là lớp tín ngưỡng thờ cá (kàrĩ, càn) của dân bản địa (người Việt hay người Chăm). Sau này nó được nhân hóa, thiêng hóa thành Tiên Nữ, thành Thần biển mang tính nữ – nữ thần.
- Muộn hơn, tín ngưỡng thờ Cá và Nữ thần biển này đã tiếp thu các ảnh hưởng của Trung Hoa hay Đại Việt và có thể cả hệ thống thần linh Chăm để lịch sử hóa thành hệ thống nhân thần mà xưa nay triều đình phong thần với các tước hiệu Tứ Vị Thánh Nương, Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương… Đây cũng là lúc các quan niệm về trung, hiếu, tiết, nghĩa của Nho giáo được đưa vào nhằm biểu dương và nâng cao ý nghĩa xã hội và đạo đức của các vị thần linh. Đặc biệt sau khi hiển thánh, Tứ Vị Thánh Nương đã trở thành lực lượng siêu nhiên hỗ trợ cho uy tín của vương triều, cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước của các triều đại phong kiến Đại Việt.