Hệ Thống Điện Thần Đạo Mẫu: Tam Phủ, Tứ Phủ và Các Vị Thánh

ĐẠO MẪU, ĐIỆN THẦN VÀ THẦN TÍCH

Nếu như gạt bỏ những sai biệt có tính địa phương, chắt lọc lấy những cái chung thì chúng ta có thể đưa ra một hệ thống điện thần (Pantheon) Đạo Mẫu như sau:

  • Phật Bà Quan Âm
  • Ngọc Hoàng
  • Mẫu Tam phủ, Tứ phủ (Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, Địa Tiên Thánh Mẫu)
  • Ngũ vị Quan lớn (Từ Đệ Nhất đến Đệ Ngũ)
  • Tứ vị Chầu bà (hay Tứ vị Thánh bà) là hóa thân trực tiếp của Tứ vị Thánh Mẫu.
  • Ngũ vị Hoàng tử (gọi theo thứ tự từ Đệ Nhất tới Đệ Ngũ)
  • Thập nhị Vương cô (gọi theo thứ tự từ 1 đến 12)
  • Thập vị Vương cậu (gọi theo thứ tự từ 1 đến 12)
  • Ngũ hổ
  • Ông Lốt (rắn)

Cần phải nói ngay rằng con số các vị Thánh trong từng hàng: Quan, Chầu, ông Hoàng, Cô, Cậu không hoàn toàn cố định mà thường có sự thay đổi. Thí dụ, Ngũ Vị Quan là quan niệm khá thống nhất trong đạo Mẫu, trong Đền Thờ Mẫu đều có ban thờ 5 vị thuộc hàng Quan, khi hầu đồng người ta cũng thường hầu các vị Thánh hàng Quan này. Tuy nhiên, đây đó không phải không có quan niệm về 10 vị Quan, một bội số 2 của 5 vị Quan kể trên. Hay Tứ vị Chầu Bà là hóa thân của bốn Thánh Mẫu, nhưng trên thực tế vẫn có 6 vị Thánh thuộc hàng Chầu, thậm chí lên tới 12 vị Chầu Bà. Hàng ông Hoàng cũng không chỉ dừng lại ở 5 vị như đã kể trên, mà còn có thể tăng lên tới 10 vị, trong đó ông Hoàng Mười khá nổi tiếng, có đền thờ riêng ở Nghệ An. Về mặt tăng giảm các vị Thánh trong từng hàng kể trên chúng tôi sẽ có dịp trở lại sau.

Các vị Thánh trong Đạo Mẫu không chỉ phân thành các hàng mà còn phân thành các Phủ. Phủ trong đạo Mẫu mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Trước nhất, Phủ trong Tam Phủ, Tứ Phủ mang nghĩa rộng và bao quát, tương ứng với các miền khác nhau trong vũ trụ: Thiên phủ (miền Trời), Địa phủ (miền Đất), Thoải phủ (thủy phủ, miền sông biển), và Nhạc phủ (miền rừng núi). Vị Thánh đứng đầu mỗi Phủ như vậy là một vị Thánh Mẫu: Mẫu Thượng Thiên cai quản Thiên phủ, Mẫu Địa (Địa Tiên Thánh Mẫu) cai quản Địa phủ, Mẫu Thoải (cai quản Thoải phủ) và Mẫu Thượng Ngàn cai quản Nhạc phủ. Giúp việc cho bốn vị Thánh Mẫu còn có nhiều vị Thánh thuộc các hàng Quan, Chầu, ông Hoàng, Cô, Cậu cũng phân theo 4 phủ như các vị Thánh Mẫu kể trên.

Hiện nay, trong điện thờ Thần Mẫu đều tồn tại quan niệm Tam Phủ và Tứ Phủ. Tứ Phủ là gồm ba phủ trong Tam Phủ (Thiên, Địa, Thoải) và có thêm Phủ Thượng Ngàn (Nhạc Phủ). Hiện nay chưa ai có thể trả lời chắc chắn Tam Phủ và Tứ Phủ của đạo Mẫu có từ bao giờ. Tuy nhiên, có thể tin rằng Tam Phủ có trước Tứ Phủ và việc tồn tại phủ thứ tư là Nhạc Phủ là một nét đặc thù của Đạo giáo Việt Nam.

Có thể quan niệm Tam Phủ và Tứ Phủ đều bắt nguồn từ quan niệm vũ trụ luận nguyên sơ là Âm và Dương, dần dần yếu tố Âm trong lưỡng cực Âm Dương phân hóa thành Địa Phủ, Thoải Phủ và Nhạc Phủ.

Dương

Âm

TAM PHỦ

Thiên Phủ

Địa phủ ———————  Thoải Phủ

TỨ PHỦ

Thiên Phú

Nhạc phủ________________ Thoải Phủ

Địa Phủ

Tứ Phủ ứng với bốn phương, bốn miền của vũ trụ, trong đạo Mẫu biểu hiện bốn màu cơ bản: Thiên Phủ ứng với màu đỏ, Thoải Phủ ứng với màu trắng, Địa Phủ ứng với màu vàng và Nhạc Phủ ứng với màu xanh. Đó là màu sắc của trang phục các vị Thánh khi giáng đồng, là màu sắc của các đồ dùng lễ. Từ các màu sắc này chúng ta có thể dễ dàng phân biệt mỗi vị Thánh thuộc vào phủ nào trong hệ thống Tam Phủ, Tứ Phủ. Rõ ràng, đạo Mẫu đã chịu ảnh hưởng quan niệm về ngũ sắc, ngũ phương của Đạo giáo Trung Hoa, thông qua “ngũ sắc hóa” các miền của vũ trụ, cũng như biểu tượng Ngũ Hổ, một trong những thần linh trong hệ thống điện thần Đạo Mẫu.

Trong đạo Mẫu, nơi thờ phụng chính Thánh Mẫu Liễu Hạnh, hóa thân của Mẫu Thượng Thiên, được gọi là phủ, như Phủ Dầy (Nam Định), Phủ Sòng Sơn (Thanh Hóa) và Phủ Tây Hồ (Hà Nội). Cách định danh này có thể xuất phát từ cách định danh đương thời – cung Vua Lê, phủ Chúa Trịnh thời Trịnh – Nguyễn.

PHẬT BÀ QUAN ÂM là vị Bồ Tát của Đạo Phật, vốn là nam thần, tuy nhiên khi vào Trung Quốc từ thời Tống, thì đổi giới tính thành nữ thần. Đặc biệt khi vào Việt Nam Bà trở thành Phật Bà Quan Âm cứu khổ cứu nạn, gắn liền với tín ngưỡng dân gian. Tương truyền, trong trận kịch chiến giữa Công chúa Liễu Hạnh với các phù thủy dòng Nội Đạo Tràng, Phật Bà đã ra tay giải cứu cho Liễu Hạnh. Vì ân đức đó, công chúa Liễu Hạnh đã quy y và mở đường cho sự hội nhập giữa Đạo Mẫu dân gian với Phật giáo. Do vậy, trong điện thần Đạo Mẫu, cũng như trong nhiều nghi lễ của Đạo Mẫu đều thấy hiện diện Phật Bà Quan Âm.

NGỌC HOÀNG là vị Thánh với tư cách Vua Cha trong Đạo Mẫu, có bàn thờ riêng trong các đền và phủ, tuy nhiên vai trò của Ngọc Hoàng trong nghi lễ và thờ cúng, trong tâm thức dân gian thì lại mờ nhạt. Như mọi người đều biết, Ngọc Hoàng là thần linh cao nhất trong đạo thờ Tiên của Đạo giáo Trung Hoa, đã được gắn kết khá muộn màng vào đạo thờ Mẫu cũng như nhiều tôn giáo tín ngưỡng khác của người Việt.

MẪU TAM PHỦ, TỨ PHỦ (Tam tòa Thánh Mẫu)

Mẫu là quyền năng sáng tạo vũ trụ duy nhất, nhưng lại hóa thân thành Tam vị, Tứ vị Thánh Mẫu cai quản các miền khác nhau của vũ trụ: Mẫu Thiên, Mẫu Địa, Mẫu Thoải và Mẫu Thượng Ngàn.

MẪU THƯỢNG THIÊN sáng tạo bầu trời và làm chủ quyền năng mây, mưa, sấm, chớp. Về phương diện vũ trụ quan, ta có thể thấy quan niệm về Mẫu nói chung và Mẫu Thiên nói riêng, trong quan niệm của dân gian về Tứ Pháp: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Điện, Pháp Lôi, đó là bốn vị Nữ thần tạo ra mây, mưa, sấm, chớp. Thực ra những huyền thoại và thần tích của Mẫu Thiên đều trực tiếp liên quan đến Thánh Mẫu Liễu Hạnh, là hóa thân của Mẫu Thượng…

Thiên, vị thần chủ cao nhất và được thờ cúng nhiều nhất trong Đạo Mẫu ở nước ta.
Về các truyền thuyết, thần tích và ngọc phả của Mẫu Liễu Hạnh, chúng tôi sẽ trình bày chi tiết trong chương nói về Thánh Mẫu Liễu Hạnh ở Phủ Dầy. Ở đây, trong mối quan hệ với Tam Tòa Thánh Mẫu, chúng tôi xin ghi nhận mấy điểm sau:

  1. Trong điện thần Tứ Phủ, Mẫu Liễu Hạnh là vị Thánh xuất hiện khá muộn, mà theo hiểu biết hiện nay, sớm nhất cũng chỉ vào khoảng thế kỷ XVI, thời Hậu Lê, nhưng nhanh chóng trở thành vị Thần chủ đạo của Đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ và được tôn vinh hơn tất cả các Thánh Mẫu khác.

  2. Thánh Mẫu Liễu Hạnh vừa là Thiên thần (Tiên), vừa là nhân thần với đời sống trần gian, có cha mẹ, chồng con, chu du khắp nơi, trừ ác, ban lộc, khiến người đời vừa sợ vừa trọng. Có lẽ với Mẫu Liễu và với cả Đức Thánh Trần nữa, họ đã trở thành biểu tượng của sự kết hợp giữa thần linh và đời thường, giữa nhu cầu tâm linh hướng về cái cao cả, chân thiện mỹ với việc chữa bệnh, trừ ma tà, cứu giúp con người trong những khó khăn đời thường, cũng như nhu cầu tài lộc.

  3. Trong điện thờ Tam Tòa Thánh Mẫu, Mẫu Liễu Hạnh với tư cách là Mẫu Thượng Thiên luôn luôn được thờ ở vị trí trung tâm, mặc trang phục màu đỏ. Cũng theo quan niệm dân gian, Mẫu Liễu có thể hóa thân vào Mẫu Thượng Ngàn trông coi miền núi. Ở triều Huế, Thánh Mẫu Vân Cát (tức Mẫu Liễu) hoặc là đặt ngang hàng, hoặc là đồng nhất với Thánh Mẫu Thiên Y A Na, nguyên gốc Chăm.

  4. Thánh Mẫu Liễu Hạnh mang trong mình những cá tính của con người đời thường: yêu và ghét, từ thiện và độc ác; những xung đột xã hội giữa dân dã và cung đình, Nho giáo mà biểu hiện là cuộc quyết chiến giữa Bà với dòng Đạo Nội đương thời; xung đột và hòa hợp tôn giáo; đó là sự hòa hợp giữa tín ngưỡng dân gian thờ Mẫu với Phật giáo, dọn đường cho các điện Mẫu thâm nhập vào các ngôi chùa làng quê.

Mẫu Liễu Hạnh còn hóa thân thành Địa Tiên Thánh Mẫu – Bà Mẹ Đất, cai quản mọi đất đai và đời sống các sinh vật.

Mẫu Thượng Ngàn là hóa thân Thánh Mẫu toàn năng trông coi miền rừng núi, địa bàn chính sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số. Các đền thờ Mẫu Thượng Ngàn có ở hầu khắp mọi nơi, nhưng có hai nơi thờ phụng chính gắn với hai truyền thuyết ít nhiều có khác biệt, đó là Suối Mỡ (Bắc Giang) và Bắc Lệ (Lạng Sơn).
Gắn với di tích đền thờ Suối Mỡ (Bắc Giang) lưu truyền câu chuyện về Bà Chúa Thượng Ngàn như sau: Vào thời Hùng Định Vương (một trong số 18 ông vua thời Hùng Vương), nhà vua có một hoàng hậu mang thai mãi không đẻ, lúc đầu mọi người rất lo sợ, nhưng sau cũng thấy quen dần. Vào năm thứ ba, một hôm Hoàng Hậu đi chơi trong rừng, bất ngờ cơn đau đẻ ập đến, những người theo hầu lúng túng không biết lo liệu ra sao, Hoàng Hậu đau quá chỉ còn biết ôm chặt lấy thân cây quế, cuối cùng cũng sinh hạ ra được một cô con gái. Nhưng vì quá kiệt sức, Hoàng Hậu An Nương qua đời, để lại cho nhà vua cô con gái yêu quý, đặt tên là Mỵ Nương Quế Hoa. Lớn lên, Mỵ Nương Quế Hoa vừa ngoan ngoãn vừa xinh đẹp, tới tuổi cập kê mà không màng tới chuyện chồng con, chỉ luôn nhắc nhớ tới người mẹ yêu quý đã sinh ra mình.
Sau khi biết rõ ngọn ngành, Công chúa quyết chí đi vào rừng tìm mẹ, không từ những gian lao nguy hiểm. Công chúa cũng đã chứng kiến những cảnh tượng đói nghèo cơ cực của dân lành trong những bản làng xơ xác nơi nàng đã đi qua. Những lúc như vậy, Công chúa Mỵ Nương luôn trăn trở tìm cách nào đó để giúp những người dân lành lam lũ cực khổ kia. Một đêm, giữa rừng núi thâm u, nàng bỗng cảm thấy hơi ấm của người Mẹ. Nàng thốt lên tiếng gọi: “Mẹ ơi, Mẹ ơi!” Như đồng cảm được với nỗi lòng của nàng, một ông tiên bỗng hiện lên, trao cho Nàng phép thần thông, có thể dời núi, lấp sông, cứu giúp dân lành, học phép trường sinh. Có được sách tiên, Công chúa cùng mười hai thị nữ ra sức học phép thần thông, chẳng mấy chốc họ đã biết cách dời núi khai sông, đưa nước về tưới cho ruộng đồng tươi tốt, mang lại ấm no cho dân làng. Sau khi có được cuộc sống ấm no, bản làng trù phú, một hôm có một đám mây ngũ sắc xuống đón Mỵ Nương cùng mười hai người thị nữ bay lên trời. Nhân dân lập đền thờ, tôn vinh Mỵ Nương là Bà Chúa Thượng Ngàn, hàng năm mở hội vào mùng một tháng tư âm lịch để ghi nhớ công tích của Thánh Mẫu.

Núi rừng, yêu thiên nhiên, cây cỏ, muông thú, người có phép tiên có thể mang lại yên vui, ấm no cho dân lành. Họ hiển Thánh và trở thành vị thần bảo hộ cho núi rừng, bản làng. Ở Tây Nguyên, tục thờ Mẫu do người Việt mang vào lại đồng nhất Mẫu Thượng Ngàn với Âu Cơ – Mẹ Tiên, sau khi từ biệt với Bố Rồng – Lạc Long Quân, đã mang 50 người con lên núi, sinh sống, phát triển thành các dân tộc thiểu số ngày nay và Mẹ Âu Cơ trở thành vị Thánh Mẫu cai quản vùng rừng núi. Bởi thế, các động Sơn Trang ở các đền Tây Nguyên thường tái hiện sự tích Lạc Long Quân và Âu Cơ (xem phần thờ Mẫu ở Tây Nguyên).

Mẫu Thoải
Huyền thoại và thần tích của Mẫu Thoải tùy theo từng nơi có nhiều khác biệt, tuy nhiên cũng có những nét chung cơ bản. Đó là vị thần trị vì vùng sông nước, xuất thân từ dòng dõi Long Vương, liên quan trực tiếp với thủy tổ dân tộc Việt buổi đầu dựng nước.
Trương Sĩ Hùng trong một báo cáo khoa học đã cung cấp cho chúng tôi hai dị bản về Mẫu Thoải. Dị bản thứ nhất xuất xứ từ làng A Lữ, kể rằng: Thuở trời đất mới mở mang, rừng núi sông hồ vẫn còn hoang vu, Kinh Dương Vương thường đi chu du khắp nơi, một hôm tới vùng sông nước, đầm lầy, gặp một người con gái có sắc đẹp tuyệt trần, xưng là con gái của Long Vương ở Động Đình Hồ. Kinh Dương Vương đem lòng yêu mến và lấy nàng làm vợ, sau sinh ra Sùng Lãm, chính là Lạc Long Quân, thủy tổ Bố Rồng của Lạc Việt.
Cũng với huyền thoại trên, nhưng được người Nghệ Tĩnh gắn với địa phương vùng Ngàn Hống, nơi núi non hùng vĩ với hình tượng 99 con Rồng chầu, nơi Kinh Dương Vương đi tuần du gặp con gái Long Vương xuất hiện trên dòng Sông Lam (tên cũ là Thanh Long), gần cửa Hội.
Còn M. Durand, trong công trình nghiên cứu về hầu đồng của người Việt thì lại cung cấp một dị bản khác ở Tuyên Quang, gắn với nhiều tình tiết mang tính chất gia đình thời hiện đại. Truyện kể rằng: Kinh Xuyên là một hoàng tử con vua, lấy vợ là con gái Long Vương tại Động Đình Hồ (Trung Quốc). Bà rất yêu thương chồng, nhưng Kinh Xuyên lại lấy vợ hai là Thảo Mai, một phụ nữ đem lòng ghen ghét và đố kỵ với vợ cả của Kinh Xuyên, nên đã lừa dịp vu cáo nàng là người không giữ lòng chung thủy với chồng. Bực tức, Kinh Xuyên nhốt vợ cả vào củi đem bỏ vào rừng sâu cho thú ăn thịt. Ở trong rừng, không những bà không bị thú dữ ăn thịt mà còn được chúng yêu quý, hàng ngày mang hoa quả về nuôi bà sống qua ngày. Một hôm, một nho sinh bắt gặp bà trong rừng, bà đã nhờ chuyển một lá thư cho cha là Long Vương ở Động Đình để đến cứu thoát. Nho sinh đã làm tròn phận sự, bà đã được cứu thoát. Long Vương muốn gả công chúa cho nho sinh, nhưng ông từ chối, chỉ muốn là người bạn trung thành của bà để đề cao đạo đức của bà, người đời suy tôn bà là Mẫu Thoải (Mẹ Nước), lập đền thờ ở Tuyên Quang, gọi là đền Giùm (giùm là giúp đỡ), nay thuộc Yên Sơn, trên hữu ngạn Sông Lô. Người đời sau gọi tên hiệu của bà là Quang Nhuận.

Cũng có những quan niệm dân gian khác nhau về nguồn gốc của các Mẫu Thoải. Theo tác giả của sách Nữ thần Việt Nam, thì Mẫu Thoải là vợ vua Thủy Tề, được Thượng Đế phong là Nhụ Nương Nam Hải Đại Vương, được dân làng Viêm Xá, huyện Yên Phong, Bắc Ninh thờ làm Thành hoàng làng. Lại còn có quan niệm cho rằng Mẫu Thoải là nhiều bà, vốn là con gái Lạc Long Quân, trong đó ba người được chọn trông coi sông biển nước Nam, dinh chính ở sông Nguyệt Đức, đó là Thủy Tinh Động Đình Ngọc Nữ Công Chúa, Hoàng Bà Đan Khiết Phu Nhân và Tam Giang Công Chúa. Các Mẫu Thoải này trông coi việc sông biển, làm mưa, chống lụt, khi có hạn cũng phải cầu đảo các bà. Các bà còn cứu giúp các vị tướng lính hay nhà vua đi chinh chiến dẹp giặc.

Như vậy trong Tam Tòa Thánh Mẫu, Mẫu Thượng Thiên mà hóa thân là Thánh Mẫu Liễu Hạnh, vốn là con gái Ngọc Hoàng đã nhiều lần giáng sinh nơi trần thế. Còn lại Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải đều có nguồn gốc Sơn thần và Thủy thần, ít nhiều có gắn với các nhân vật nửa lịch sử nửa huyền thoại của buổi huyền sử dân tộc, như Tản Viên, Hùng Vương, Âu Cơ hay Lạc Long Quân, Kinh Dương Vương, Kinh Xuyên. Trong Tam Tòa Thánh Mẫu ta còn thấy có sự kết hợp, đan quyện giữa tư duy mang tính vũ trụ luận (Trời, Đất, Nước), tư duy huyền thoại (Thiên Thần, Sơn Thần và Thủy Thần) và tư duy lịch sử (Lạc Long Quân – Âu Cơ, Hùng Vương). Đây cũng là khía cạnh tâm lý mang đặc thù Việt Nam.