TỨ VỊ THÁNH BÀ HAY TỨ VỊ CHẦU BÀ
Tứ Vị Thánh Bà hay Tứ Vị Chầu Bà được coi như hóa thân, phục vụ trực tiếp của Tứ Vị Thánh Mẫu. Tuy gọi là 4 vị Chầu Bà đại diện cho Tứ Phủ, nhưng số lượng các vị Thánh Chầu có thể tăng lên tới 12 (4 x 3). Tuy nhiên, trong số đó, các Chầu Bà từ Đệ Nhất tới Chầu Lục cùng Chầu Bé thường giáng đồng, được mọi người biết rõ thần tích, có nơi thờ phụng riêng, còn các vị khác thì ít giáng đồng và không mấy người biết tới.
Chầu Đệ Nhất là hóa thân của Mẫu Thượng Thiên, Chầu Đệ Nhị là hóa thân của Mẫu Thượng Ngàn, vị Thánh thống soái trong hàng Chầu, cai quản vùng núi non, sơn cước:
Vì dòng công chúa thiên thai
Giáng về hạ giới quản cai Thượng ngàn
Quản cai các lũng cùng làng
Sơn tinh cầm thú hổ lang khấu đầu
(Văn Chầu Đệ Nhị)
Tương truyền, Bà là con gái của một gia đình người Mán ở Động Cuông, tỉnh Yên Bái. Bà sinh ra lúc bố mẹ đã già, ngoài 50 tuổi. Thuở nhỏ, Bà chỉ làm việc thiện, không lấy chồng. Sau khi mất, Bà hiển linh luôn cứu giúp dân lành, nên được nhiều nơi lập đền thờ cúng, không ai ngồi đồng mà Bà không giáng. Khi giáng, Bà mặc sắc phục Mán, màu xanh, đặc trưng cho Nhạc Phủ.
Trong “Bách thần lục,” thần tích của Chầu Đệ Nhị lại đồng nhất với thần tích của Thánh Mẫu Thượng Ngàn ở vùng Bắc Lệ, Lạng Sơn. Đó chính là công chúa La Bình, con gái của Sơn Tinh, được phong là Thượng Ngàn công chúa, cai quản 81 cửa rừng ở cõi Nam Giao.
Thuộc Nhạc Phủ với Chầu Đệ Nhị còn có Chầu Lục và Chầu Bé. Chầu Lục gốc người Nùng ở Hữu Lũng (Lạng Sơn), Chầu Bé được thờ thành đền riêng ở Bắc Lệ (Lạng Sơn). Còn Chầu Mười gốc người Thổ, tương truyền đã có công giúp Lê Lợi đánh tan quân Liễu Thăng, trấn ải vùng Đông Bắc nước ta:
Gặp thời Thái Tổ khởi binh
Theo vua diệt giặc Liễu Thăng hàng đầu
Vua sai trấn giữ các châu
Khắp họ Xu Lạng địa cầu giang sơn
(Văn Chầu Mười)
Đền thờ chính của Chầu Mười tại Đồng Mỏ (Lạng Sơn), nhưng đền thờ vọng Bà thì có ở khắp nơi, từ Đồng Đăng, Kỳ Cùng, Thăng Long, Núi Ngự, Sài Gòn, Vũng Tàu tới vùng thượng như Đà Lạt, Buôn Mê Thuột, Pleiku.
Chầu Đệ Tam là hóa thân của Mẫu Thoải. Đó là vị Thánh có dáng vẻ u buồn, y phục và khăn trùm màu trắng. Chầu Đệ Tứ là vị Thánh giữ vai trò khâm sai Tứ Phủ, tuy đứng đầu Địa Phủ, cũng có khi Bà hóa thân dưới dạng Chầu Thoải Phủ, mặc màu trắng, múa mái chèo; khi lại hóa thành Thánh Mẫu Thiên Phủ, mặc áo đỏ, múa quạt (Chầu Đệ Tứ khâm sai Thượng Thiên).
Chầu Đệ Ngũ ít khi giáng đồng, trần gian ít người biết tới. Tương truyền Bà là công chúa đời nhà Lý, đi tu ở miền thượng, đền thờ Bà ở suối Lân, Lạng Sơn. Ngoài ra, người ta còn biết các vị Chầu khác như Chầu Thất Tiên La thờ ở Hưng Hà, Thái Bình, Chầu Bát Nàn ở Đồng Mỏ, Chầu Cửu ở Bỉm Sơn, Thanh Hóa (Cửu Thiên Huyền Nữ).
Nói chung, các vị Thánh hàng Chầu đều có nguồn gốc người dân tộc ở vùng núi, thuộc Nhạc Phủ, dòng Tiên nữ, đối lập với các Quan thuộc dòng Long Vương Thủy Phủ. Khi giáng đồng, các Chầu đều ăn mặc theo trang phục dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mường; nhạc chầu văn theo điệu Xá Thượng mang đặc trưng các dân tộc miền núi.